Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Khi bị vi phạm bản quyền bạn cần làm gì?

cach-xu-ly-khi-bi-vi-pham-ban-quyen

Khi bị vi phạm bản quyền bạn cần làm gì?

Vi phạm bản quyền là một hành vi thường thấy và đang trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay. Người vi phạm có thể do vô ý và họ không nghĩ rằng việc mình thực hiện đang là vi phạm bản quyền của người khác.

Chẳng hạn, cover một ca khúc đang hot rồi đăng tải lên youtube mà không có sự đồng ý của nhạc sỹ hoặc ca sỹ bài hát đó. Tuy nhiên, có rất nhiều vi phạm bản quyền xuất phát từ sự cố ý của người thực hiện vì những động cơ, mục đích riêng của họ.

Bởi việc xâm phạm tài sản sở hữu trí tuệ có thể mang lại nguồn lợi rất lớn và dễ dàng, rút ngắn rất nhiều thời gian và chi phí mà bình thường phải bỏ ra nên không ít người đã bất chấp pháp luật và đạo đức để thực hiện vi phạm.

Hành vi vi phạm bản quyền rất đa dạng về quy mô và tính chất. Từ những vụ việc nhỏ như cá nhân, hộ gia đình sản xuất sản phẩm của mình rồi lấy bao bình, nhãn hiệu, tên thương mại của các tổ chức uy tín để gắn lên, cho đến việc vi phạm bản quyền mang tính quy mô cả tập đoàn lớn như tập đoàn Huawei của Trung Quốc lên tục bị truy tố vì hành vi vi phạm bản quyền.

Vì vậy, làm gì để bảo vệ mình khi bị vi phạm bản quyền đang là một vấn đề đang rất được quan tâm bởi xã hội. Bài viết này sẽ liệt kê và phân tích những công việc bạn cần làm trong trường hợp bị vi phạm bản quyền.

Xác định hành vi vi phạm

Điều đầu tiên trước khi tiến hành giải quyết một vụ vi phạm bản quyền là phải xác định hành vi đó có phải là hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ hay không. Bạn chỉ có thể sử dụng các bước tiếp theo để bảo vệ quyền lợi của mình khi hành vi của bên kia thực sự đã xâm phạm bản quyền của bạn.

Một số trường hợp, nhìn bề ngoài có thể là vi phạm bản quyền, tuy nhiên pháp luật lại quy định không phải. Chẳng hạn, bạn phát minh ra một sáng chế. Tuy nhiên, sáng chế của bạn chưa được đăng ký với cơ quan Nhà nước theo quy định pháp luật.

Trong thời gian này, một người khác tự nghiên cứu và phát minh ra một sáng chế tương tự như của bạn và kinh doanh sáng chế đó. Trường hợp này, bạn không thể coi họ là vi phạm bản quyền, vì theo quy định pháp luật, sáng chế chỉ được bảo hộ trên cơ sở cấp văn bằng.

Bên cạnh đó, việc xác định hành vi vi phạm còn là cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo một cách phù hợp. Hành vi vi phạm bản quyền rất đa dạng về đối tượng bản quyền bị vi phạm, tính chất, quy mô, mức độ tinh vi của hành vi.

Do đó, xác định được đúng những đặc điểm trên sẽ giúp bạn đề ra được phương hướng giải quyết một cách hợp lý nhất. Ví dụ, nếu hành vi vi phạm bản quyền ảnh hưởng lớn đến danh tiếng, doanh thu của bạn thì bạn sẽ triệt để giải quyết.

Ngược lại, nếu hành vi chỉ mang tính nhỏ lẻ, tự phát, không ảnh gây nhiều ảnh hưởng thì bạn nên bỏ qua. Bởi việc xử lý vi phạm bản quyền sẽ tốn không ít thời gian và chi phí.

Ghi nhận lại hành vi vi phạm

Việc thứ hai bạn nên làm là bằng mọi cách ghi nhận lại hành vi vi phạm bản quyền. Đây sẽ là bằng chứng để cơ quan có thẩm quyền giải quyết hành vi vi phạm hoặc liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại (nếu có).

Bạn có thể tự mình thực hiện bằng hình thức chụp ảnh, ghi hình…hoặc nhờ cơ quan có thẩm quyền lập biên bản. Cách thức phổ biến và nhanh nhất là yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng đối với hành vi.

Việc lập vi bằng của thừa phát lại sẽ xác nhận chắc chắn rằng, đã có hành vi bị nghi là xâm phạm bản quyền xảy ra trên thực tế. Để chắc chắn hơn, bạn có thể nhờ đến sự giám định của tổ chức giám định sở hữu trí tuệ hoặc của cơ quan Nhà nước.

