Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

#Binhdanggioi #2022 Bình đẳng giới – Giới tính không phải giới hạn

#Binhdanggioi #2022 Bình đẳng giới – Giới tính không phải giới hạn

Bình đẳng giới – Giới tính không phải giới hạn

Lê Kiều Trinh

 

Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thậm chí có nhiều quan điểm cho rằng phụ nữ Việt Nam đã rất hạnh phúc so với trước kia vì đã bình đẳng như nam giới, có thể tự do làm điều mình muốn, được Luật Bình đẳng giới bảo vệ, có cả những cơ quan chuyên trách về các vấn đề của phụ nữ. Không thể phủ nhận những nỗ lực trong việc thay đổi định kiến và nâng cao địa vị của phụ nữ ở Việt Nam nhưng chưa thể nói chúng ta đã đạt được bình đẳng giới, hay là nói theo kiểu dân dã hơn là “Như thế này là tốt quá rồi!”. Bạn vừa ăn no không có nghĩa là nạn đói đã được xóa sổ, những khuôn mẫu, định kiến ngầm vẫn luôn tồn tại trong xã hội Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung.

“Thế giới đang ngày càng tiến bộ, nhưng bình đẳng giới trong các ngành nghề nói chung và nghề luật nói riêng vẫn vấp phải nhiều định kiến. Luật sư là nghề thay đổi pháp luật nhưng quá trình để nữ luật sư được đối xử công bằng lại vẫn còn trắc trở.” Đây là lời chia sẻ của bà Sharon Rowen, một luật sư biện hộ tại bang Atlanta, đồng thời là tác giả của bộ phim “Balancing the Scales” (Cán cân bình đẳng giới) được công chiếu khắp nước Mỹ, đúc kết 35 năm kinh nghiệm làm nghề, 20 năm phỏng vấn các nữ luật sư và thẩm phán thuộc 5 thế hệ.

Balancing the Scales là bộ phim tài liệu ghi lại những chia sẻ của người trong cuộc dưới hình thức phỏng vấn do Sharon Rowen thực hiện. Những người được phỏng vấn bao gồm nhiều luật sư, thẩm phán,… với những câu chuyện đáng nhớ về những thách thức, những phân biệt đối xử mà họ phải chịu. Trong Balancing the Scales tồn tại hai chiếc cán cân mà phụ nữ luôn phải đấu tranh để cân bằng. Một là cán cân bình đẳng với nam giới, từ thời mà những công ty luật lớn không tuyển nữ luật sư, hay từ lúc người ta nghĩ nữ giới đi học trường luật chỉ để… kiếm chồng. Một cán cân khác là sự lựa chọn giữa công việc và gia đình. Những nữ luật sư trẻ trong phim, vừa phải làm việc 80-100 tiếng mỗi tuần để được ghi nhận, vừa phải là vợ hiền mẹ đảm để duy trì hạnh phúc gia đình. Theo chia sẻ của Sharon Rowen thì toàn bộ những nữ luật sư trong phim cuối cùng đều nghỉ hết việc ở các công ty lớn khi có con, bởi vì quá khó khăn để họ có thể cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Bộ phim cũng phản ảnh sự phân biệt đối xử với phụ nữ từ chỗ rõ ràng đã dần “tiến hóa” lên tinh vi và ẩn ý hơn, như khi người ta nói với một nữ luật sư đồng tính rằng “việc cô đồng tính có lẽ sẽ tốt hơn vì người ta sẽ nhìn nhận cô như một người đàn ông”. Không riêng gì Mỹ, Việt Nam cũng là một trong nhiều quốc gia khác trên thế giới có định kiến lâu đời cho rằng phụ nữ phải khiêm tốn, cúi đầu và làm việc chăm chỉ. “Phụ nữ học cao khó lấy chồng”, quan điểm này chắc hẳn chẳng còn xa lạ gì đối với tất cả phụ nữ Việt Nam và đây cũng là lời giải thích cho câu hỏi tại sao tỷ lệ sinh viên nữ học luật chiếm phần lớn nhưng số lượng nữ giới làm lãnh đạo lại chỉ chiếm một con số nhỏ. Khó khăn trong việc cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp là một rào cản to lớn đối với phụ nữ trong nhiều ngành nghề nói chung và ngành luật nói riêng. Thông thường một người phụ nữ khi có gia đình, họ sẽ phải lùi bước khỏi sự nghiệp để nuôi dạy con cái, thâm chí là phải chăm lo cho cả những người khác trong gia đình đối với những người sống trong gia đình đa thế hệ. Hiểu một cách đơn giản, phụ nữ được phép đi làm nhưng trước hết phải hoàn thành tốt nghĩa vụ “làm vợ, làm mẹ” nếu không họ sẽ phải chịu sự chỉ trích từ xã hội thậm chí từ chính những người trong gia đình. Xét tương quan thời gian làm việc trong một ngày giữa phụ nữ và đàn ông cho thấy, thời gian làm việc  của phụ nữ nhiều hơn, bởi họ phải làm các công việc gia đình nhiều hơn (thời gian trung bình của phụ nữ là 13 giờ/ngày trong khi của đàn ông chỉ khoảng 9 giờ). Hậu quả là phụ nữ sẽ phải gánh vác gấp đôi trách nhiệm khi vừa phải làm tốt bổn phận trong gia đình vừa phải làm tốt công việc bên ngoài xã hội. Đó cũng là lý do cùng được đào tạo như nhau mà nam giới phát triển tốt hơn, có vị trí cao hơn, được học hành đào tạo chuyên môn cao hơn. Điều đáng nói, định kiến này đôi khi còn ăn sâu vào tiềm thức của chính những người phụ nữ. Họ mặc định vị trí của họ ở sau nam giới, sau chồng mình. Chính ngay từ ban đầu đã xác định không thể tiến đến những nấc thang cao nên họ chấp nhận lui về phía sau và đánh mất cơ hội. Tất cả những điều trên đã khiến phụ nữ không thể khai thác hết năng lực nghề nghiệp của mình.

