Tại sao doanh nghiệp cần thẩm định pháp lý
Trong giai đoạn hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp diễn ra ngày càng sôi động như hiện nay, các dịch vụ liên quan theo đó ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một trong các dịch vụ gắn liền với hoạt động mua bán doanh nghiệp (M&A) không thể không kể đến là dịch vụ thẩm định pháp lý.
Nếu như hoạt động kiểm toán doanh nghiệp được thực hiện bởi các Công ty kiểm toán nhằm kiểm tra tình hình tài chính, kê khai thuế của doanh nghiệp thì dịch vụ Thẩm tra pháp lý lại tập trung vào việc thẩm tra việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp được thực hiện bởi các Công ty luật cung cấp dịch vụ pháp lý này.
Thuật ngữ “thẩm định pháp lý” có tên tiếng anh là “legal due diligence” đã xuất hiện khá lâu đời trên thế giới và những năm gần đây khá phổ biến và phát triển tại thị trường Việt Nam, cùng với sự sôi động của các giao dịch M&A của các nhà đầu tư nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm: Thẩm định pháp lý và Quy trình thẩm định pháp lý doanh nghiệp
Thẩm định pháp lý và Quy trình thẩm định pháp lý doanh nghiệp
Trong các giao dịch M&A, bên mua, bên dự định đầu tư (gọi chung là Nhà đầu tư) vào một Công ty mục tiêu thường quan tâm đến tình trạng tài chính và tuân thủ pháp luật của Công ty mục tiêu, để từ đó làm cơ sở tiên quyết cho quyết định mua hay không mua doanh nghiệp, mua với điều kiện nào, và nếu mua thì mức giá bao nhiêu là phù hợp.
Để giải tỏa được mối quan tâm này, họ sẽ tiến hành thẩm tra tình trạng tài chính và pháp lý của Công ty mục tiêu để có được một bức tranh toàn cảnh về “sức khỏe” của Công ty này. Vì hoạt động thẩm tra pháp lý là hoạt động khá chuyên ngành, đòi hỏi bên thẩm tra phải có kiến thức sâu rộng về pháp luật, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan nên Bên mua, bên đầu tư thường sẽ thuê các Công ty luật hỗ trợ mình trong hoạt động thẩm tra pháp lý này.
Việc thẩm tra pháp lý bao gồm việc xem xét toàn diện các vấn đề pháp lý từ việc thành lập, việc góp vốn, cơ cấu tổ chức, sự tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh, pháp lý tài sản, hợp đồng, thỏa thuận trọng yếu, lao động, v.v.. trong Công ty mục tiêu, cụ thể như sau:
- Quá trình thành lập: Các thông tin về Công ty mục tiêu từ thời điểm thành lập; loại hình doanh nghiệp; thời hạn hoạt động; trụ sở chính và các chi nhánh, văn phòng đại diện, cửa hàng cũng như ngành nghề kinh doanh của Công ty sẽ được Đơn vị thẩm tra pháp lý tổng hợp, phân tích và đánh giá.
- Vốn và cơ cấu vốn: mức vốn đăng ký, mức vốn thực tế đã được góp, loại tài sản đăng ký góp vốn và loại tài sản thực góp, cơ cấu vốn sẽ được kiểm tra và thẩm định để Nhà đầu tư hiểu rõ.
- Hợp đồng/thỏa thuận trọng yếu: Đơn vị thẩm định sẽ báo cáo nội dung chính của những Hợp đồng quan trọng, có giá trị lớn mà Công ty mục tiêu đã ký kết. Theo đó, họ sẽ chỉ ra những vấn đề chưa rõ ràng, những rủi ro mà Công ty mục tiêu có thể gặp phải dựa trên các điều khoản của Hợp đồng/thỏa thuận, nếu có. Để từ đó, giúp Nhà đầu tư xác định được các quyền và nghĩa vụ pháp lý mà Công ty mục tiêu đang có và những thỏa thuận pháp lý đang ràng buộc Công ty mục tiêu.
- Tài sản: Những tài sản có giá trị lớn của Công ty mục tiêu như quyền sử dụng đất, nhà kho, nhà xưởng hay tài sản đặc biệt như quyền sở hữu trí tuệ hoặc các tài sản yêu cầu phải đăng ký quyền sở hữu khác như ô tô, tàu thuyền sẽ được chú trọng xem xét và đánh giá để xem xét liệu rằng Công ty mục tiêu có đang sở hữu hợp pháp các tài sản này hay không, và những tài sản này liệu có đang bị cầm cố, thế chấp hay được sử dụng để làm tài sản đảm bảo trong các giao dịch hay không.
- Tuân thủ pháp luật: Ở khía cạnh này, Đơn vị thẩm tra sẽ đánh giá sự tuân thủ quy định pháp luật của Công ty mục tiêu thông qua việc Công ty mục tiêu đã đạt được hay chưa các giấy phép cần thiết, có đáp ứng đủ hay không các điều kiện luật định để tiến hành việc kinh doanh, đã thực hiện hay chưa các thủ tục, công việc mà Nhà nước yêu cầu trong quá trình hoạt động kinh doanh (bao gồm cả các vấn đề về thuế và lao động, v.v…). Khi phát hiện Công ty mục tiêu chưa tuân thủ, Đơn vị thẩm tra sẽ chỉ ra và đồng thời cũng đưa ra những hệ quả pháp lý mà Công ty mục tiêu có thể sẽ phải gánh chịu vì sự không tuân thủ này.
- Hồ sơ kiện tụng, tranh chấp: Đơn vị thẩm định sẽ xem xét và tổng hợp các tranh chấp, khiếu nại đã và đang được xảy ra mà Công ty mục tiêu là bên liên quan. Theo đó, việc thẩm định sẽ tập trung vào việc phân tích hồ sơ vụ án và đánh giá vị trí pháp lý của Công ty mục tiêu trong vụ án đó. Kết quả thẩm định sẽ cho Nhà đầu tư thấy được vị thế pháp lý của Công ty mục tiêu trong vụ án và các rủi ro mà Công ty mục tiêu sẽ phải đối mặt, nếu có.
- Ngoài những lĩnh vực chính trên đây, tùy theo nhu cầu của Nhà đầu tư mà Đơn vị thẩm tra sẽ thẩm tra thêm các lĩnh vực, vấn đề khác theo nhu cầu.
Kết quả của việc thẩm tra pháp lý sẽ là một Báo cáo Thẩm tra pháp lý, trong đó cung cấp cho Nhà đầu tư một bức tranh toàn cảnh về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực liên quan, các rủi ro mà doanh nghiệp đang hoặc sẽ đối mặt, đánh giá của Công ty luật về mức độ rủi ro và lưu ý các vấn đề cần phải quan tâm khi Nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua, đầu tư vào Công ty mục tiêu.
Dựa trên Báo cáo thẩm tra pháp lý, Nhà đầu tư sẽ có những quyết định đúng đắn và phù hợp. Với những tác dụng của việc Thẩm tra pháp lý như đã đề cập, có thể thấy việc Thẩm tra pháp lý là cần thiết và là tiền đề quan trọng cho việc quyết định thực hiện giao dịch.
Có thể bạn quan tâm: Hồ sơ thẩm định pháp lý công ty gồm những gì?
Nếu bạn cần thêm thông tin để biết công ty chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về những vấn đề về Thẩm Tra Pháp Lý, xin vui lòng liên hệ với các luật sư thành viên của chúng tôi qua email info@phuoc-partner.com hoặc liên hệ trực tiếp đến số: +84 (28) 3622 3522.