Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

CÁC BƯỚC HOÀN THIỆN THỦ TỤC ĐẦU TƯ SANG NƯỚC NGOÀI NĂM 2024

dau-tu-sang-nuoc-ngoai

CÁC BƯỚC HOÀN THIỆN THỦ TỤC ĐẦU TƯ SANG NƯỚC NGOÀI NĂM 2024

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc đầu tư ra nước ngoài đã trở thành một xu hướng tất yếu mà các nhà đầu tư Việt Nam không thể bỏ qua. Là một quốc gia đang phát triển, kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để sản xuất kinh doanh. Điều này giúp họ tránh được hàng rào bảo hộ thương mại và tận dụng ưu đãi của các quốc gia tiếp nhận đầu tư để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Đây không chỉ là cơ hội để mở rộng kinh doanh mà còn là cách khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện những dự án đầu tư ra nước ngoài, việc hiểu rõ và tuân thủ các thủ tục pháp lý là điều vô cùng quan trọng. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thông tin chính xác sẽ giúp các nhà đầu tư Việt Nam có cái nhìn tổng quan và tự tin khi bước vào sân chơi toàn cầu, từ đó tối ưu hóa cơ hội và đạt được những thành công đáng kể. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện về Các bước hoàn thiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài năm 2024.

I) Tổng quan về đầu tư ra nước ngoài

  1. Khái niệm về đầu tư ra nước ngoài

Theo quy định của pháp luật, hoạt động đầu tư ra nước ngoài được hiểu là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài[1]. Nhà đầu tư muốn thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài.

Pháp luật Việt Nam quy định về vốn đầu tư phải là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh[2]. Theo đó, vốn để đầu tư ra nước ngoài phải là tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ra nước ngoài được giữ lại để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài[3]. Tiền và tài sản hợp pháp khác[4] của nhà đầu tư có thể là ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tính dụng được phép theo quy định pháp luật; Đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam; Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm; Giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, thương hiệu, quyền đối với tài sản; Cổ phần, phần vốn góp, dự án của nhà đầu tư được hóa đổi tại tổ chức kinh tế ở Việt Nam và tổ chức kinh tế ở nước ngoài; Các tài sản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật dân sự.

  1. Các hình thức đầu tư ra nước ngoài

Các hình thức đầu tư ra nước ngoài hiện nay đã được pháp luật quy định, cụ thể, các nhà đầu tư ra nước ngoài có thể thực hiện các hình thức sau[5]:

  • Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư. Đây là hình thức đầu tư trực tiếp, theo đó khi một tổ chức, cá nhân sẽ tiến hành thành lập công ty, hoặc liên doanh trực tiếp trong quốc gia tiếp nhận đầu tư. Tùy theo pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư Việt Nam phải đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện hình thức này.
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài. Hợp đồng này có thể là hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
  • Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó. Đây là hình thức đầu tư gián tiếp thông qua việc nhà đầu tư Việt Nam góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, hoặc các giấy tờ có giá trị khác của tổ chức kinh tế ở nước ngoài.
  • Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá trị hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các tổ chức tài chính trung gian khác ở nước ngoài.
  • Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

Thị trường quốc tế luôn là một mảnh đất đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới. Tuy nhiên, dù tiềm năng như vậy, các rủi ro tiềm ẩn cũng không thể bỏ qua. Để thành công trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần có chiến lược kỹ lưỡng, sự hiểu biết sâu sắc về thị trường và khả năng ứng phó với những thách thức và rủi ro có thể phát sinh. Chỉ khi đó, tiềm năng của thị trường quốc tế mới thực sự được khai thác và biến thành cơ hội phát triển bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam.

II) Thủ tục đầu tư ra nước ngoài

Thủ tục đầu tư ra nước ngoài là một trong những quy trình quan trọng đối với các doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và tìm kiếm cơ hội tại các thị trường quốc tế. Để đảm bảo sự thành công của việc đầu tư, nhà đầu tư Việt Nam cần nắm rõ các quy định pháp luật, các bước cần thiết và các yêu cầu cụ thể mà mỗi quốc gia đặt ra. Ngoài ra, nhà đầu tư Việt Nam cũng cần phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam về thủ tục đầu tư ra nước ngoài, cụ thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầu tư ra nước ngoài. Để chuẩn bị cho thủ tục đầu tư ra nước ngoài, các nhà đầu tư Việt Nam cần tiến hành chuẩn bị các thông tin bao gồm:

