Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Lời khuyên pháp lý trong quá trình mua bán doanh nghiệp

mua-ban-doanh-nghiep

Lời khuyên pháp lý trong quá trình mua bán doanh nghiệp

Do khả năng đem lại lợi nhuận cao, mua bán doanh nghiệp đã trở thành một trong những hình thức đầu tư thu hút nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư hiện nay. Tuy nhiên, các giao dịch mua bán doanh nghiệp thường phức tạp cũng như chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn. Chính vì vậy mà trước khi mua bán doanh nghiệp, các bên cần phải xem xét nhiều yếu tố để đảm bảo giao dịch không có rủi ro hoặc hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất có thể. Bài viết này sẽ thảo luận về giao dịch mua bán doanh nghiệp, đồng thời đưa ra lời khuyên pháp lý trong quá trình mua bán doanh nghiệp.

Mua bán doanh nghiệp là gì?

Để quá trình mua bán doanh nghiệp diễn ra đúng với mong muốn của các bên tham gia, trước hết các bên tham gia cần hiểu rõ khái niệm mua bán doanh nghiệp và xác định được mục đích tham gia giao dịch của mình.

Ở Việt Nam, “mua bán doanh nghiệp” còn thường được biết đến với tên gọi “mua bán, sáp nhập doanh nghiệp”, có nguồn gốc xuất phát từ thuật ngữ tiếng Anh là “merge and acquisition”, viết tắt là “M&A”. Pháp luật Việt Nam không có định nghĩa về thuật ngữ mua bán doanh nghiệp. Nhìn chung, có thể hiểu mua bán doanh nghiệp là hoạt động mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp khác, hoặc thực hiện các giao dịch hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.

Mục đích của một thương vụ mua bán doanh nghiệp có thể đa dạng. Trong một số trường hợp, bên mua chỉ hướng đến sở hữu tài sản của doanh nghiệp mục tiêu (thường là các tài sản không thể chuyển nhượng). Trong trường hợp khác, bên mua thường có mong muốn giành quyền kiểm soát của doanh nghiệp mục tiêu thông qua việc nắm quyền tham gia và quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh, hoạt động quản trị của doanh nghiệp mục tiêu. Ngoài ra, cũng có trường hợp bên mua có mục đích khác như loại bỏ đối thủ cạnh tranh, hoặc tiết kiệm chi phí sản xuất bằng cách chia sẻ tài nguyên của các công ty bị sáp nhập, hợp nhất.

Hai hình thức mua bán doanh nghiệp phổ biến hiện nay là:

  • Mua bán doanh nghiệp theo chiều ngang: được thực hiện đối với các công ty mục tiêu cung cấp cùng loại sản phẩm, dịch vụ trong cùng thị trường, từ đó, bên mua tăng cường sức mạnh cạnh tranh và thị phần của mình trên thị trường;
  • Mua bán doanh nghiệp theo chiều dọc: bên mua và công ty mục tiêu hoạt động trong giai đoạn khác nhau của cùng một chuỗi giá trị cung ứng. Hình thức này thường được thực hiện nhằm tạo ra hiệu quả kinh tế từ việc tránh gián đoạn quá trình sản xuất và giảm chi phí sản xuất.

Do tính phức tạp của giao dịch này, tìm kiếm lời khuyên pháp lý trong quá trình mua bán doanh nghiệp trước và trong suốt quá trình thực hiện là một điều cần thiết để các bên hạn chế các rủi ro có thể gặp phải.

mua-ban-doanh-nghiep

Lời khuyên pháp lý trong quá trình mua bán doanh nghiệp

Trước hết, các bên tham gia vào giao dịch mua bán doanh nghiệp cần hiểu rằng các quy định của pháp luật điều chỉnh giao dịch này không chỉ tập trung ở một văn bản pháp luật mà nằm ở rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Chẳng hạn:

  • Luật Doanh nghiệp quy định về các thủ tục đăng ký kinh doanh phát sinh liên quan đến hoạt động mua bán doanh nghiệp;
  • Luật Đầu tư quy định về các điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng khi mua lại doanh nghiệp khác, các thủ tục đăng ký đầu tư cần thực hiện;
  • Luật Cạnh tranh quy định về việc các hình thức mua bán doanh nghiệp (như sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh giữa các doanh nghiệp) được xác định là hình thức tập trung kinh tế, đồng thời trong một số trường hợp, các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải thực hiện thủ tục thông báo đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia theo quy định.

Bên cạnh đó, số lượng các văn bản pháp luật như nghị định, thông tư nhằm hướng dẫn thực hiện luật cũng rất nhiều. Nội dung các văn bản hướng dẫn còn có thể chồng chéo, không thống nhất với nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy định pháp luật một cách đúng đắn. Do đó, các bên cần rà soát kỹ các quy định pháp luật liên quan để trả lời các câu hỏi: có thể thực hiện giao dịch mua bán doanh nghiệp mục tiêu như dự định một cách phù hợp với quy định pháp luật hay không? Nếu không, cần điều chỉnh gì để đảm bảo giao dịch đúng với quy định? (ví dụ giảm ngành, nghề trong doanh nghiệp mục tiêu, điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ cổ phần của bên mua, v.v.).  Ngoài ra, các bước tiến hành giao dịch cần phải phù hợp với thủ tục hành chính có liên quan tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để hạn chế rủi ro pháp lý, các bên có thể tìm kiếm lời khuyên pháp lý trong quá trình mua bán doanh nghiệp từ các công ty luật uy tín để được giải đáp về các vấn đề nêu trên.