Chẳng hạn như, gửi nội dung vi phạm đi giám định tại Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan của Cục Bản quyền tác giả.

Gửi văn bản cảnh báo yêu cầu chấm dứt hành vi.

Đây là bước đầu tiên và dễ thực hiện nhất để chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại. Thông thường, bạn có thể gửi Thư cảnh báo tới Bên vi phạm bản quyền, yêu cầu Bên xâm phạm chấm dứt ngay hành vi xâm phạm.

Kèm theo Thư cảnh báo có thể là các chứng cứ về việc vi phạm như Kết luận giám định của Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan, bản sao văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của bạn. Đồng thời, bạn sẽ cảnh cáo họ về những hệ quả pháp lý nếu không chấm dứt việc vi phạm bản quyền.

Việc gửi Thư cảnh báo là động thái cần thiết để nhắc nhở Bên xâm phạm việc họ đang vi phạm bản quyền của bạn, đồng thời là căn cứ cho việc tiến hành các biện pháp sau này như khởi kiện dân sự hoặc hành chính. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải ấn định một khoảng thời gian hợp lý để bên vi phạm thực hiện chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền.

Nếu có thể, đưa ra yêu cầu thương lượng với bên vi phạm

Nếu bên kia sau khi nhận Thư cảnh báo vẫn không chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền (chẳng hạn họ coi họ có quyền hợp pháp) thì bạn có thể thử thương lượng với họ. Tranh chấp vi phạm bản quyền cũng như bất kỳ tranh chấp nào khác trước tiên nên thông qua con đường thương lượng hoặc hòa giải, vì sẽ đỡ tốn kém thời gian và chi phí cho cả hai bên. Thay vì “đem nhau ra tòa” thì một bức thư giữa hai bên có thể giải quyết, biết đâu đấy một hợp đồng chuyển nhượng bản quyền lại được ký kết, không bên nào bị thiệt hại nhiều. Bạn sẽ có thêm thu nhập mà người kia cũng vẫn được sử dụng bản quyền đó. Hoặc để giữ uy tín trong kinh doanh thì bạn có thể áp dụng biện pháp dân sự để giữ uy tín cho mình.

Nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm bản quyền đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

Nếu bạn không muốn hoặc không thể thương lượng với bên vi phạm và bên kia cũng không chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền, bạn buộc phải nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiện nay, hành vi vi phạm bản quyền có thể bị xử lý bởi ba hình thức: dân sự, hành chính hoặc hình sự. Tùy vào tính chất của hành vi và mong muốn của mình, bạn có thể lựa chọn 1 trong ba hoặc cả ba hình thức trên.

Về biện pháp dân sự, bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo pháp luật tố tụng dân sự để yêu cầu bên vi phạm bản quyền phải chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại, cải chính, xin lỗi công khai. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp khởi kiện tại Tòa án dân sự sẽ rất tốn kém về mặt thời gian (phải qua hai cấp xét xử, thời gian có thể là nhiều năm để kết thúc một vụ án) và chi phí.

Về biện pháp hành chính, bạn có thể yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm bản quyền. Bên vi phạm ngoài việc bị buộc chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền, còn có thể bị phạt tiền, tịch thu hàng hóa, đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, biện pháp hành chính không thể buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại hay xin lỗi, cải chính công khai.

Về biện pháp hình sự, nếu hành vi vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì bạn có thể nộp đơn tố giác đến cơ quan công an hoặc viện kiểm sát. Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ có thể vào cuộc để đánh giá mức độ hành vi. Nếu đủ căn cứ là hành vi đã cấu thành tội phạm hình sự, bên vi phạm có thể bị khởi tố, truy tố trước tòa và có thể phải chịu hình phạt hình sự.

Có thể bạn quan tâm: 5 lý do nên thuê luật sư tư vấn khi vi phạm bản quyền hay Hồ sơ khởi kiện vi phạm bản quyền

Kết Luận

Tất nhiên, trong quá trình giải quyết, bạn nên tham khảo ý kiến của Luật sư hoặc các tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ và tốt nhất nên ủy quyền cho họ xử lý, bởi vấn đề xử lý vi phạm bản quyền không hề đơn giản. Do đó, để phòng ngừa rủi ro, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc, bạn nên tìm đến những tổ chức luật sư sở hữu trí tuệ uy tín để hỗ trợ bạn trong những trường hợp này.

Nếu có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn về Bản quyền, vui lòng liên hệ chúng tôi: P & Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

P& Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làmThuếMua bán và Sáp nhậpTranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật Tư vấn Bản quyền cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý tốt nhất đến Quý Khách hàng.