Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

MỘT SỐ LƯU Ý VỀ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

tranh-chap-lao-dong

Một Số Lưu Ý Về Tranh Chấp Lao Động Có Yếu Tố Nước Ngoài

Việc hội nhập kinh tế quốc tế kéo theo sự xuất hiện ngày càng nhiều các quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài. Theo đó, tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài cũng có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Nhằm mục đích cung cấp thông tin cho bạn đọc, bài viết này sẽ đưa ra một số lưu ý về tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài cần được quan tâm.

  1. Tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài

Căn cứ Điều 179 Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Các loại tranh chấp lao động bao gồm:

  • Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;
  • Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

Tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài có thể được hiểu là các tranh chấp lao động mà có quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được hiểu là quan hệ dân sự có một trong các trường hợp sau: (i) có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; (ii) các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; hoặc (iii) các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài[1].

  1. Một số lưu ý về tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài

  • Pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài

Theo quy định tại Điều 664 Bộ luật Dân sự 2015, cách xác định pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp có quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:

  • (i) Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
  • (ii) Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
  • (iii) Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản (i) và khoản (ii) nêu trên thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
  • Phương thức giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài

Căn cứ Điều 187 và Điều 191 Bộ luật Lao động 2019, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm: (i) Hòa giải viên lao động; (ii) Hội đồng trọng tài lao động; và (iii) Tòa án nhân dân. Các tranh chấp lao động này phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các trường hợp được nêu tại Mục 3.

Căn cứ Điều 195 Bộ luật Lao động 2019, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm: (i) Hòa giải viên lao động; và (ii) Hội đồng trọng tài lao động. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.

  1. Một số lưu ý khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài thông qua Tòa án

Thứ nhất, về nguyên tắc, tranh chấp lao động phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải[2]:

  • (i) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
  • (ii) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
  • (iii) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
  • (iv) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
  • (v) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; và
  • (vi) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Thứ hai,  trường hợp hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc hòa giải không thành[3] hoặc một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết[4].

3.1     Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài tại Tòa án

          Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố yếu tố nước ngoài tại Tòa án bao gồm:

       Bước 1: Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền

Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết vụ án.

Lưu ý: Những tranh chấp lao động mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện[5].

Bước 2: Tòa án nhận và thụ lý đơn khởi kiện

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện[6].

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật[7].

Lưu ý: Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo[8].

Bước 3: Thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử

Thẩm phán tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự.

Đối với vụ án dân sự không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải[9].

Bước 4: Xét xử sơ thẩm

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng[10].

  1. Mẫu hợp đồng lao động có yếu tố nước ngoài

Để biết thêm chi tiết về mẫu hợp đồng lao động có yếu tố nước ngoài vui lòng tham khảo Mẫu hợp đồng lao động tại trang 56 cuốn sách “Các biểu mẫu nhân sự khó tìm” của Luật sư Nguyễn Hữu Phước

Lưu ý: So với hợp đồng lao động thông thường, hợp đồng lao động có yếu tố nước ngoài cần lưu ý một số điểm sau đây:

  • (i) Về thời gian nghỉ lễ tết đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật Việt Nam, thời gian nghỉ lễ tết trong hợp đồng lao động phải có thêm 01 ngày nghỉ Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày nghỉ Quốc khánh của nước họ[11].
  • (ii) Về việc trả lương, lương sẽ được trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam có thể nhận tiền lương bằng ngoại tệ hoặc tiền Đồng Việt Nam tùy theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng lao động[12].

Trên đây là nội dung khái quát về một số lưu ý về tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làmThuếMua bán và Sáp nhậpTranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 663.2 Bộ luật Dân sự 2015

[2] Điều 188.1 Bộ luật Lao động 2019

[3] Điều 188.7.b và Điều 192.2.b Bộ luật Lao động 2019

[4] Điều 189.5 và Điều 193.6 Bộ luật Lao động 2019

[5] Điều 35.3 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[6] Điều 191.2 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[7] Điều 191.3.b Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[8] Điều 195.3 và Điều 195.4 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[9] Điều 208.2 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[10] Điều 203.4 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[11] Điều 112.2 Bộ luật Lao động 2019

[12] Điều 95.2 Bộ luật Lao động 2019