Bên cạnh các khó khăn phát sinh từ hệ thống pháp luật, khi tham gia giao dịch mua bán doanh nghiệp, bên mua còn gặp phải thách thức trong việc tìm hiểu tình trạng pháp lý của doanh nghiệp mục tiêu nhằm xác định các rủi ro tiềm ẩn trong và sau khi hoàn tất giao dịch. Trong trường hợp này, bên mua nên tìm đến dịch vụ thẩm tra pháp lý từ các công ty luật uy tín nhằm điều tra về tình trạng pháp lý, tình hình thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của công ty mục tiêu. Thẩm tra pháp lý, hay còn thường được biết đến với thuật ngữ tiếng Anh “due diligence”, là việc rà soát và xem xét toàn bộ các yếu tố pháp lý có liên quan đến doanh nghiệp mục tiêu để bên mua cân nhắc và đánh giá xem có nên mua lại doanh nghiệp mục tiêu hay không. Việc thực hiện thẩm định pháp lý có thể khá tốn kém về mặt thời gian, công sức và tài chính, tuy nhiên vẫn tối ưu hơn so với việc giải quyết các vấn đề đề pháp lý sau khi giao dịch hoàn tất.

Tùy vào từng giao dịch cụ thể mà quá trình thẩm tra pháp lý doanh nghiệp có thể đơn giản hay phức tạp. Nếu doanh nghiệp mục tiêu mới được thành lập và chưa phát sinh nhiều hoạt động giao dịch kinh doanh, không có chi nhánh, văn phòng đại diện thì số lượng hồ sơ, tài liệu cần rà soát không nhiều. Ngược lại, đối với các doanh nghiệp mục tiêu đã có thời gian hoạt động lâu năm, các thông tin, tài liệu cần thu thập và xem xét có thể rất nhiều và phức tạp, dẫn đến thời gian thẩm định pháp lý cũng kéo dài. Thông thường, các tiêu chí cần thẩm tra của doanh nghiệp mục tiêu bao gồm: việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; các vấn đề về lao động; tài sản doanh nghiệp; các hợp đồng quan trọng; việc tuân thủ các nghĩa vụ về thuế, tài chính; lịch sử các tranh chấp, bị xử phạt cũng như rủi ro tranh chấp, bị xử phạt trong tương lai, v.v. Báo cáo thẩm tra pháp lý thường trình bày các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp mục tiêu đã tuân thủ và chưa tuân thủ, rủi ro phát sinh từ những vấn đề còn chưa tuân thủ. Đồng thời, báo cáo cũng cần đưa ra các giải pháp có thể thực hiện để khắc phục các rủi ro nêu trên.

Ngoài ra, đàm phán và soạn thảo các tài liệu pháp lý liên quan cũng là công việc vô cùng quan trọng trong quá trình mua bán doanh nghiệp. Các vấn đề cần đám phán bao gồm định giá doanh nghiệp mục tiêu, cấu trúc giao dịch, các điều kiện tiên quyết, thời điểm hoàn tất giao dịch, cách thức thực hiện giao dịch và các điều khoản hợp đồng khác tùy từng vụ việc. Các tài liệu cần soạn thảo sẽ tùy thuộc vào mức độ phức tạp của giao dịch. Thông thường, các tài liệu này bao gồm: biên bản ghi nhớ, thỏa thuận bảo mật, hợp đồng góp vốn, mua cổ phần, hợp đồng chuyển nhượng tài sản, các biên bản họp, nghị quyết của doanh nghiệp về việc chấp thuận giao dịch, các quyết định bổ nhiệm, v.v.

loi-khuyen-phap-li-trong-qua-trinh-mua-ban-doanh-nghiep

Tham vấn ý kiến chuyên gia

Các thương vụ mua bán doanh nghiệp ngày càng bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam. Đây là thị trường tiềm năng dành cho các nhà đầu tư. Tuy vậy, từ những phân tích trên có thể thấy rằng hoạt động mua bán doanh nghiệp tồn tại nhiều rủi ro đối với các bên nói chung và rủi ro pháp lý nói riêng. Trong một số trường hợp, nếu các bên không cẩn thận trong quá trình thực hiện giao dịch, lợi ích đem lại thậm chí có thể không đủ để bù đắp các chi phí tổn thất. Do đó, các bên tham gia giao dịch được khuyến khích tham vấn ý kiến của các chuyên gia pháp lý trong suốt quá trình thực hiện giao dịch. Dịch vụ pháp lý có thể hỗ trợ đưa ra lời khuyên pháp lý trong quá trình mua bán doanh nghiệp, hỗ trợ các bên trong việc đánh giá tính khả thi của giao dịch, xây dựng cấu trúc giao dịch phù hợp, nhận diện rủi ro và hạn chế tối đa các rủi ro của giao dịch mua bán doanh nghiệp.

tham-van-y-kien-chuyen-gia

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến lời khuyên pháp lý trong quá trình mua bán doanh nghiệp mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý này, vui lòng liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháphàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.