Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Người lao động thử việc có được thưởng tết cuối năm hay không?

thuong-tet

Người lao động thử việc có được thưởng tết cuối năm hay không?

Quy định pháp luật về “thưởng tết” cho người lao động

Thưởng tết gần như đã trở thành văn hóa nơi công sở khi mỗi dịp cuối năm, Tết đến. Người lao động (“NLĐ”) thường mong chờ khoản thưởng tết và xem đây là một cách ghi nhận thành quả lao động trong một năm vừa qua. Tuy nhiên, nhiều NLĐ chưa thực sự hiểu rõ những quy định pháp luật điều chỉnh chế độ này, dẫn đến những hiểu lầm thưởng tết là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động (“NSDLĐ”). Bên cạnh đó, một vấn đề cũng rất được quan tâm là NLĐ đang trong thời gian thử việc thì có được thưởng tết không?

Theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động 2019 (“BLLĐ”), thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà NSDLĐ thưởng NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. NSDLĐ có quyền quyết định quy chế thưởng và phải công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.

Như vậy, việc có thưởng hay không là do NSDLĐ quyết định và trong trường hợp NSDLĐ và NLĐ có thỏa thuận về thưởng, NSDLĐ phải ban hành quy chế thưởng và tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở theo quy trình đối thoại tại nơi làm việc[1]. Để rõ ràng, NSDLĐ cần quy định cụ thể các loại thưởng, hình thức thưởng, điều kiện nhận thưởng và mức thưởng được áp dụng cho toàn bộ NLĐ hoặc phân biệt theo cấp bậc, vị trí công việc.

Trên thực tế, NSDLĐ và NLĐ cũng sẽ thỏa thuận về các loại thưởng như thưởng thành tích, thưởng tết và mức thưởng trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Một số tiêu chí trong điều kiện thưởng như kết quả sản xuất kinh doanh trong năm của công ty có lời, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ, số tháng làm việc của NLĐ.

Trong doanh nghiệp, thưởng tết có vai trò là động lực thúc đẩy NLĐ phấn đấu và sáng tạo trong quá trình lao động, từ đó góp phần tăng năng suất, hiệu quả lao động. Trên thị trường lao động, thưởng tết là một trong những tiêu chí được NLĐ quan tâm khi đánh giá các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp đã tập trung xây dựng các quy định về thưởng và áp dụng nhiều loại thưởng, mức thưởng để tạo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, giữ chân NLĐ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, tính đến tình hình và điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, quyết định về chế độ thưởng có thể được điều chỉnh để đáp ứng mục tiêu và chiến lược của doanh nghiệp trong từng giai đoạn. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển linh hoạt đối với môi trường làm việc mà còn giúp tăng cường sự hài lòng và cam kết của NLĐ.

quy-dinh-thuong-tet

NLĐ đang trong thời gian thử việc có được thưởng tết không?

Như đã nêu ở trên, NSDLĐ có toàn quyền quyết định thưởng tết cũng như mức thưởng cho NLĐ. Nếu các bên không thỏa thuận về thưởng trong các tài liệu nêu trên thì NSDLĐ không bắt buộc phải trả thưởng tết cho NLĐ và NLĐ đang trong thời gian thử việc.

Thưởng tết thường mang tính chất động viên, tri ân của doanh nghiệp đối với những NLĐ đã cống hiến, mang lại giá trị cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và được đánh giá dựa trên mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng thưởng tết cho NLĐ dựa trên tiêu chí số tháng làm việc. Trong khi đó, thời gian thử việc của NLĐ thường không quá dài[2], chưa ổn định để có thể mang đến những đóng góp đáng kể vào kết quả sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, trong thời kỳ thử việc, NLĐ cũng chưa có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân cũng như chứng minh năng lực, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, NSDLĐ sẽ không áp dụng chế độ thưởng tết đối với NLĐ thử việc hoặc hạn chế tuyển dụng NLĐ mới trong thời điểm cuối năm.

Thông thường, một số doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với NLĐ đang trong thời gian thử việc về lương và những phúc lợi được hưởng khi thử việc đạt yêu cầu và trở thành NLĐ chính thức. Theo đó, NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động[3], đồng thời nêu rõ các khoản thưởng và mức thưởng cụ thể áp dụng cho NLĐ khi làm việc cho doanh nghiệp. Theo cách thức này, NLĐ sẽ nắm được quy định về các loại phúc lợi của doanh nghiệp và có hể lựa chọn môi trường làm việc phù hợp với nhu cầu, mong muốn của bản thân.

