Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Hợp Đồng Đại Diện Cho Thương Nhân Là Gì? Đặc Điểm Của Hợp Đồng Đại Diện Cho Thương Nhân

hopdongdaidienchothuongnhan

Hợp Đồng Đại Diện Cho Thương Nhân Là Gì? Đặc Điểm Của Hợp Đồng Đại Diện Cho Thương Nhân

Để biết Hợp đồng đại diện cho thương nhân là gì? Đặc điểm của hợp đồng đại diện cho thương nhân, trước hết, cần phải biết rằng, đại diện cho thương nhân là một hình thức trung gian thương mại do thương nhân thực hiện theo quy định pháp luật thương mại.

Hợp đồng đại diện cho thương nhân là sự thỏa thuận giữa hai thương nhân (được gọi là bên đại diện và bên giao đại diện), theo đó, bên đại diện nhận sự ủy nhiệm của bên giao đại diện để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và theo sự chỉ dẫn của bên giao đại diện và được hưởng thù lao từ việc làm đại diện[1].

Đặc điểm của hợp đồng đại diện cho thương nhân

Thứ nhấtchủ thể của hợp đồng phải là các thương nhân theo quy định pháp luật Việt Nam. Như vậy, giữa thương nhân và chi nhánh hay văn phòng đại diện của mình không thể giao kết hợp đồng đại diện cho thương nhân. Hơn nữa, các đơn vị phụ thuộc của thương nhân như chi nhánh, văn phòng đại diện hay cửa hàng, trung tâm, phòng ban của một doanh nghiệp không thể được coi là một bên chủ thể hợp đồng đại diện cho thương nhân vì đây là những đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, chứ không phải thương nhân. Trong hợp đồng đại diện cho thương nhân, bên đại diện là một thương nhân độc lập, hoạt động kinh doanh, thương mại độc lập với bên giao đại diện. Việc làm đại diện được coi như một lĩnh vực kinh doanh của thương nhân làm đại diện và được hưởng thù lao từ việc làm đại diện. Về nguyên tắc, thương nhân làm đại diện có thể ký nhiều hợp đồng đại diện với nhiều thương nhân khác nhau miễn rằng phạm vi đại diện không mâu thuẫn với nhau.

Thực chất đại diện cho thương nhân là một dạng của quan hệ ủy quyền có thù lao theo quy định của Bộ luật dân sự. Hợp đồng ủy quyền khẳng định rõ việc bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác[2]. Tuy nhiên cũng cần lưu ý trường hợp thương nhân cử người của mình để làm đại diện cho mình thì đây không phải là quan hệ đại điện cho thương nhân theo quy định pháp luật thương mại, mà thay vào đó chế định đại diện theo ủy quyền của Bộ luật dân sự sẽ được áp dụng[3]. Xét về bản chất, hợp đồng đại diện cho thương nhân là một dạng hợp đồng ủy quyền theo quy định Bộ luật dân sự, theo đó, bên đại diện nhân danh bên giao đại diện thực hiện giao dịch với bên thứ ba[4]. Đây là điểm lưu ý để phân biệt hoạt động đại diện cho thương nhân và ủy thác mua bán hàng hóa theo quy định pháp luật thương mại.

Việc làm đại diện theo hợp đồng đại diện cho thương nhân không mang tính chất vụ việc như việc môi giới mà được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quàng thời gian làm đại diện theo thỏa thuận tại hợp đồng. Việc nhận ủy nhiệm thường xuyên để giao dịch này là một điểm khác biệt quan trọng để phân biệt quan hệ đại diện theo hợp đồng đại diện cho thương nhân với quan hệ môi giới thương mại, mà theo đó thương nhân làm bên trung gian môi giới được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới[5].

Thứ haivề hình thứchợp đồng đại diện cho thương nhân phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương[6], chẳng hạn như hợp đồng điện tử[7]. Đối với một loại dịch vụ thương mại dưới hình thức ủy quyền có thù lao gắn liền quyền và nghĩa vụ của các bên trong một thời gian dài thì quy định việc hình thức hợp đồng đại diện cho thương nhân phải được lập thành văn bản là một quy định hợp lý nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.

Thứ bavề nội dung, pháp luật thương mại hiện thời không có quy định các nội dung cơ bản của hợp đồng đại diện cho thương nhân. Mà theo đó, nội dung hợp đồng sẽ được thỏa thuận bởi các bên trên cơ sở tự do hợp đồng, nguyên tắc quan trọng hàng đầu của Bộ luật dân sự. Theo đó, các bên có toàn quyền thỏa thuận về thời hạn[8] và phạm vi đại diện[9] không vượt quá phạm vi hoạt động thương mại của bên giao đại diện[10], thù lao đại diện, các quyền và nghĩa vụ của bên đại diện và bên giao đại diện[11], thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, chế tài do vi phạm hợp đồng, v.v.

Thứ tưvề việc chấm dứt hợp đồng, trường hợp không có thoả thuận, thời hạn đại diện chấm dứt khi một trong các bên thông báo về việc chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân[12]. Bên đại diện được hưởng thù lao đối với hợp đồng được giao kết trong phạm vi đại diện. Quyền được hưởng thù lao phát sinh từ thời điểm do các bên thoả thuận trong hợp đồng đại diện[13]. Nếu bên giao đại diện đơn phương thông báo chấm dứt hợp đồng đại diện thì bên đại diện có quyền yêu cầu bên giao đại diện trả một khoản thù lao do việc bên giao đại diện giao kết các hợp đồng với khách hàng mà bên đại diện đã giao dịch và những khoản thù lao khác mà đáng lẽ mình được hưởng[14]. Nếu bên đại diện đơn phương thông báo chấm dứt hợp đồng đại diện thì bên đại diện bị mất quyền hưởng thù lao đối với các giao dịch mà đáng lẽ mình được hưởng nếu các bên không có thoả thuận khác[15].

Trên đây là nội dung khái quát về Hợp đồng đại diện cho thương nhân là gì? Đặc điểm của hợp đồng đại diện cho thương nhân. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về Hợp đồng đại diện cho thương nhân là gì? Đặc điểm của hợp đồng đại diện cho thương nhân, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làmThuếMua bán và Sáp nhậpTranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 141.1 Luật Thương mại 2005

[2] Điều 562 Bộ luật dân sự 2015

[3] Điều 141.2 Luật Thương mại 2005

[4] Điều 145.4 Luật Thương mại 2005

[5] Điều 150 Luật Thương mại 2005

[6] Điều 142 Luật Thương mại 2005

[7] Điều 119 Bộ luật dân sự 2015

[8] Điều 144.1 Luật Thương mại 2005

[9] Điều 143 Luật Thương mại 2005

[10] Điều 143 Luật Thương mại 2005

[11] Điều 145, 146 Luật Thương mại 2005

[12] Điều 144.2 Luật Thương mại 2005

[13] Điều 147.1 Luật Thương mại 2005

[14] Điều 144.3 Luật Thương mại 2005

[15] Điều 144.4. Luật Thương mại 2005