Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Quy trình và quy định pháp luật liên quan đến thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

doanh-nghiep-co-von-dau-tu-nuoc-ngoai

Quy trình và quy định pháp luật liên quan đến thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Trong bối cảnh thị trường ngày càng toàn cầu hóa, việc thu hút nguồn lực đầu tư từ nước ngoài không chỉ giúp các tổ chức, doanh nghiệp tận dụng các lợi thế mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của doanh nghiệp. Do đó, thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một chiến lược quan trọng nhằm kết nối doanh nghiệp với nguồn vốn nước ngoài và tiềm năng phát triển quốc tế. Để hiểu rõ chi tiết hơn về thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bài viết sau đây sẽ đi sâu vào vấn đề “Quy trình và quy định pháp luật liên quan đến thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư của một quốc gia khác đầu tư một phần hoặc toàn bộ phần vốn để thành lập trên lãnh thổ Việt Nam nhằm tiến hành hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận. Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có các đặc điểm sau:

  • Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
  • Doanh nghiệp được đầu tư bởi nhà đầu tư nước ngoài một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp;
  • Có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam.

Hiện tại, theo pháp luật Việt Nam, khái niệm về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã không còn được sử dụng, thay vào đó, pháp luật đã thực hiện tách bạch rõ ràng giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Sự tách bạch này được quy định cụ thể tại Khoản 19 và Khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020.

Theo quy định của Khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được xác định là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những loại hình của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Một điểm quan trọng được nhấn mạnh là luật không quy định mức vốn cụ thể mà một tổ chức kinh tế cần phải nhận đầu tư từ nước ngoài. Thay vào đó, sự quyết định này có thể phụ thuộc vào từng dự án và ngành nghề kinh doanh cụ thể. Sự linh hoạt này giúp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế có nhiều quy mô và điều kiện tài chính khác nhau.

Doanh-nghiệp-có-vốn-đầu-tư-nước-ngoài-là-gì

Quy trình thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Các hình thức thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài[1]

Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế:

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp vốn ngay từ khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp tại Việt Namvới tỷ lệ góp vốn từ 1% đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp:

Với hình thức này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp vốn vào công ty Việt Nam đã có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bằng việc thực hiện các thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế Việt Nam. Các hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp được quy định cụ thể tại Điều 24 Luật Đầu tư 2020.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam theo hình thức hợp đồng BCC. Dưới góc độ pháp luật đầu tư, hợp đồng BCC là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.Tuy nhiên, các bên tham gia ký kết hợp đồng BCC phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư.

Một số lưu ý khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Khi những nhà đầu tư nước ngoài quyết định thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì cần tuân theo các thủ tục theo quy định pháp luật và lưu ý:

  • Đối với những nhà đầu tư nước ngoài góp vốn hoặc mua cổ phần vào công ty Việt Nam đã có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bao gồm cả trường hợp mua tới 100% vốn góp của công ty), thì không cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ khi công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Trong trường hợp này, nếu nhà đầu tư nước ngoài mua từ 1% phần vốn góp, họ cũng phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
  • Đối với công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa tới người tiêu dùng hoặc lập cơ sở bán lẻ hàng hóa cần xin thêm Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, cần xem xét đến các ngành nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.

Sau khi đáp ứng đủ các điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư tại Việt Nam, tổ chức kinh tế phải tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Điều 37 Luật Đầu tư 2020 quy định cụ thể về các trường hợp phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó bao gồm cả dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong một số trường hợp nhà đầu tư phải đăng ký chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Cơ quan Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Theo Điều 38 của Luật Đầu tư 2020, quá trình xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện theo các thời hạn cụ thể và tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư; và 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp nêu trên. Để biết thêm chi tiết về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham khảo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, đặc biệt là từ Điều 35 đến Điều 40. Sau khi hoàn tất quá trình này, nhà đầu tư có thể tiếp tục lựa chọn loại hình doanh nghiệp và thực hiện đăng ký thành lập theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục quá trình thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong quá trình này, nhà đầu tư cần xem xét và lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu kinh doanh và quy định của pháp luật Việt Nam. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài có thể chọn giữa nhiều loại hình doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hoặc công ty hợp danh. Mỗi loại hình đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, phù hợp với từng ngành nghề và chiến lược kinh doanh cụ thể. Tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP cung cấp hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, bao gồm cả việc lập kế hoạch và đưa ra các thông tin cần thiết, như đăng ký tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, ngành nghề kinh doanh, cơ cấu vốn đầu tư, và thông tin về các thành viên sáng lập.

Quá trình thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đòi hỏi các nhà đầu tư chú ý đến các quy định của Luật Đầu tư, cũng như quy trình đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh Nghiệp 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Việc nắm rõ và tuân thủ đúng các quy định này sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài mở rộng hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả và hợp pháp tại Việt Nam.

quy-trinh-thanh-lap

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Quy trình và quy định pháp luật liên quan đến thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 21 Luật Đầu tư 2020