Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

4 Lưu ý khi tranh tụng lao động

4 Lưu ý khi tranh tụng lao động

Tranh tụng về lao động được thực hiện cơ bản theo quy trình tố tụng dân sự chung được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Để đảm bảo tranh tụng về lao động thành công, cần lưu ý 4 vấn đề sau đây:

1. Bảo đảm tranh tụng trong xét xử

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

2. Các chủ thể thực hiện quyền tranh tụng lao động

Các chủ thể thực hiện quyền tranh tụng lao động bao gồm các đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Những chủ thể thực hiện quyền tranh tụng có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác.

3. Tranh tụng là cơ sở để tòa án đánh giá toàn bộ vụ án

Về tranh tụng tại phiên tòa, tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án dân sự, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án. Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến nhưng có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến không có liên quan đến vụ án dân sự.

Việc các bên thực hiện quyền tranh tụng tại phiên tòa bằng việc trình bày chứng cứ, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm sẽ góp phần giúp tòa án đánh giá tòa bộ vụ án, đưa ra quyết định xét xử đối với vụ án.

4. Vai trò của người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự

Theo quy định tại Khoản 2,  Điều 63 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, những người sau đây được Tòa án chấp nhận làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư; Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý; Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không phải là cán bộ, công chức trong các ngành Tòa án, Kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.

Khi tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp lao động, các đương sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền, nghĩa vụ liên quan thường là người lao động, tập thể lao động, người sử dụng lao động. Các chủ thể này phần lớn không am hiểu nhiều về pháp Luật Lao Động và quy trình tố tụng tại tòa án do đó việc có sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đặc biệt là sự tham gia của các luật sư tranh tụng lao động chuyên nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tranh tụng tại tòa diễn ra hiệu quả hơn.

Nếu đang khó khăn trong việc tìm một luật sư lao động, vui lòng liên hệ với chúng tôi: P & Các Cộng Sự là một công ty tư vấn chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. P & Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty tư vấn chuyên về pháp luật kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin mang đến dịch vụ tranh tụng lao động cho quý khách hàng một cách tối ưu và hiệu quả.

Xem dưới định dạng PDF