Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Phân biệt sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm

so-tham-phuc-tham-giam-doc-tham-tai-tham

Phân biệt sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm

Sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm là những khái niệm quen thuộc trong hoạt động tố tụng của Việt Nam. Theo quy định của pháp luật về tố tụng, Việt Nam áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử (cấp xét xử sơ thẩm và cấp xét xử phúc thẩm). Giám đốc thẩmtái thẩm không phải cấp xét xử mà là thủ tục xem xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong trường hợp “đặc biệt”. Bài viết Phân biệt sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ đưa ra những đánh giá khái quát về sự khác biệt của các thủ tục tố tụng trên, đồng thời giúp người đọc nắm rõ một số quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục này.

Căn cứ để thực hiện thủ tục

Sơ thẩm là thủ tục xét xử đầu tiên trong quá trình tố tụng. Tại giai đoạn này, Toà án có thẩm quyền sẽ xem xét và giải quyết vụ việc căn cứ vào yêu cầu của người khởi kiện (nếu là vụ việc dân sự, hành chính), quyết định truy tố của viện kiểm sát (nếu là vụ án hình sự) và đưa ra quyết định hoặc bản án giải quyết vụ việc/vụ án. Tùy vào loại vụ án cụ thể, việc giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm sẽ tuân theo thủ tục và trình tự được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Tố tụng Hành chính hiện hành.

Phúc thẩm là thủ tục xét xử thứ hai trong quá trình tố tụng. Sau khi bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được ban hành, đương sự có quyền kháng cáo và Viện kiểm sát có quyền kháng nghị nếu không đồng ý với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Dựa theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ tiến hành xét xử lại vụ án.

Tái thẩm và giám đốc thẩm là các thủ tục xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị. Căn cứ để tiến hành hai thủ tục này có sự khác biệt nhất định.

Thủ tục tái thẩm sẽ được tiến hành khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị do phát hiện có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định.

Thủ tục giám đốc thẩm được tiến hành nếu có một trong các căn cứ (i) Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; (ii) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; (iii) Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Do hai thủ tục này có thể làm thay đổi nội dung của bản án, quyết định đã có hiệu lực nên chỉ những chủ thể có thẩm quyền của Toà án, Viện kiểm sát mới có quyền kháng nghị bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm. Đương sự, người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị để những người này xem xét về việc kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm.

Thẩm quyền xét xử

Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm có thể là Toà án Nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án Nhân dân cấp tỉnh tuỳ vào loại vụ việc. Đối với thẩm quyền xét xử ở cấp phúc thẩm, về nguyên tắc, Toà án cấp trên trực tiếp của Toà án đã ra bản án, quyết định sơ thẩm sẽ có thẩm quyền xét xử phúc thẩm. Thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm thuộc về Tòa án Nhân dân cấp cao đối với các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ và Tòa án nhân dân tối cao đối với các bản án, quyết định của Toà án nhân dân cấp cao.

tham-giam-doc-tham-tai-tham

Nguồn ảnh: luatduonggia.vn

Phạm vi xét xử

Đối với thủ tục sơ thẩm, đơn cử như trong lĩnh vực dân sự, Toà án cấp sơ thẩm chỉ giải quyết vụ án dân sự trong phạm vi đơn khởi kiện.

Đối với thủ tục phúc thẩm, về nguyên tắc, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Phần còn lại của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị sẽ có hiệu lực thi hành

Đối với thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm, phạm vi xem xét lại là phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị. Ngoài ra, hội đồng giám đốc thẩm hoặc tái thẩm có quyền xem xét phần nội dung không bị kháng nghị hoặc không liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị trong trường hợp nội dung đó xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự của vụ án

Kết quả xét xử

Đối với thủ tục sơ thẩm, Toà án cấp sơ thẩm có thể đưa ra các quyết định như quyết định tạm đình chỉ/đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong giai đoạn hoà giải và chuẩn bị xét xử. Kết thúc giai đoạn xét xử, Toà án cấp sơ thẩm có thể ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự hoặc bản án sơ thẩm. Các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm sẽ có hiệu lực sau 07 ngày kể từ ngày đương sự nhận được quyết định mà không bị kháng cáo, kháng nghị. Bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án nếu không có kháng cáo, kháng nghị. Riêng đối với quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, quyết định này sẽ có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhưng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Đối với thủ tục phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm có thể ra các quyết định như quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án tại giai đoạn chuẩn bị xét xử. Tại giai đoạn xét xử, Toà án phúc thẩm có thể có các quyết định sau:

  • Giữ nguyên bản án sơ thẩm trong trường hợp kháng cáo, kháng nghị không có căn cứ;
  • Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm nếu Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật;
  • Huỷ bản án sơ thẩm, huỷ một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm;
  • Huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Các quyết định và bản án của Toà án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định hoặc ngày tuyên án.

Đối với thủ tục giám đốc thẩm, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thể ra một trong những quyết định sau đây:

  • Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong trường hợp bản án, quyết định là đúng và việc kháng nghị không có căn cứ;
  • Giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa không đúng;
  • Huỷ một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm;
  • Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án nếu thuộc các trường hợp luật định;
  • Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu có đủ các điều kiện sau đây: (a) Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án; (b) Việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Các quyết định này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định.

Đối với thủ tục tái thẩm, Hội đồng xét xử tái thẩm có thể ra một trong những quyết định sau đây:

  • Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (trong trường hợp này, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà Án bị kháng nghị có hiệu lực thi hành);
  • Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm nếu việc kháng nghị là có căn cứ;
  • Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án;
tham-giam-doc-tham-tai-tham

Nguồn ảnh: tapchitoaan.vn

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến phân biệt sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.