Thưởng tết được xem là khoản hỗ trợ thêm mà NSDLĐ dành cho những NLĐ đủ điều kiện nhận thưởng và NLĐ cũng nhận được khoản thưởng tương xứng với những thành quả lao động, nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, để tránh hiểu lầm hoặc phát sinh mâu thuẫn không đáng có, NSDLĐ áp dụng thưởng tết cho NLĐ cần quy định rõ ràng và thống nhất trong các tài liệu nhân sự về đối tượng được thưởng tết, tiêu chí, điều kiện nhận thưởng và mức thưởng. Về phía NLĐ nên xem thưởng tết là dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, hiệu quả mà không phải là nghĩa vụ bắt buộc của NSDLĐ. Hình thức thưởng tết không chỉ bằng số tiền mà còn có thể bằng hình thức tặng quà tùy thuộc vào quyết định của NSDLĐ.

thu-viec-co-duoc-thuong-tet-khong

Thời gian thử việc có được tính vào thời gian làm việc để được thưởng tết không?

NLĐ đang thử việc là người làm việc cho NSDLĐ theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của NSDLĐ nhưng vẫn chưa được coi là NLĐ chính thức. Trong thời gian thử việc, NLĐ sẽ làm việc theo hợp đồng thử việc. Ngoài ra, thời gian thử việc sẽ do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 25 BLLĐ. Mục đích của giai đoạn thử việc là để NSDLĐ và NLĐ tìm hiểu về những yếu tố như mục tiêu, định hướng phát triển, văn hóa của doanh nghiệp cũng như mức độ hòa nhập của NLĐ. NSDLĐ sẽ đánh giá hiệu suất làm việc của người thử việc và quyết định tuyển dụng họ làm NLĐ chính thức hay không.

Thời gian làm việc là độ dài thời gian mà NLĐ phải thực hiện nghĩa vụ lao động của mình trong quan hệ lao động căn cứ vào quy định của pháp luật, hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể. Thời gian thử việc có được tính vào thời gian làm việc để xét điều kiện thưởng tết không thì trong một số điều khoản liên quan vẫn đề cập đến vấn đề này.

Theo đó, thời gian thử việc vẫn được xem là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của NLĐ trong trường hợp NLĐ tiếp tục làm việc cho NSDLĐ sau khi hết thời gian thử việc.[4] Bên cạnh đó, thời gian thử việc còn được xác nhận là thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Cụ thể, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian mà NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.[5] Có thể thấy trong nhiều quy định của pháp luật lao động hiện hành đã xác định thời gian thử việc được tính vào thời gian làm việc vì trong quãng thời gian thử việc, người thử việc sẽ thực hiện tất cả các nghĩa vụ như một NLĐ chính thức của công ty, được hưởng lương và đảm bảo các quyền lợi hợp pháp, cũng như góp phần tạo ra giá trị cho công ty.

Như những phân tích ở phần trên, thưởng không phải là nghĩa vụ bắt buộc của NSDLĐ theo quy định pháp luật. Pháp luật cũng không có quy định cụ thể về việc NLĐ phải làm việc trong bao lâu thì mới được nhận thưởng Tết. Do đó, việc quyết định NLĐ của công ty phải đáp ứng điều kiện làm việc trong khoảng thời gian bao lâu thì mới được nhận thưởng tết sẽ tùy thuộc theo tình hình thực tế của công ty, đồng thời là các tài liệu, văn bản, quy chế nội bộ cũng như là hợp đồng lao động hay thỏa ước lao động tập thể.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sẽ tính thời gian thử việc vào thời gian làm việc để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, đồng thời sẽ thực hiện việc thưởng Tết cho những NLĐ đảm bảo đủ thời gian làm việc. Điều này là hợp lý để ghi nhận sự cống hiến cho những NLĐ tiếp tục làm việc cho NSDLĐ sau thời gian thử việc, góp phần làm hài hòa mối quan hệ của cả hai bên.

thoi-gian-thu-viec-có duoc-tính-vao thoi-gian-lam-viec-de-thuong-tet-khong

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến việc thưởng tết cuối năm đối với người lao động thử việcPhước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 41.1 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

[2] Điều 25 BLLĐ

[3] Điều 24.1 BLLĐ.

[4] Điều 65.2 Nghị định 145/2020/NĐ-CP

[5] Điều 8.3 (a) Nghị định 145/2020/NĐ-CP