Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Doanh Nghiệp Không Thưởng Tết Cho Người Lao Động Có Bị Phạt Không?

doanh-nghiep-thuong-tet

Doanh Nghiệp Không Thưởng Tết Cho Người Lao Động Có Bị Phạt Không?

  1. Doanh nghiệp không thưởng tết cho người lao động có vi phạm pháp luật không?

Nhiều người thường lầm tưởng thưởng tết là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong những quy định pháp luật lao động hiện hành, không có bất kỳ quy định nào thể hiện thưởng tết là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) đối với người lao động (“NLĐ”). Theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 (“BLLĐ”), thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà NSDLĐ thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Đồng thời, quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.

Như vậy, NSDLĐ có quyền tự quyết định và không bắt buộc phải thưởng tết cho NLĐ. NSDLĐ sẽ căn cứ vào tình hình, kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để quyết định về việc xây dựng quy chế thưởng nói chung và thưởng tết nói riêng. NSDLĐ cũng có quyền quyết định các điều khoản, nội dung của quy chế thưởng và công bố công khai tại nơi làm việc khi đã tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ. Bên cạnh đó, hình thức thưởng tết cũng rất đa dạng mà không nhất định phải thực hiện bằng tiền. Thay vào đó, NSDLĐ có thể sử dụng tài sản, hoặc thưởng tết theo hình thức khác phù hợp với văn hóa, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp để quyết định. Từ đó cũng có thể hiểu việc chi trả tiền thưởng tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện, mà là phúc lợi mà NSDLĐ áp dụng cho NLĐ cao hơn quy định pháp luật.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý khi quyết định ban hành quy chế thưởng hay chính sách về thưởng tết, doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ yêu cầu công bố công khai quy chế, chính sách đó tại nơi làm việc trước khi thực hiện. Trường hợp không thực hiện thủ tục này, doanh nghiệp có rủi ro sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng – 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 17.1 (a) Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở khi xây dựng quy chế thưởng tết, sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng – 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 17.1 (c) của Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Trên thực tế, tiền thưởng tết là không bắt buộc nhưng vẫn được khuyến khích áp dụng để nâng cao chất lượng của môi trường làm việc, nâng cao chất lượng sống của NLĐ. Sau một năm làm việc, thưởng tết là khoản phúc lợi mà NLĐ mong đợi như một phương thức ghi nhận những công sức, sự đồng hành của NLĐ đối với doanh nghiệp.

  1. Thức tiễn áp dụng cơ chế “thưởng tết” hiện nay

Thưởng tết tuy không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp nhưng nếu NSDLĐ và NLĐ có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hay các được quy định trong quy chế nội bộ thì các bên phải tôn trọng các thỏa thuận, quy định đó. Trong một số trường hợp, NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ về mức tiền thưởng tết mà mình mong muốn được nhận. Tuy nhiên, trường hợp này thường chỉ xảy ra khi NLĐ được tuyển dụng ở vị trí quản lý hoặc có thâm niên nhất định trong nghề. Trên thực tế, phía NSDLĐ sẽ ràng buộc nhiều điều kiện để NLĐ nhận được khoản thưởng này.

Một trong các tiêu chí trong quy chế thưởng là số tháng làm việc cho NSDLĐ, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ hoặc kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, thâm niên làm việc hay vị trí, cấp bậc và chức vụ của NLĐ đảm nhận trong doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng để NSDLĐ xác định mức lương, thưởng tết cho NLĐ. Theo đó, trong trường hợp NLĐ không làm việc đáp ứng đủ yêu cầu để được nhận thưởng thì việc không chi trả tiền thưởng tết của doanh nghiệp sẽ không thuộc trường hợp vi phạm hợp đồng. Hoặc doanh nghiệp đã có thỏa thuận với NLĐ về việc sẽ không chi trả tiền thưởng tết trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì trường hợp không thưởng tết cho NLĐ cũng không được xem là vi phạm hợp đồng. Trong các trường hợp kể trên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thỏa thuận về việc thưởng tết giữa NLĐ và NSDLĐ.

