Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Thủ Tục Cần Thiết Khi Ngừng Hoạt Động Dự Án Công Ty Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài

VON-DAU-TU-NUOC-NGOAI

Thủ Tục Cần Thiết Khi Ngừng Hoạt Động Dự Án Công Ty Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể gặp một số khó khăn nhất định hoặc vì lý do bất khả kháng dẫn đến quyết định phải ngừng hoạt động dự án đầu tư. Trong trường hợp việc ngừng dự án dẫn đến công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện ít nhất hai thủ tục, bao gồm thủ tục tạm ngừng kinh doanh theo pháp luật doanh nghiệp và thủ tục ngừng dự án đầu tư theo pháp luật đầu tư. Để các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hiểu rõ hơn trình tự thủ tục về vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ làm rõ các thủ tục cần thiết khi ngừng hoạt động dự án công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật Việt Nam.

  1. Thời hạn ngừng hoạt động dự án của công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Theo quy định tại Điều 56.2 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư, tổng thời gian ngừng hoạt động của dự án đầu tư là không quá 12 tháng, trừ các trường hợp ngừng hoạt động của dự án đầu tư theo bản án, quyết định của tòa án, phán quyết có hiệu lực của trọng tài hoặc theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư thì thời gian ngừng hoạt động của dự án đầu tư được xác định theo bản án, quyết định của tòa án, phán quyết trọng tài hoặc theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Luật Doanh nghiệp 2020 không hạn chế số lần tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp nhưng thời gian tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần không được quá một năm[1].

Như vậy, thời gian cho mỗi lần tạm ngừng hoạt động của công ty có vốn đầu tư nước ngoài là không quá 12 tháng.

  1. Các thủ tục cần phải làm khi công ty có vốn đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động của dự án

Theo quy định tại Điều 47.1 Luật Đầu tư 2020 và Điều 206.1 Luật Doanh nghiệp 2020, khi ngừng hoạt động của dự án đầu tư và tạm ngừng kinh doanh, công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục ngừng hoạt động của dự án đầu tư và thủ tục thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.

Thủ tục ngừng hoạt động của dự án đầu tư

Trường hợp công ty có vốn đầu tư nước ngoài tự quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại Điều 47.1 của Luật Đầu tư 2020, công ty có vốn đầu tư nước ngoài gửi thông báo cho Cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định. Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ tiếp nhận và thông báo việc ngừng hoạt động của dự án đầu tư cho các cơ quan liên quan.

Thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh

Công ty có vốn đầu tư nước ngoài tạm ngừng kinh phải thông báo và gửi hồ sơ đăng ký tạm dừng kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở, chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh.

Sau khi nhận hồ sơ đăng ký tạm dừng kinh doanh của công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trong vòng 03 ngày làm việc, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy xác nhận về việc công ty có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Phòng Đăng ký kinh doanh sau đó sẽ cập nhật tình trạng pháp lý của công ty có vốn đầu tư nước ngoài và tình trạng của tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh.

Công ty có vốn đầu tư nước ngoài có thể đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đồng thời với đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của công ty có vốn đầu tư nước ngoài đồng thời với tình trạng của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

  1. Thành phần hồ sơ khi thực hiện thủ tục ngừng hoạt động dự án đầu tư

Hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh của công ty có vốn đầu tư nước ngoài

  • Thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh theo mẫu tại Phụ lục II-19 kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT;
  • Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh;
  • Quyết định tạm ngừng dự án đầu tư của chủ đầu tư;
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bản mới nhất đã được cấp.

Hồ sơ ngừng dự án đầu tư

  • Thông báo ngừng hoạt động dự án đầu tư theo mẫu tại Phụ lục A.1.13 kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT, sửa đổi bởi Thông tư 25/2023/TT-BKHĐT;
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp.
  1. Nghĩa vụ của công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi tạm ngừng hoạt động

Theo Điều 206.3 Luật Doanh nghiệp 2020, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

Đối với trường dự án của công ty có vốn đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động vì lý do bất khả kháng thì công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được Nhà nước miễn tiền thuê đất, giảm tiền sử dụng đất trong thời gian ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả do bất khả kháng gây ra.[2]

  1. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thủ tục ngừng hoạt động dự án đầu tư

Công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư mà không thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu tại Mục 2 có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Đối với hành vi không gửi thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư, mức xử phạt vi phạm hành chính dao động từ 30.000.000 đến 50.000.000 VNĐ và công ty buộc phải thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư.[3]

Trường hợp ngừng hoạt động của dự án đầu tư với tổng thời gian quá 12 tháng, công ty sẽ bị phạt tiền từ 70.000.000 đến 100.000.000 VNĐ và buộc phải tiếp tục thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.[4]

Đối với hành vi không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh, mức xử phạt vi phạm hành chính là 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và công ty buộc phải thông báo về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh.[5]

Trên đây là một số chia sẻ của Phước và Các Cộng Sự về thủ tục cần thiết khi tạm ngừng hoạt động dự án công ty có vốn đầu tư nước ngoài đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 66.1 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

[2] Điều 47.1 Luật Đầu tư 2020

[3] Điều 15.2(d) và 15.3(d) Nghị định 122/2021/NĐ-CP

[4] Điều 19.2(c) và 19.4(d) Nghị định 122/2021/NĐ-CP

[5] Điều 50.1(c) và 50.2(c) Nghị định 122/2021/NĐ-CP