Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Tài sản thế chấp đồng sở hữu bị tịch thu xử lý ra sao?

tai-san-the-chap-dong-so-huu

Tài sản thế chấp đồng sở hữu bị tịch thu xử lý ra sao?

Trên thực tế, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp một tài sản chung đang được thế chấp bị cơ quan nhà nước tịch thu do người sử dụng tài sản này có vi phạm hành chính hoặc hình sự.

Chẳng hạn, một chiếc xe ô tô do A, B, C góp tiền chung mua và đang được thế chấp tại ngân hàng cho khoản tiền vay mua xe.

Một lần, B sử dụng chiếc xe ô tô này đi chở thuốc lá đi bán trái phép, bị cơ quan có thẩm quyền ra hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện.

Trường hợp này tài sản sẽ được xử lý như thế nào. Bài viết sau đây sẽ phân tích một số quy định pháp luật về xử lý tịch thu tài sản là tài sản chung đang thế chấp để các bên biết và tự bảo vệ quyền của mình cũng như phòng ngừa các trường hợp có xảy ra trong tương lai.

Có hai trường hợp tịch thu tài sản do vi phạm pháp luật là tịch thu tài sản do vi phạm hành chính và tịch thu tài sản do vi phạm pháp luật hình sự.

Tịch thu tài sản là tài sản chung đang thế chấp do vi phạm pháp luật hành chính

Hiện nay, chưa có một quy định pháp luật nào giải quyết cụ thể trường hợp tịch thu tài sản là tài sản đang thế chấp hoặc tài sản chung.

Do đó, đang có nhiều luồng quan điểm xoay quanh vấn đề này. Liệu khi cơ quan Nhà nước tịch thu tài sản là tài sản chung đang bị thế chấp, cơ quan nhà nước có trả lại một phần tài sản này cho các đồng chủ sở hữu còn lại hay giao tài sản cho cá nhân, tổ chức nhận thế chấp để giải quyết nghĩa vụ về tài sản hay không.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ThS. Nguyễn Hoàng Việt – Cục Quản lý XLVPHC và Theo dõi THPL thì trong trường hợp này, cơ quan Nhà nước vẫn tiến hành tịch thu tài sản mà không cần trả lại cho các đồng sở hữu hoặc cá nhân, tổ chức nhận thế chấp[1] vì việc tịch thu tài sản là dựa trên quan hệ pháp luật hành chính mang tính bắt buộc cưỡng chế, không phụ thuộc vào các thỏa thuận của các bên theo pháp luật dân sự.

Do đó, khả năng cao là khi tịch thu tài sản do vi phạm pháp luật hành chính, cơ quan Nhà nước sẽ không trả lại tài sản cho các chủ thể khác mà sẽ tiến hành xử lý theo quy định pháp luật hành chính.

Khoản 1 Điều 82 của Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về xử lý tài sản bị tịch thu như sau:

  • Khi tịch thu tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý thì phải nộp vào ngân sách Nhà nước;
  • Đối với các giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì chuyển cho cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản theo quy định tại điểm d khoản này;
  • Khi tịch thu tài sản là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và tài sản khác thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật;
  • Khi tịch thu tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng thì cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức chuyển giao cho cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng;
  • Khi tịch thu tài sản không thuộc trường hợp trên thì tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá.
    Việc bán đấu giá tài sản bị tịch thu được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá; và
  • Khi tịch thu tài sản không còn giá trị sử dụng hoặc không bán đấu giá được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phải lập hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan.
    Việc xử tài sản tịch thu phải được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên hội đồng xử lý. Phương thức, trình tự, thủ tục xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tục cần có khi tịch thu tài sản thế chấp

Tịch thu tài sản do vi phạm pháp luật hình sự.

