Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Vai trò và Lợi ích của Luật Sư Nội Bộ trong Doanh Nghiệp

Vai trò và Lợi ích của Luật Sư Nội Bộ trong Doanh Nghiệp

Trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, các bộ phận như pháp chế, kế toán, hành chính – nhân sự đều đóng vai trò quan trọng trong quản lý, vận hành và gắn bó mật thiết với sự phát triển của danh nghiệp. Tuy nhiên, chi phí để doanh nghiệp duy trì đội ngũ pháp chế là tương đối lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp phải thường xuyên tuyển dụng nhân sự cho phòng pháp chế do tỷ lệ nghỉ việc của vị trí này tương đối cao. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp hiện nay ưu tiên lựa chọn sử dụng dịch vụ luật sư nội bộ của các công ty luật uy tín để phù hợp với nhu cầu kinh doanh cụ thể và tình hình thực tế của doanh nghiệp. Qua bài viết này, Phước Và Các Cộng Sự sẽ giúp người đọc có một cái nhìn khách quan và chuyên sâu hơn về vai trò và lợi ích của luật sư nội bộ trong doanh nghiệp.

Vai trò của luật sư nội bộ trong doanh nghiệp

Luật sư nội bộ thường là các luật sư hoặc nhóm luật sư có nhiều kinh nghiệm, đã từng tư vấn các vấn đề pháp lý cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề. Chính vì vậy những luật sư nội bộ có vai trò rất lớn trong việc vận hành và phát triển doanh nghiệp. Những vai trò này được thể hiện rõ nhất trong những lĩnh vực:

Bảo đảm tuân thủ

Luật sư nội bộ giữ vai trò trong việc đảm bảo rằng mọi hoạt động của doanh nghiệp tuân thủ đúng với quy định pháp luật. Họ giúp doanh nghiệp đảm bảo rằng các hoạt động nội bộ, quy chế, chính sách, các hợp đồng, giao dịch và chiến lược kinh doanh của mình đều tuân theo các quy định pháp luật hiện hành, giảm thiểu rủi ro, tranh chấpcho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của doanh nghiệp, luật sư nội bộ có thể tiến hành các cuộc kiểm tra tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp để đảm bảo việc doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật.

Tư vấn pháp lý chiến lược:

Luật sư nội bộ không chỉ đóng vai trò đảm bảo việc tuân thủ và vận hành nội bộ mà còn giúp xây dựng chiến lược pháp lý cũng như định hình bức tranh kinh doanh tổng thể cho doanh nghiệp. Họ đưa ra tư vấn pháp lý chiến lược dựa trên kinh nghiệm thực tế và tầm hiểu biết về chính sách, pháp luật, định hướng và phát triển quan hệ hợp tác kinh doanh bền vững giữa doanh nghiệp với các đối tác trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh, thương mại, lao động, đầu tư, thuế, bảo hiểm, bảo vệ dữ liệu, v.v… 

Đại diện cho doanh nghiệp trong các vụ việc:

Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, việc phát sinh tranh chấp là điều không thể tránh khỏi. Theo sự ủy quyền, luật sư nội bộ có thể đại diện cho doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong quá trình giải quyết tranh chấp. Với vốn kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm dày dặn, các luật sư nội bộ đôi khi giúp các bên thương lượng để đi đến hòa giải, tránh việc giải quyết tranh chấp thông qua tố tụng hay trọng tài.

Ngoài ra, luật sư nội bộ có thể đại diện cho doanh nghiệp trong quá trình làm việc với đối tác, khách hàng, người lao động hay các bên thứ ba nào khác. Cũng có nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ yêu cầu luật sư nội bộ tham gia vào các buổi làm việc, thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước để bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

luat-su-noi-bo

Lợi ích của luật sư nội bộ trong doanh nghiệp

Giảm thiểu chi phí vận hành nội bộ: 

Việc sử dụng luật sư nội bộ dựa trên tình hình kinh doanh trong từng giai đoạn hoặc cho các sự việc, nhu cầu cụ thể cho phép doanh nghiệp có thể chủ động thỏa thuận với luật sư nội bộ để điều chỉnh số giờ làm việc, giới hạn chi phí, số vụ việc xử lý một cách hợp lý thay vì phải vận hành một đội ngũ pháp chế thường xuyên với chi phí vận hành định kỳ bất kể tình hình kinh doanh và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Từ đó có thể thấy, việc sử dụng dịch vụ từ những luật sư nội bộ giúp giảm thiểu một cách đáng kể chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng giảm thiểu rủi ro bị xử phạt hành chính hoặc tranh chấp liên quan đến bồi thường, phạt với đối tác, khách hàng, người lao động hoặc các bên thứ ba khác.

Tư vấn chuyên sâu và thực tế:

Là những luật sư có hiểu biết rộng và nhiều kinh nghiệm trong những lĩnh vực pháp lý mà mình cung cấp dịch vụ cũng như tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường, những luật sư nội bộ sẽ mang lại những tư vấn pháp lý chuyên sâu, thực tế, khách quan và phù hợp nhất.

Phục vụ theo nhu cầu và thời gian của các doanh nghiệp:

Với tính chất của một bên cung cấp dịch vụ pháp lý độc lập, luật sư nội bộ sẽ cung cấp các dịch vụ pháp lý một cách linh hoạt tùy theo yêu cầu của khách hàng với chi phí được thiết kế phù hợp với yêu cầu công việc. Điều này tạo ra sự thuận tiện cũng như chủ động từ cả hai phía trong công việc của mình và giúp doanh nghiệp định hình được cơ cấu hoạt động và chi phí trong ngắn và trung hạn.

Phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ:

Đa số doanh nghiệp Việt Nam thường có quy mô vừa và nhỏ. Vì vậy, việc tiết kiệm chi phí duy trì đội ngũ pháp chế doanh nghiệp và sử dụng dịch vụ luật sự nội bộ vừa mang lại một giải pháp hữu hiệu về nguồn lực vừa mang lại hiệu quả tối ưu trong quản lý và vận hành cho doanh nghiệp.

luat-su-noi-bo

Trên đây là nội dung khái quát liên quan vai trò và lợi ích của luật sư nội bộ trong doanh nghiệp mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.