Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Hồ sơ khởi kiện vi phạm bản quyền bao gồm những gì?

ho-so-khoi-kien-vi-pham-ban-quyen

Hồ sơ khởi kiện vi phạm bản quyền bao gồm những gì?

Khi một tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm bản quyền, bên bị vi phạm có quyền áp dụng các biện pháp tự bảo vệ như sử dụng biện pháp kỹ thuật, gửi yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền, hay tiến hành đàm phán, thương lượng.

Tuy nhiên, nếu đã thực hiện những biện pháp trên mà hành vi vi phạm bản quyền vẫn không bị chấm dứt, việc khởi kiện bên vi phạm bản quyền ra tòa án có thẩm quyền là điều cần thiết.

Và vấn đề tiên quyết đầu tiên để bên bị vi phạm được Tòa án chấp nhận yêu cầu của mình chính là chuẩn bị đủ một bộ hồ sơ khởi kiện vi phạm bản quyền đúng theo quy định của pháp luật.

Bài viết sau sẽ hướng dẫn bạn chuẩn bị bộ hồ sơ như vậy trong trường hợp khởi kiện tại Tòa.

Có thể bạn quan tâm Khi bị vi phạm bản quyền bạn cần làm gì? trước khi xem cụ thể bài viết về hồ sơ khởi kiện vi phạm bản quyền

Đơn khởi kiện vi phạm bản quyền

Đơn khởi kiện là hình thức biểu đạt yêu cầu của bạn đến Tòa án, là cơ sở pháp lý quan trọng để tòa án quyết định việc tiếp tục giải quyết những yêu cầu của bạn hay không.

Vì vậy, đơn khởi kiện phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, nếu không.

Tòa án sẽ rất có thể sẽ từ chối thụ lý và trả lại đơn. Đơn khởi kiện có thể viết tay hoặc đánh máy nhưng phải có các nội dung chính sau:

+ Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

+ Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

+ Tên, nơi cư trú, làm việc của bạn (người khởi kiện). Trong phần này cần lưu ý, nếu địa chỉ thường trú (ghi trên CMND và sổ hộ khẩu) khác với địa chỉ đang cư trú thì cần ghi rõ cả hai địa chỉ (Địa chỉ đăng ký thường trú và địa chỉ liên lạc), tránh trường hợp thông báo, triệu tập của Tòa án bị thất lạc, không liên hệ được;

+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nên ghi cả số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử, nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của họ;

+ Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

+ Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có); và

+ Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Để soạn thảo đơn khởi kiện, các bạn có thể tham khảo các biểu mẫu có sẵn trên mạng internet hoặc được dán công khai ở các trụ sở tòa án.

don-khoi-kien-vi-pham-ban-quyen

Viết đơn khởi kiện là việc đầu tiên bạn cần làm

Tuy nhiên, khi soạn thảo các bạn cần lưu ý phần nội dung đơn khởi kiện, phần này cần phải nêu được nội dung, diễn biến tranh chấp; tránh kể lể dài dòng mà chỉ cần nêu các sự kiện có tính chất mốc thời gian, nhưng không được quá tóm tắt khiến người đọc không nắm bắt được diễn biến của tranh chấp.

Phần yêu cầu khởi kiện là nội dung bắt buộc, phải được trình bày rõ ràng, ngắn gọn, đồng thời mang tính đề xuất để tòa án xem xét giải quyết, tránh tình trạng đưa ra các yêu cầu phi thực tế, các yêu cầu không có căn cứ, không thể thực hiện được hoặc trái với quy định của pháp luật.

Các yêu cầu phải cụ thể, không được mang tính chất chung chung khái quát. Hậu quả của việc đưa ra những yêu cầu không phù hợp sẽ không chỉ là việc Tòa án bác bỏ yêu cầu, mà bạn còn có thể phải chịu án phí theo quy định pháp luật.

Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện vi phạm bản quyền

Điều 91 Bộ Luật TTDS năm 2015 quy định “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp…”.

Như vậy, người khởi kiện vi phạm bản quyền có nghĩa vụ thu thập, cung cấp cho tòa án các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình.

tai-lieu-chung-minh-ban-quyen

Tiếp theo bạn cần có những tài liệu chứng minh

Việc thu thập, giao nộp chứng cứ không nhất thiết phải nộp đủ ngay khi khởi kiện; có những chứng chứ nên nộp ngay nhưng cũng có những chứng cứ chỉ nên giao nộp sau khi đã có lời khai của phía đối phương hoặc một thời điểm thích hợp khác tùy vào tính chất, diễn biến tranh chấp.

