Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHÍNH DẪN ĐẾN TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI

tranh-chap-thuong-mai

Những Nguyên Nhân Chính Dẫn Đến Tranh Chấp Thương Mại

Tranh chấp thương mại được hiểu là những tranh chấp phát sinh do việc một hoặc nhiều bên trong quan hệ hợp đồng thương mại không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các thỏa thuận và cam kết được ghi nhận tại hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng. Việc hiểu rõ về các nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp thương mại sẽ giúp các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng thương mại có thể lường trước biện pháp xử lý nhằm tránh được nguy cơ xảy ra tranh chấp. Bài viết này sẽ nêu ra một số nguyên nhân phổ biến làm phát sinh tranh chấp thương mại làm nội dung tham khảo cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến tranh chấp thương mại

Quy định pháp luật chưa hoàn chỉnh

Việc quy định pháp luật chưa hoàn chỉnh là một trong những nguyên nhân quan trọng đằng sau nhiều tranh chấp thương mại. Khi các quy định pháp luật còn tồn tại nhiều khoảng trống, bất cập, hoặc các quy định chồng chéo, xung đột lẫn nhau, hoặc việc áp dụng pháp luật trong một tình huống cụ thể vẫn còn gây mâu thuẫn do khác biệt trong cách hiểu, điều này sẽ tạo ra môi trường nơi tranh chấp có thể dễ dàng xảy ra.

Ví dụ, tại Việt Nam, mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại vẫn có sự quy định không thống nhất giữa Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, Điều 418.3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm. Trong khi đó, Điều 307.2 Luật Thương mại năm 2005 lại quy định rằng, chỉ cần có hành vi vi phạm xảy ra, bên bị vi phạm có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm đồng thời với bồi thường thiệt hại, dù cho hợp đồng không có thoả thuận về việc phạt vi phạm áp dụng cùng lúc với bồi thường thiệt hại, hoặc hợp đồng không có điều khoản bồi thường thiệt hại. Sự chưa thống nhất trong các quy định trên đã gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật trên thực tế và dẫn tới khả năng xảy ra tranh chấp giữa các bên.

Sự khác nhau về tập quán kinh doanh

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tranh chấp thương mại là sự khác nhau trong tập quán kinh doanh giữa các quốc gia. Việc thực hiện kinh doanh theo cách mà một bên xem là “bình thường” có thể không phù hợp với tập quán của bên còn lại. Sự hiểu biết và tuân thủ về các tập quán kinh doanh đôi khi trở nên mơ hồ, và điều này có thể dẫn đến sự mâu thuẫn trong quan hệ hợp đồng thương mại.

Các yếu tố như cách thức đàm phán, thời gian giao hàng, địa điểm giao hàng, chất lượng sản phẩm, hoặc thậm chí cách thức thanh toán có thể khác biệt đáng kể tại mỗi quốc gia. Khi các bên trong quan hệ thương mại không hiểu hoặc không thừa nhận những sự khác nhau này, tranh chấp thương mại có thể nảy sinh.

Ví dụ đối với hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, thời điểm chuyển giao rủi ro giữa bên mua và bên bán có thể được xác định tại cảng gửi hàng, cảng dỡ hàng, tại mạn tàu, tuỳ theo thoả thuận về điều kiện giao hàng của các bên. Nếu các bên không có thoả thuận về nội dung này, mỗi bên tự áp dụng cách hiểu của mình theo tập quán riêng sẽ dẫn tới sự khác biệt khi xác định thời điểm chuyển giao rủi ro, từ đó làm phát sinh tranh chấp.

Sự kiện bất khả kháng

Sự kiện bất khả kháng cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến làm phát sinh tranh chấp thương mại. Khi một sự kiện bất khả kháng xảy ra, các bên có thể phải đối mặt một số khó khăn dẫn tới không thể thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Khi một sự kiện phát sinh dẫn đến việc một bên không thể thực hiện được nghĩa vụ theo hợp đồng, các bên sẽ có những bất đồng, mâu thuẫn về việc liệu sự kiện đó có được xem là sự kiện bất khả kháng, liệu bên bên vi phạm nghĩa vụ có được miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm. Điển hình như quan điểm của các bên và của tòa án về việc covid 19 có được xem là sự kiện bất khả kháng hay không cũng khác nhau tùy từng vụ tranh chấp và tùy từng thời điểm.

Theo Điều 156.1 Bộ luật Dân sự, sự kiện bất khả kháng là sự kiện đáp ứng các điều kiện sau: (i) xảy ra một cách khách quan, (ii) không thể lường trước được, và (iii) không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Những sự kiện này có thể kể tới như thảm họa tự nhiên, chiến tranh, đợt suy thoái kinh tế, hoặc dịch bệnh toàn cầu.

Nguyen-nhan-khach-quan

Nguồn ảnh: lsvn.vn

Nguyên nhân chủ quan dẫn đến tranh chấp thương mại

Xung đột về lợi ích

Khi tham gia hoạt động kinh doanh thương mại, lợi ích là một trong các mục đích chính mà các bên hướng tới. Vì vậy, xung đột về lợi ích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tranh chấp thương mại. Mỗi bên trong quan hệ hợp đồng thương mại sẽ có mục tiêu lợi nhuận riêng, và khi có sự xung đột về cách chia sẻ lợi ích này, tranh chấp có thể dễ dàng nảy sinh.

Hành vi vi phạm nghĩa vụ của mỗi bên

Điều 351.1 Bộ luật Dân sựquy định vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung nghĩa vụ. Hành vi vi phạm nghĩa vụ của một bên trong quan hệ hợp đồng thương mại sẽ làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại và gây ra những thiệt hại không đáng có. Nếu các bên không thể đạt được thoả thuận về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại, thực hiện các chế tài do vi phạm nghĩa vụ thì tranh chấp xảy ra là điều không thể tránh khỏi.

Sự thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật

Tranh chấp thương mại có thể xảy ra khi một hoặc cả hai bên trong giao dịch không hiểu, không nắm rõ và thực hiện các hành vi không phù hợp với quy định của pháp luật làm ảnh hưởng tới quyền lợi của bên còn lại. Trong hầu hết các trường hợp, hợp đồng thương mại không quy định đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo pháp luật, mà chỉ dẫn chiếu tới pháp luật để áp dụng. Do đó, bên cạnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình tại hợp đồng, các bên còn phải nắm rõ các nghĩa vụ khác được pháp luật quy định để có những hành vi phù hợp trong quan hệ thương mại, hạn chế tối đa khả năng xảy ra tranh chấp. Đặc biệt trong bối cảnh thương mại quốc tế đang phát triển, quan hệ thương mại giữa các bên sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế và tập quán thương mại quốc tế.

nguyen-nhan-chu-quan

Nguồn ảnh: icontract.com.vn

Trên đây là nội dung khái quát liên quan những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp thương mại mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý này, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.