THÀNH LẬP CÔNG TY VỐN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM BẠN CẦN LƯU Ý ĐIỀU GÌ?
Việt Nam đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế ổn định, thị trường tiêu dùng rộng lớn, và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, việc thành lập công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư 2020 và các quy định liên quan. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần lưu ý khi thành lập công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam.
-
Khung pháp lý và quy định
Việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải tuân thủ theo Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020. Một số điểm quan trọng trong Luật Đầu tư 2020 cần lưu ý:
- Ngành nghề đầu tư kinh doanh: Luật Đầu tư 2020 phân loại các ngành nghề đầu tư kinh doanh theo danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nhà đầu tư cần kiểm tra kỹ xem ngành nghề dự định đầu tư có thuộc các danh mục này hay không. Nếu là danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài: Tùy theo ngành nghề, tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài có thể bị hạn chế. Đối với các ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế là một trong những điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, ngành dịch vụ vận tải hàng không, theo điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải có nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ.
- Điều kiện tiếp cận thị trường: Việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không chỉ đơn thuần là một quá trình pháp lý mà còn yêu cầu nhà đầu tư hiểu rõ về các điều kiện tiếp cận thị trường. Theo Điều 9 của Luật Đầu tư 2020, các điều kiện này được quy định cụ thể nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài và bảo vệ lợi ích quốc gia. Luật quy định rõ ràng về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các điều kiện về tỷ lệ vốn góp, hình thức đầu tư, và đối tác Việt Nam (nếu có). Có những ngành yêu cầu hoạt động đầu tư chỉ được thực hiện trong phạm vi địa lý hoặc lĩnh vực cụ thể hoặc một số ngành có thể yêu cầu tỷ lệ sở hữu không vượt quá một mức nhất định (chẳng hạn từ dưới 50% hoặc trên 50%). Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường được công bố bởi Chính phủ để xác định ngành nghề mình quan tâm có thuộc diện hạn chế hay không.
-
Lựa chọn hình thức doanh nghiệp
Nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn nhiều hình thức doanh nghiệp khác nhau tại Việt Nam:
- Công ty TNHH một thành viên hoặc hai thành viên trở lên: Đây là loại hình phổ biến và linh hoạt, phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Công ty cổ phần: Phù hợp với các doanh nghiệp lớn có nhu cầu huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau và có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
- Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài: Thường được sử dụng để khảo sát thị trường và không thực hiện các hoạt động sinh lợi trực tiếp.
- Chi nhánh của thương nhân nước ngoài: Có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh trực tiếp nhưng vẫn phụ thuộc vào công ty mẹ ở nước ngoài.
-
Thủ tục hành chính
Các thủ tục hành chính để thành lập công ty bao gồm việc chuẩn bị hồ sơ, đăng ký đầu tư, và đăng ký doanh nghiệp. Quá trình này có thể mất từ 1 – 06 tháng tùy vào tính chất phức tạp của dự án và sự chuẩn bị của nhà đầu tư. Để đảm bảo tiến trình suôn sẻ, nhà đầu tư nên hợp tác với các công ty tư vấn pháp lý uy tín tại Việt Nam. Thủ tục hành chính để thành lập công ty vốn nước ngoài bao gồm nhiều bước và yêu cầu sự chuẩn bị kỹ lưỡng:
- Chuẩn bị hồ sơ đầu tư: Bao gồm đề xuất dự án đầu tư, hồ sơ pháp lý của nhà đầu tư, báo cáo tài chính, và các tài liệu liên quan.
- Đăng ký đầu tư: Nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất nếu dự án nằm trong các khu này.
- Đăng ký doanh nghiệp: Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
-
Các hình thức ưu đãi đầu tư
Điều 15 của Luật Đầu tư 2020 quy định về các hình thức ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích các dự án đầu tư tại Việt Nam. Các ưu đãi này được thiết kế để giảm bớt chi phí và tăng tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đồng thời hướng các nguồn vốn vào các lĩnh vực và địa bàn cần phát triển. Một số ưu đãi đầu tư thường thấy như:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Mức thuế suất hiện hành là 20%, nhưng có thể cao hơn đối với các ngành nghề đặc thù hoặc thấp hơn nếu doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế.
- Thuế nhập khẩu: Miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để phục vụ sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc miễn thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa nhập khẩu nhằm tạo tài sản cố định cho dự án đầu tư.
Các hình thức ưu đãi đầu tư được quy định tại Điều 15 của Luật Đầu tư 2020 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời hướng các nguồn vốn vào các lĩnh vực và địa bàn cần phát triển. Việc nắm rõ và tuân thủ các điều kiện, thủ tục liên quan sẽ giúp nhà đầu tư tận dụng tối đa các ưu đãi mà pháp luật quy định.
-
Người lao động nước ngoài
Là một người lao động nước ngoài trong công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam, có một số điều quan trọng cần lưu ý. Trong một số trường hợp, người lao động nước ngoài có thể không được hưởng các quyền lợi bảo hiểm xã hội giống như người lao động trong nước, nhưng cũng có các quyền lợi riêng được đảm bảo. Đơn cử như với bảo hiểm thất nghiệp, người lao động nước ngoài, khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm 2013 và Bộ luật Lao động 2019, họ không thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, Công ty phải trả 1% của tiền lương hàng tháng vào lương của người lao động nước ngoài.
Việc thành lập công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam là một quyết định chiến lược mở ra nhiều cơ hội kinh doanh trong một thị trường đầy tiềm năng. Tuy nhiên, để thành công, các nhà đầu tư cần hiểu rõ và tuân thủ các quy định pháp luật, quản lý tài chính hiệu quả, và xây dựng một môi trường làm việc tích cực. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương và nắm bắt kịp thời các chính sách hỗ trợ từ chính phủ sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam. Việt Nam hiện nay là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á và châu Á nói chung. Nắm bắt cơ hội này, các nhà đầu tư cần có sự chuẩn bị và chiến lược hợp lý để khai thác tối đa tiềm năng của thị trường này.
Trên đây là một số chia sẻ của Phước và Các Cộng Sự về Một số điều lưu ý khi thành lập công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.