Tuy nhiên, ngoài những giấy tờ cơ bản như bản sao CMND, Giấy đăng ký kinh doanh, Giấy ủy quyền (nếu có) … thì bộ hồ sơ khởi kiện vi phạm bản quyền cần có những tài liệu, chứng cứ sau:

Đối với khởi kiện vi phạm bản quyền về quyền tác giả, các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được có giá trị là chứng cứ thông thường bao gồm:

Giấy chứng nhận bản quyền tác giả do Cục bản quyền thuộc Bộ Văn hoá – thông tin cấp. Giấy chứng nhận bản quyền tác giả là chứng cứ để chứng minh người có tên trong Giấy này là tác giả của tác phẩm.
Trong trường hợp đương sự không làm thủ tục đăng ký tại Cục bản quyền tác giả, nếu muốn chứng minh là tác giả, đương sự phải chứng minh mình đã sáng tạo ra tác phẩm và sự sáng tạo đó đã được định hình dưới một hình thức vật chất;

– Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học thể hiện dưới hình thức: bài báo, sách, tạp chí, băng, đĩa âm thanh, băng, đĩa hình… có nội dung vi phạm tác phẩm đã được bảo hộ;

– Hợp đồng thuê sáng tạo; hợp đồng lao đồng và văn bản giao việc trong trường hợp chứng minh cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu tác phẩm;

– Di chúc hợp pháp, bản án, quyết định của Toà án về việc chia di sản thừa kế trong trường hợp giải quyết tranh chấp phát sinh từ thừa kế quyền tác giả;

– Hợp đồng sử dụng tác phẩm trong trường hợp giải quyết tranh chấp về hợp đồng sử dụng tác phẩm;

– Hợp đồng dịch vụ bản quyền tác giả trong trường hợp giải quyết tranh chấp về hợp đồng dịch vụ bản quyền tác giả;

– Hợp đồng thuê biểu diễn nghệ thuật, hợp đồng tổ chức sản xuất chương trình văn hoá, nghệ thuật; hợp đồng sản xuất, phát hành băng ghi âm, ghi hình; hợp đồng trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình trong trường hợp giải quyết tranh chấp phát sinh từ những quan hệ này; và

– Hoá đơn thanh toán thù lao, nhuận bút trong trường hợp giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền hưởng các khoản này của tác giả.

Đối với tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp, các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được có giá trị là chứng cứ thông thường bao gồm:

– Văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp được sử dụng để chứng minh người có tên trong văn bằng là tác giả, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp. Cụ thể là Bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Bằng bảo hộ giống cây trồng mới;

– Hợp đồng thuê sáng tạo; hợp đồng lao đồng và văn bản giao việc trong trường hợp chứng minh là chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp trong trường hợp chứng minh ai là tác giả, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp;

– Di chúc hợp pháp, bản án, quyết định của Toà án về việc chia di sản thừa kế trong trường hợp giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sở hữu công nghiệp;

– Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp, hợp đồng li-xăng trong trường hợp giải quyết tranh chấp phát sinh từ những hợp đồng này;

– Hợp đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong trường hợp giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này;

– Đơn và các giấy tờ khác chứng minh đã nộp đơn;

– Các hợp đồng, giấy tờ khác về việc mua bán, gửi giữ, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá/dịch vụ có gắn đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ trong trường hợp chứng minh hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp;

– Các hoá đơn, chứng từ hợp lệ; và

– Danh mục nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng trong trường hợp chứng minh nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại giống hoặc tương tự với nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng.

Bên cạnh đó, một số vật chứng cũng có thể được sử dụng. Ví dụ: Hàng hoá gắn đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ; hàng hoá gắn đối tượng sở hữu công nghiệp bị coi là vi phạm; các khoản thu lợi bất chính…

Bạn nên tham khảo bài viết 5 lý do nên thuê luật sư tư vấn khi bị vi phạm bản quyền? trước khi quyết định thuê luật sư khởi kiện về sở hữu trí tuệ

Kết Luận

Trên đây là một số nội dung cơ bản về hồ sơ khởi kiện vi phạm bản quyền. Tùy thuộc vào đối tượng, tính chất, mức độ phức tạp của vụ vi phạm bản quyền mà ngoài những hồ sơ nói trên, Tòa án còn có thể yêu cầu bạn cung cấp thêm các tài liệu, chứng cứ khác.

Trong trường hợp muốn giải quyết vi phạm bản quyền tại Tòa án nhân dân thì bạn nên nhờ đến sự tư vấn và giúp đỡ từ những người am hiểu về tố tụng sở hữu trí tuệ, như các luật sư hoặc đại diện sở hữu trí tuệ, để đảm bảo hiệu quả cao nhất và phòng tránh những rủi ro có thể phát sinh.

Nếu có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn về Bản quyền, vui lòng liên hệ chúng tôi: P & Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

P& Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Tư vấn Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật Tư vấn Bản quyền cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý tốt nhất đến Quý Khách hàng.

Xem dưới định dạng PDF