Giới tính không phải giới hạn

Có rất nhiều ý kiến cho rằng bình đẳng giới chính là đang hô hào phụ nữ chống lại đàn ông, thậm chí hạ thấp vai trò của đàn ông, muốn làm tất cả những gì mà đàn ông có thể làm và giành lấy quyền kiểm soát. Tuy nhiên một người hoạt động vì bình đẳng giới chân chính luôn hiểu rằng đấu tranh cho bình đẳng giới là đấu tranh cho mọi giới tính, cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho riêng phụ nữ hay bất cứ một cá nhân nào. Chính xác hơn đây là công cuộc đấu tranh để chống lại những khuôn mẫu, những định kiến về giới còn tồn tại trong xã hội, nhằm giải phóng con người, cho họ những quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng. Mục tiêu của bình đẳng giới là: giới tính không phải giới hạn. Định kiến về giới đã từng khiến chúng ta thiết lập rất nhiều giới hạn cho phụ nữ, giới hạn ở đây có thể bao gồm nhiều khía cạnh, chẳng hạn về thể chất như trong Olympic, phụ nữ không được phép thi đấu ở mọi môn thể thao cho đến tận năm 2012. Về chức vụ và địa vị, trong không ít tổ chức, cơ quan, phụ nữ không được đề bạt làm lãnh đạo (ngay cả khi người phụ nữ này có trình độ và kinh nghiệm phù hợp), bởi mọi người vẫn cho rằng, chỉ có nam giới mới nên làm việc “đại sự”. Tuy nhiên thực tế cho thấy phụ nữ hoàn toàn có đủ khả năng làm lãnh đạo nếu như họ có được cơ hội. Một trong những người đã phá vỡ giới hạn phải kể đến là Kamala Harris, bà là luật sư, cũng là nữ phó tổng thống đầu tiên và là nữ quan chức nắm giữ vị trí cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ hay riêng  tại Việt Nam, chúng ta có bà Nguyễn Thị Kim Ngân là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ Chủ tịch Quốc Hội. Đây là bước tiến mới trong công cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới tuy nhiên đáng tiếc thay con số này vẫn còn chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Phải chăng nếu ngay từ đầu không có định kiến, chúng ta đã có thêm nhiều những nữ chủ tịch, nữ tổng thống khác xuất hiện chứ không cần đợi đến tận ngày nay. Câu chuyện về bình đẳng giới cũng không chỉ dừng ở góc độ là khát vọng của phụ nữ, thực tế cho thấy đàn ông cũng đang phải chịu nhiều bất công, hạn chế xuất phát từ giới tính của mình. Ví dụ như những khuôn mẫu về sự nam tính, đàn ông phải mạnh mẽ, phải biết kiềm chế cảm xúc, phải là trụ cột của gia đình. Đứng trên góc độ nhân quyền đây hoàn toàn là một quan điểm sai lầm, nếu như phụ nữ có quyền tham gia làm kinh tế thì đàn ông cũng có quyền được ở nhà làm nội trợ. Gánh nặng trụ cột kinh tế sẽ không còn dồn lên vai của người đàn ông cũng như trách nhiệm chăm lo cho gia đình sẽ không còn là rào cản đối với phụ nữ trên con đường sự nghiệp.

