Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

5 điều cần lưu ý trước khi xảy ra tranh chấp về thuế

5 điều cần lưu ý trước khi xảy ra tranh chấp về thuế

5 điều cần lưu ý trước khi xảy ra tranh chấp về thuế

Trong nền kinh tế hội nhập, với số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ như tại Việt Nam và trong bối cảnh pháp luật thuế đang thay đổi nhanh chóng để theo kịp những thay đổi của xã hội và công nghệ, Tranh chấp về thuế ngày càng phổ biến với nhiều hình thức khác nhau. Mặc dù thành quả của công cuộc cải cách hành chính là đáng ghi nhận, với những cải cách lớn về thuế, chính sách thuế nhưng những thay đổi đó chưa được thống nhất, pháp luật chưa hoàn chỉnh cùng với nhận thức của các doanh nghiệp lẫn cơ quan thuế còn hạn chế đã dẫn đến nhiều tranh chấp trong lĩnh vực đặc thù này.

Tranh chấp về thuế là sự mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật thuế với đối tượng là những lợi ích liên quan đến số tiền thuế hoặc tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế, được thể hiện dưới tình trạng pháp lý đặc biệt của quan hệ pháp luật giữa người nộp thuế với người thu thuế, trong đó các bên bày tỏ ra bên ngoài thế giới khách quan những bất đồng, xung đột, mâu thuẫn về ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng hành vi pháp lý là khởi kiện và khiếu nại. Hiện nay, Tranh chấp về thuế được chia thành hai loại chính là tranh chấp về thủ tục và tranh chấp về số thu. Nội dung được đề cập dưới đây là những điểm đáng lưu ý để đảm bảo thủ tục khi một Tranh chấp về thuế xảy ra.

1. Tranh chấp về thủ tục thuế

Thủ tục về thuế hiện nay bao gồm các loại: thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế, cấp mã số thuế; thủ tục mua, in hoá đơn chứng từ; thủ tục về quyết toán thuế; thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế; thủ tục xóa nợ tiền thuế, tiền phạt; thủ tục kiểm tra thuế, thanh tra thuế; thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; thủ tục xử lý vi phạm pháp luật về thuế; thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế và các thủ tục khác.

Tranh chấp về thuế phát sinh khi các cán bộ, công chức thuộc cơ quan thuế không tạo điều kiện, gây khó khăn cho người nộp thuế làm cho việc thực hiện các thủ tục về thuế kéo dài, mất thời gian. Hiện nay, Tranh chấp về thuế thường xảy ra khi người nộp thuế thực hiện các thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế.

Vì vậy, cần lưu trữ bằng chứng trong quá trình thực hiện các thủ tục về thuế để chứng minh có sự phát sinh tranh chấp về thuế nhằm đảm bảo quyền lợi của mình.

2. Tranh chấp về số thu thuế

Tranh chấp về số thu thuế phát sinh khi có sự mâu thuẫn, bất đồng xảy ra giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, cán bộ thuế có thẩm quyền về số tiền thuế phải nộp. Tranh chấp này có thể là tranh chấp về ấn định thuế hay tranh chấp về xác định số thuế. Nếu như tranh chấp về ấn định thuế thể hiện ở vấn đề người nộp thuế cho rằng cơ quan có thẩm quyền ấn định thuế đã ấn định số thuế (đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu) mà họ phải nộp không đúng so với thực tế thì tranh chấp về xác định số thuế lại phát sinh khi người nộp thuế cho rằng cơ quan thuế, cán bộ thuế xác định sai số thuế mà họ phải nộp trên cơ sở hoá đơn chứng từ, sổ sách kế toán. Ngoài ra, tranh chấp về số thu thuế còn được chia thành tranh chấp giữa cá nhân với cơ quan quản lý thuế và tranh chấp giữa tổ chức với cơ quan quản lý thuế.

Do đó, người nộp thuế cần có hồ sơ hợp pháp bao gồm các hóa đơn, chứng từ về mua bán hàng hóa, dịch vụ, xuất nhập khẩu để chứng minh việc ấn định hay xác định thuế của cơ quan thuế là không phù hợp với các quy định của pháp luật về thuế (về mức thuế suất, số lượng hàng hóa tính thuế, đối tượng chịu thuế,…).

3. Các phương thức giải quyết Tranh chấp về thuế

Theo thông lệ quốc tế về thực tiễn giải quyết tranh chấp về thuế của các nước trên thế giới (thuộc cả hệ thống Thông Luật lẫn Dân Luật) hiện nay cho thấy tranh chấp về thuế đều được giải quyết bằng thủ tục tự thương lượng hoặc hoà giải giữa các bên, nếu không sẽ tiến hành giải quyết tại toà án. Tại Việt Nam, giải quyết tranh chấp về thuế được thực hiện thông qua 2 hình thức là giải quyết khiếu nại về thuế và giải quyết vụ án hành chính về thuế.

4. Vấn đề thời hiệu

Liên quan đến Tranh chấp về thuế, thời hiệu khiếu nại và thời hiệu khởi kiện cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Người nộp thuế nên lưu ý về thời hiệu khiếu nại trong tranh chấp về thuế sẽ tuân theo Luật Khiếu nại năm 2011: Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính; Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Đối với thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp về thuế sẽ tuân theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015: 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

5. Thẩm quyền giải quyết Tranh chấp về thuế

Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết Tranh chấp về thuế bao gồm:

  • Cơ quan thuế đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính bị khiếu nại;
  • Cơ quan thuế là cấp trên trực tiếp của cơ quan thuế đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính bị khiếu nại; và
  • Tòa án, cụ thể là Tòa hành chính.

Nếu bạn đang khó khăn trong việc tìm kiếm luật sư về giải quyết tranh chấp về thuế, vui lòng liên hệ với chúng tôi: P & Các Cộng Sự là một công ty tư vấn chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. P & Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty tư vấn chuyên về pháp luật kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làmThuếMua bán và Sáp nhậpTranh tụng. Chúng tôi tự tin mang đến dịch vụ tốt nhất đến khách hàng đối với các lĩnh vực nêu trên.

Xem dưới định dạng PDF