Nếu một tài sản chung đang được thế chấp là tang vật trong một vụ án hình sự thì tài sản này có thể bị tịch thu. Hoặc tài sản này cũng có thể bị kê biên để thực hiện các nghĩa vụ nộp phạt cũng như bồi thường thiệt hại của người phạm tội. Trong những trường hợp này, tài sản chung đang được thế chấp bị tịch thu sẽ được giải quyết như sau:

tai-san-the-chap-pham-toi

Trường hợp xử lý tài sản bị tịch thu do phạm tội

a) Nếu tài sản chung đang thế chấp là vật chứng của vụ án

Việc giải quyết tài sản này như thế nào sẽ phụ thuộc vào tính chất tài sản, tầm quan trọng của tài sản đối với vụ án. Có thể hiểu khái quát việc xử lý tài sản này như sau:

  • Đối với các tài sản không phải là vật chứng, thì cơ quan tiến hành tố tụng không được thu giữ, tạm giữ; nếu đã thu giữ, tạm giữ thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án phải trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp các tài sản đó.
  • Đối với tịch thu tài sản là vật chứng là kho tàng, nhà xưởng, khách sạn, nhà, đất, cũng như các phương tiện sản xuất, kinh doanh khác là tài sản chung đang được thế chấp, cơ quan nhà nước có thể giao tài sản này để các chủ sở hữu chung hoặc bên nhận thế chấp hoặc một bên khác tiến hành tiếp tục khai thác tài sản để mang lại lợi ích. Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác, sử dụng tài sản thế chấp và số tiền thu được từ việc xử lý tài sản thế chấp được dùng để thanh toán nợ cho bên nhận thế chấp, nhận sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản thế chấp và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
  • Trong trường hợp hợp đồng thế chấp hợp pháp đã hết thời hạn mà bên thế chấp tài sản không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, tài sản thế chấp được giao cho bên nhận thế chấp khai thác, sử dụng hoặc xử lý để thu hồi vốn và lãi sau khi đã lập đầy đủ hồ sơ bảo đảm giá trị chứng minh của tài sản là vật chứng.
    Nếu tài sản bị xử lý thì sau khi thanh toán hết các nghĩa vụ nợ còn thiếu thì bên nhận thế chấp sẽ phải trả lại phần còn dư cho các đồng sỡ chung theo tỷ lệ sở hữu của mình đối với tài sản.
  • Trường hợp tịch thu tài sản là tài sản mau hỏng hoặc sắp hết hạn, cơ quan Nhà nước có thể tiến hành bán đấu giá tài sản.
  • Trường hợp tịch thu tài sản là vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, văn hoá phẩm. .., thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chuyển giao cho cơ quan chức năng để bảo quản.

b) Kê biên tài sản

  • Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Có thể kê biên tài sản đang thế chấp, nếu người phải thi hành án không còn tài sản nào khác và tài sản đó có giá trị lớn hơn khoản vay.
  • Sau khi kê biên xong, cơ quan Nhà nước tiến hành kê biên giao lại tài sản bị kê biên cho chủ sở hữu, thân nhân của họ hoặc giao cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản khai thác, sử dụng để tránh những lãng phí không cần thiết về kinh tế.
  • Tài sản có thể được cơ quan nhà nước bán đấu giá. Số tiền bán đấu giá tài sản thế chấp được ưu tiên thanh toán cho bên nhận thế chấp hợp pháp sau khi trừ các chi phí cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng và chi phí cho việc tổ chức bán đấu giá; phần còn lại để thi hành án. Số tiền còn lại sẽ được chia cho các chủ sở hữu chung theo tỷ lệ sở hữu đối với tài sản.

Có thế bạn quan tâm

5 bước cần thực hiện khi tịch thu tài sản thế chấp

Kết Luận

Nếu có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn về Xử lý tài sản bị tịch thu, vui lòng liên hệ chúng tôi: P& Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. P& Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làmThuếMua bán và Sáp nhậpTranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật Tư vấn Xử lý tài sản bị tịch thu cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý Khách hàng.

[1]https://moj.gov.vn/UserControls/News/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/qt/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi&ListId=75a8df79-a725-4fd5-9592-517f443c27b6&SiteId=b11f9e79-d495-439f-98e6-4bd81e36adc9&ItemID=2410&SiteRootID=b71e67e4-9250-47a7-96d6-64e9cb69ccf3