Pháp luật về bình đẳng giới

Pháp luật Việt Nam quy định rất đầy đủ về bình đẳng giới, có riêng Luật Bình đẳng giới trong đó quy định rất rõ các nguyên tắc cơ bản cũng như khẳng định nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hay như trong Luật Hôn nhân và Gia đình quy dịnh vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt. Trong Bộ luật Lao động cũng quy định rất bình đẳng về quyền lợi được tiếp cận việc làm của cả nam và nữ, không có quy định nào cho nam giới được thăng tiến tốt hơn nữ giới, hoặc không được tuyển dụng nữ giới trong lĩnh vực nào. Tuy nhiên trên thực tế kết quả của công cuộc thực thi những quy định trên vẫn còn khoảng cách rất lớn so với kết quả mà ta kỳ vọng. Pháp luật đã quy định quyền lợi bình đẳng rất rõ ràng, tuy nhiên, có dám thực hiện các quyền đó hay không, có dám bước vào thử thách và vượt qua rào cản hay không thì còn đến từ chính người trong cuộc. Bình đẳng giới không phải chỉ là vấn đề của xã hội hay ở đâu đó, của ai đó, mà là vấn đề của mỗi cá nhân chúng ta. Sẽ rất khó có sự bình đẳng nếu như vẫn còn tồn tại sự phụ thuộc, dựa dẫm, bị can thiệp và kiểm soát. Mỗi người cần ý thức được việc độc lập tự chủ và các vấn đề riêng tư của cá nhân. Song song với việc tự nhận thức về bình đẳng giới và tự đấu tranh để bảo vệ được quyền lợi của bản thân, thì cách nhìn nhận của xã hội cũng là vấn đề rất quan trọng. Xã hội cần có nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới, tránh hiểu sai dẫn đến nhiều tư tưởng lệch lạc đi ngược với mục đích ban đầu của bình đẳng giới, điển hình như phong trào “nữ quyền độc hại” đang nổi trội gần đây. Tóm lại, phụ nữ và đàn ông sinh ra đã có sự khác biệt, nhưng đây không phải lý do để định kiến giới tiếp tục hạn chế sự phát triển của xã hội. Khi một đứa trẻ sinh ra, em bé đó hoàn toàn không có khái niệm phân biệt giữa nam và nữ. Định kiến về giới được người lớn cùng kỳ vọng của xã hội đặt ra đối với trẻ trên chặng đường đời tiếp theo. Chính vì vậy, chìa khóa để mở ra cánh cửa hi vọng cho tương lai là thúc đẩy những người trẻ thành nhân tố thay đổi định kiến giới, để bình đẳng giới trở thành cơ hội cho tất cả mọi người cùng nhau phát triển.