Như vậy, để xác định các điều kiện mà NLĐ cần phải đáp ứng để được nhận thưởng tết thì cần phải căn cứ vào quy chế thưởng, quy chế tài chính, thỏa ước lao động tập thể hay các văn bản, tài liệu nội bộ khác của doanh nghiệp,… và hợp đồng lao động được giao kết giữa NLĐ và NSDLĐ để xác định chính xác các điều kiện để được nhận thưởng tết. Ngoài ra, NSDLĐ có quyền quy định linh hoạt và cách thức thực hiện, áp dụng quy chế thưởng cho NLĐ nhằm khuyến khích và động viên tinh thần làm việc năng suất, sự đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Khoản tiền thưởng này sẽ là động lực góp phần giúp những NLĐ hăng say và cống hiến sức lực của mình để tạo ra giá trị lao động, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

  1. NSDLĐ không thưởng tết cho NLĐ đáp ứng đủ điều kiện thưởng tết thì có vi phạm pháp luật không?

Như đã phân tích ở trên, thưởng tết sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và do NSDLĐ tự quyết định. Do đó, việc NSDLĐ không thưởng tết cho NLĐ nếu không có thỏa thuận là không trái với quy định của luật. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật hiện hành cũng chưa quy định về chế tài đối với NSDLĐ trong trường hợp này.

Tuy nhiên, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận và ý chí của các bên. Vì vậy, các bên cần dựa vào những văn bản như hợp đồng lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể hay quy chế thưởng… để xác định thưởng tết có phải là nghĩa vụ của NSDLĐ hay không. Nếu thưởng tết được quy định là một phần bắt buộc mà NSDLĐ và NLĐ phải tuân thủ thì NSDLĐ và NLĐ cần tuân thủ nghĩa vụ của mình và quyền của bên còn lại.

Quy định của pháp luật hiện hành chưa có chế tài rõ ràng để xử phạt doanh nghiệp vi phạm. Nếu NSDLĐ không thực hiện đúng cam kết, thỏa thuận về thưởng tết được quy định trong văn bản nội bộ doanh nghiệp, hợp đồng lao động thì NLĐ có thể thực hiện việc khiếu nại đến ban lãnh đạo doanh nghiệp để yêu cầu trả thưởng. Nếu NSDLĐ không giải quyết khiếu nại hoặc NLĐ cho rằng kết quả giải quyết khiếu nại chưa đảm bảo quyền lợi của mình, NLĐ có thể khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình[1].

Ngoài ra, NLĐ cũng cần tôn trọng các thỏa thuận với NSDLĐ và quy định của doanh nghiệp về điều kiện thưởng hay thưởng tết. Khi phát sinh tranh chấp liên quan đến thưởng, NLĐ nên ưu tiên phương thức hòa giải, đối thoại cùng NSDLĐ để giữ gìn mối quan hệ lao động giữa các bên.

Trong trường hợp một trong các bên vi phạm thỏa thuận về thưởng hoặc quy định của doanh nghiệp về thưởng, bên còn lại có thể khởi kiện đến Tòa án để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Trong một vụ tranh chấp về lao động về tiền lương được giải quyết tại Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Tòa án đã tuyên bố NSDLĐ buộc phải bồi thường số tiền thưởng tết cho NLĐ vì trong thỏa ước lao động tập thể quy định điều kiện thưởng tết là NLĐ đã làm việc đủ 01 năm cho NSDLĐ. Do đó, nếu NSDLĐ làm trái thỏa thuận mà bị NLĐ khởi kiện ra tòa án thì tài liệu do các bên ký kết, thỏa thuận, văn bản nội bộ của NSDLĐ sẽ là chứng cứ quan trọng để Tòa án xem xét, nhận định về trách nhiệm của NSDLĐ.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chững lại dẫn đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, việc thưởng tết cũng là một áp lực tài chính rất lớn đối với cả NSDLĐ và NLĐ. Để tránh những mâu thuẫn, xung đột trong môi trường làm việc, NSDLĐ và NLĐ cần phải tham gia vào các thỏa thuận để đạt được sự thống nhất ý chí và quy định chặt chẽ hơn trong các văn bản quan trọng như hợp đồng lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế thưởng của doanh nghiệp về điều kiện thưởng tết. Đồng thời, NSDLĐ và NLĐ cần tuân thủ thỏa thuận đã ký kết, tôn trọng quyền và lợi ích của mỗi bên nhằm tạo môi trường ổn định, hài hòa.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến việc doanh nghiệp không thưởng tết cho người lao động thì có bị phạt không Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.