Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

QUY TRÌNH TỐ TỤNG DÂN SỰ VÀ ĐÀM PHÁN HỢP ĐỒNG KINH DOANH

to-tung-dan-su

QUY TRÌNH TỐ TỤNG DÂN SỰ VÀ ĐÀM PHÁN HỢP ĐỒNG KINH DOANH

Với sự phát triển mạnh mẽ và biến đổi đa dạng của nền kinh tế thị trường, quá trình đàm phán trong kinh doanh ngày càng đóng vai trò quan trọng. Việc đàm phán nói chung và đàm phán hợp đồng kinh doanh nói riêng chịu tác động của nhiều yếu tố và ảnh hưởng đến lợi ích của các bên tham gia.

Trong bối cảnh hiện nay, những chủ thể kinh doanh không chỉ rèn luyện các kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng mà họ được đòi hỏi phải có kiến thức về quy trình tố tụng dân sự để phòng ngừa bất kỳ rủi ro pháp lý có thể xảy ra. Bất kỳ quan hệ xã hội nào cũng có thể xảy ra những mâu thuẫn hay xung đột lợi ích mà khởi kiện được biết tới là một biện pháp hữu hiệu cuối cùng khi các bên có phát sinh tranh chấp nhưng không thể giải quyết được. Việc giải quyết một vụ việc tại Tòa án phải tuân theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.

Bài viết này với chủ đề “Quy trình tố tụng dân sự và đám phán hợp đồng kinh doanh” được khai thác với mong muốn giúp người đọc hiểu và biết được quy trình tố tụng dân sự tại Tòa án và một số vấn đề cần lưu ý trong đàm phán hợp đồng kinh doanh.

QUY TRÌNH TỐ TỤNG DÂN SỰ

  1. Tố tụng dân sự

Mở đầu cho chủ đề “Quy trình tố tụng dân sự và đàm phán hợp đồng kinh doanh”, cần hiểu thế nào là tố tụng dân sự. Dù không được quy định một cách cụ thể, song có thể thấy rằng, tố tụng dân sự là một chuỗi quy trình, thủ tục pháp lý để giải quyết vụ việc dân sự nhằm bảo đảm các vụ việc này được giải quyết khách quan, công bằng, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và lợi ích của Nhà nước. Cùng với tố tụng dân sự, còn có tố tụng hành chính và tố tụng hình sự. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho người đọc quy trình tố tụng dân sự, được bắt được từ giai đoạn nộp đơn khởi kiện cho đến khi vụ việc được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Về nguyên tắc, mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.[1]

  1. Quy trình tố tụng dân sự

Việc hiểu rõ về quy trình tố tụng dân sự và đám phán hợp đồng kinh doanh luôn là một điều cần thiết trong hoạt động kinh doanh thương mại. Nếu trong quá trình đàm phán hợp đồng kinh doanh, các bên không lường trước được những rủi ro pháp lý thì dễ dẫn đến mâu thuẫn trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh doanh, mà nếu không thể giải quyết thì sẽ dẫn đến phát sinh tranh chấp.

Các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo đó, trình tự giải quyết vụ án dân sự từ khi bắt đầu đến khi kết thúc vụ án được khái quát cụ thể như sau:

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

Về nguyên tắc, Tòa án chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được thể hiện trong đơn khởi kiện. Vì vậy, để bắt đầu quá trình tố tụng dân sự, người khởi kiện cần nộp đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây: (i) Nộp trực tiếp tại Tòa án; (ii) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; (iii) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).[2] Đồng thời, khi chuẩn bị đơn khởi kiện cần lưu ý một số vấn đề sau:[3]

  • Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.
  • Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.
  • Cá nhân là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
  • Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.

Bước 2: Phân công thẩm phán xem xét đơn[4]

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Bước 3: Thụ lý vụ án[5]

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ không thuộc trường được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án sẽ báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp về việc đã thụ lý đơn yêu cầu giải quyết.

Bước 4: Chuẩn bị xét xử

Theo quy định pháp luật, thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án (trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài) từ 01 tháng đến 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.[6]

  • Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 – 02 tháng tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định.
  • Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán có thể yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ, ra các quyết định đình chỉ xét đơn, trưng cầu giám định, định giá tài sản… Nếu chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì có thể kéo dài thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu nhưng không vượt quá 01 tháng.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Nếu hòa giải thành công thì ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Nếu hòa giải không thành thì đưa vụ án ra xét xử.

Bước 5: Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm[7]

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.

Bước 6: Kháng cáo, kháng nghị Bản án sơ thẩm

Trong trường hợp đương sự không đồng ý với quyết định của Bản án sơ thẩm hoặc Viện kiểm sát cùng cấp/Viện kiểm sát cấp trên phát hiện Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án không đúng quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự, thì họ có quyền kháng cáo, kháng nghị Bản án sơ thẩm lên Tòa án cấp phúc thẩm. Bản án/Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm có giá trị thi hành ngay lập tức và không bị kháng cáo, kháng nghị.