(+) Tên dự án hoặc tên công ty tại nước ngoài;

(+) Địa điểm thực hiện dự án ở nước ngoài;

(+) Mục tiêu đầu tư ở nước ngoài;

(+) Các thông tin về đối tác tại nước ngoài;

(+) Thông tin về hình thức đầu tư, vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư, hình thức vốn đầu tư, tiến độ thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Bước 2: Xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Hồ sơ để xin cấp giấy đầu tư ra nước ngoài đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài sẽ được gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư[6], bao gồm:

(+) Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

(+) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư. Trường hợp cá nhân là nhà đầu tư thì cần bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu. Trường hợp tổ chức là nhà đầu tư thì cần bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu có;

(+) Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật[7]. Trường hợp nhà đầu tư nộp văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ thì nộp kèm theo văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận số dư tài khoản ngoại tệ của nhà đầu tư;

(+) Văn bản xác nhận nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư từ cơ quan thuế[8].

(+) Quyết định đầu tư ra nước ngoài[9];

(+) Để thực hiện đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực như ngân hàng, khoa học và công nghệ, chứng khoán, bảo hiểm[10],… nhà đầu tư cần phải nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều này đảm bảo rằng dự án đáp ứng được các điều kiện đầu tư theo quy định trong các Luật về các tổ chức tín dụng, chứng khoán, khoa học và công nghệ, và kinh doanh bảo hiểm;

(+) Tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Điều 73 Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

(+) Tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 74 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

(+) Các giấy tờ có liên quan hoặc được yêu cầu cung cấp thêm bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bước 3: Đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Sau khi hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép thì nhà đầu tư cần thực hiện việc đăng ký giao dịch ngoại hối tại Ngân hàng Nhà nước. Việc đăng ký này bao gồm thông tin về nhà đầu tư, tài khoản vốn đầu tư tại tổ chức tín dụng được ủy quyền, số vốn đầu tư để thực hiện hoạt động đầu tư tại nước ngoài và tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng tiền tệ.

Hồ sơ đăng ký ngoại hối giao dịch đầu tư nước ngoài bao gồm:

(+) Đơn đăng ký giao dịch ngoại hối;

(+) Bản sao tiếng nước ngoài của văn bản chấp thuận hoặc Giấy phép kinh doanh hoặc tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư, cùng với bản dịch tiếng Việt;

(+) Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài;

(+) Bản chính văn bản xác nhận được phép về việc mở tài khoản vốn đầu tư của nhà đầu tư từ tổ chức tín dụng, bao gồm thông tin về số tài khoản và loại ngoại tệ;

(+) Bản chính văn bản xác nhận được phép về số tiền nhà đầu tư đã chuyển ra nước ngoài của tổ chức tín dụng trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

(+) Nếu trường hợp chuyển vốn đầu tư nước ngoài bằng đồng Việt Nam thì cần văn bản giải trình nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam.

Bước 4: Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Sau khi hoàn thành đăng ký giao dịch ngoại hối thì nhà đầu tư sẽ tiến hành chuyển tiền vốn đầu tư nước ngoài theo tiến độ dự án đã được đăng ký trước đó. Nếu có bất kỳ thay đổi nào về tiến độ chuyển vốn đầu tư, nhà đầu tư phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền để được xem xét và cập nhật thông tin.

Bước 5: Thực hiện chế độ báo cáo đầu tư ra nước ngoài

Khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư sẽ đăng ký tài khoản truy cập vào Cổng thông tin quốc gia về đầu tư, nhằm tuân thủ quy định về báo cáo định kỳ.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Các bước hoàn thiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài năm 2024 mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Khoản 13 Điều 3 Luật Đầu tư 2020

[2] Khoản 23 Điều 3 Luật Đầu tư 2020

[3] Điều 69 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[4] Khoản 2 Điều 69 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[5] Điều 52 Luật Đầu tư 2020

[6] Điều 78 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[7] Khoản 3 Điều 60 Luật Đầu tư 2020

[8] Khoản 5 Điều 60 Luật Đầu tư 2020

[9] Điều 59 Luật Đầu tư 2020

[10] Khoản 1 Điều 54 Luật Đầu tư 2020