ĐÀM PHÁN HỢP ĐỒNG KINH DOANH

  1. Đàm phán hợp đồng kinh doanh

Ở phần còn lại của bài viết “Quy trình tố tụng dân sự và đàm phán hợp đồng kinh doanh”, bài viết sẽ tập trung khai thác một cách tổng quát về bản chất và kỹ năng của việc đàm phán hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh.

Vì đàm phán diễn ra trong mọi lĩnh vực của cuộc sống nên định nghĩa về đàm phán cũng không thống nhất. Tuy nhiên, mục đích của đàm phán là tìm ra những giải pháp nhằm tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa mâu thuẫn giữa các bên tham gia. Vì vậy, có thể hiểu rằng, đàm phán là hành vi và quá trình mà hai hay nhiều bên tiến hành trao đổi, thảo luận về các mối quan tâm chung và những điểm còn bất đồng, để đi đến một thỏa thuận thống nhất.

Theo đó, đàm phán hợp đồng kinh doanh là việc trao đổi, bàn bạc giữa hai hay nhiều bên có một số lợi ích chung và lợi ích đối kháng trong kinh doanh nhằm mục đích đạt được một thỏa thuận chung và những thỏa thuận này được lập thành văn bản có sự xác nhận của các bên.

  1. Kỹ năng đàm phán hợp đồng kinh doanh

Trong phạm vi bài viết “Quy trình tố tụng dân sự và đàm phán hợp đồng kinh doanh”, một số vấn đề về kỹ năng đàm phán hợp đồng kinh doanh mà các thể tham gia đàm phán cần lưu ý để tránh phát sinh mâu thuẫn, rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng như sau:

Chuẩn bị đàm phán: đây là giai đoạn quan trọng, quyết định khả năng thành công của cuộc đàm phán và hạn chế rủi ro khi thực hiện hợp đồng. Theo đó, các bên cần tìm hiểu thật kỹ các vấn đề sau:

  • Thông tin đặc điểm về đối tượng đàm phán, cùng với đó là thông tin pháp luật và tập quán thương mại, đặc điểm của nhu cầu thị trường… có liên quan.
  • Thông tin về đối tác: tìm hiểu về tư cách pháp lý, năng lực thực hiện hợp đồng, kiểm tra thông tin về giấy phép thành lập, lĩnh vực kinh doanh của đối tác…
  • Mục tiêu cần đạt được: cần có sự thống nhất về phương án, mục tiêu của buổi đàm phán, trong đó xác định rõ mục tiêu chính, mục tiêu tối thiểu, mục tiêu tối đa. Ngài ra, các bên cần lựa chọn loại hợp đồng phù hợp, xác định được mục tiêu đàm phán cụ thể về đối tượng, giá, phương thức giao nhận, thời gian, địa điểm…

Quá trình đàm phán: đây là giai đoạn quyết định khả năng giao kết hợp đồng kinh doanh phù hợp với điều kiện, lợi ích của các bên. Để đảm bảo hiệu quả, các bên cũng cần tham khảo ý kiến của nhau, quan tâm đến tập quán làm việc của mỗi nơi, nhiệt độ, thời tiết nơi diễn ra buổi đàm phán, vì đây có thể là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả đàm phán.

  • Mở đầu đàm phán: tạo không khí đàm phán hợp tác, thiện chí và tin cậy. Các bên có thể mở đầu cuộc đàm phán bằng những vấn đề đơn giản trước. Trước khi trả lời câu hỏi nên sử dụng các kỹ năng tư duy, giao tiếp, sự lắng nghe, sự quan sát thái độ, cử chỉ để có phương án trả lời cũng như đàm phán tiếp theo cho phù hợp
  • Giai đoạn đàm phán:
  • Thể hiện mong muốn của các bên đàm phán, mục tiêu mong muốn của các bên nhằm thuyết phục đối tác.
  • Thể hiện sự chia sẻ lợi ích để có được cuộc đàm phán thành công. Lợi ích của mỗi bên được coi là đảm bảo khi sự “nhượng bộ” nằm trong giới hạn của biên độ đàm phán.
  • Kết thúc đàm phán: các bên thực hiện hoàn tất các thỏa thuận đã được xác lập. Các bên cần có sự tổng hợp và khẳng định lại các vấn đề đã chốt để tránh có ý kiến khác nhau khi soạn thảo hợp đồng. Thông thường các bên nên lập dự thảo hợp đồng và gửi cho các bên đọc lại, góp ý và chỉnh sửa trước khi chính thức ký kết.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Quy trình tố tụng dân sự và đàm phán hợp đồng kinh doanhPhước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 3 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

[2] Điêu 189.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

[3] Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

[4] Điều 191.2 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

[5] Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

[6] Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

[7] Điều 222 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015