Quan hệ pháp lý giữa luật sư và khách hàng
Dưới góc độ pháp luật dân sự, mối quan hệ pháp lý giữa luật sư và khách hàng là quan hệ dân sự giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, vì luật sư là hoạt động nghề nghiệp đặc thù cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng nên mối quan hệ pháp lý dgiữa luật sư và khách hàng còn chịu sự điều chỉnh của các quy định khác của pháp luật về luật sư. Cụ thể hơn việc ứng xử và cung cấp dịch vụ cho khách hàng của luật sư phải đảm bảo tuân thủ những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được quy định chi tiết tại Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư. Điều này nhằm xây dựng và duy trì niềm tin của khách hàng đối với đội ngũ luật sư cũng như nâng cao sự chuyên nghiệp và trách nhiệm nghề nghiệp của bản thân luật sư đang hành nghề. Dưới đây là một số các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ pháp lý giữa Luật sư với khách hàng:
Những quy tắc cơ bản
Luật sư phải luôn tuân thủ những quy tắc cơ bản trong suốt quá trình tiếp xúc, làm việc với khách hàng từ giai đoạn nhận vụ việc cho đến khi kết thúc vụ việc và ngay cả khi các bên xảy ra tranh chấp liên quan đến việc cung cấp dịch vụ pháp lý bao gồm: Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; tôn trọng khách hàng; giữ bí mật thông tin; thông báo rõ ràng cách tính và mức thù lao, chi phí cho khách hàng đối với từng vụ việc và mức thù lao, chi phí này phải được đề cập rõ tại Hợp đồng dịch vụ pháp lý để tránh việc khách hàng bị nhầm lẫn hoặc hiểu sai về mức thù lao và chi phí theo thỏa thuận[1].
Bên cạnh đó, nghề luật sư có tính chất định tính hơn là định lượng và khách hàng tìm đến luật sư thường sẽ đặt sự kỳ vọng rất lớn rằng kết quả vụ việc mà luật sư phụ trách sẽ như ý muốn của họ. Tuy nhiên cần làm rõ rằng luật sư không phải là người có thẩm quyền ra quyết định đối với kết quả vụ việc, vì vậy, một trong những quy tắc cơ bản hàng đầu mà luật sư được yêu cầu phải tuân thủ là không được hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng,[2]
Tiếp nhận vụ việc: Xây dựng quan hệ pháp lý giữa Luật sư với khách hàngđúng quy định pháp luật
Khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng luật sư cần nhanh chóng trả lời cho khách hàng có tiếp nhận vụ việc đó không; luật sư chỉ nhận vụ việc theo điều kiện, khả năng chuyên môn của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng[3]. Theo đó, các bên sẽ thương thảo và ký kết Hợp đồng dịch vụ pháp lý một cách cẩn thận và Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải đảm bảo bao gồm đầy đủ các nội quy được yêu cầu theo quy định của Điều 26 Luật Luật sư để việc xác lập quan hệ pháp lý giữa Luật sư với khách hàng là đúng theo quy định pháp luật.
Không nhận các khoản tiền, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận
Theo Điều 9 của Luật Luật sư, hành vi nhận thêm khoản tiền, lợi ích ngoài thù lao và chi phí đã thoả thuận trong hợp đồng là hành vi bị nghiêm cấm. Thay vào đó, luật sư và khách hàng được yêu cầu phải quy định rõ toàn bộ thù lao và chi phí để thực hiện vụ việc tại Hợp đồng dịch vụ pháp lý. Đối với các vụ việc mà phí dịch vụ dựa trên kết quả vụ việc, các bên có thể thỏa thuận cách tính mức thù lao dựa vào tỷ lệ phần trăm của giá trị mà khách hàng thực thu và cũng phải ghi nhận rõ việc này tại Hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Trường hợp Luật sư phải từ chối nhận vụ việc hoặc từ chối tiêp tục thực hiện vụ việc
Trong lĩnh vực luật sư, quyết định từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiêp tục thực hiện vụ việc không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là biện pháp bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như duy trì đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Theo Quy tắc 11, 13 và 15 của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư, luật sư có trách nhiệm từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiêp tục thực hiện vụ việc của khách hang trong một số trường hợp như (i) khách hàng có xung đột về lợi ích theo quy định của pháp luật; hoặc (ii) yêu cầu của khách hàng trái đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật; hoặc (iii) có sự đe dọa, áp lực về vật chất hoặc tinh thần từ khách hàng buộc luật sư phải làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp…
Ngoài ra, một trong những tình huống phổ biến mà luật sư cần lưu ý là trường hợp khách hàng thông qua người khác yêu cầu luật sư, nhưng luật sư biết rõ rằng người này có biểu hiện có biểu hiện lợi dụng tư cách đại diện cho khách hàng để mưu cầu lợi ích không chính đáng làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Trong trường hợp này, luật sư buộc phải từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc. Theo đó, việc từ chối này sẽ ngăn chặn hành vi lạm dụng quyền lợi của người đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Một tình huống khác đòi hỏi sự quyết liệt của luật sư là khi khách hàng yêu cầu dịch vụ pháp lý mà luật sư biết rõ rằng khách hàng có ý định lợi dụng dịch vụ đó cho mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc khách hàng không tự nguyện mà bị phụ thuộc theo yêu cầu của người khác hoặc trường hợp khi khách hàng cung cấp thông tin giả mạo như chứng cứ giả hoặc có những yêu cầu trái đạo đức, hoặc vi phạm điều cấm của pháp luật. Trong những tình huống như vậy, từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiêp tục thực hiện vụ việc trở thành bước quan trọng và bắt buộc để bảo vệ tính chính xác, công bằng và khách quan của hệ thống pháp luật.
Nói chung, từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiêp tục thực hiện vụ việc không chỉ là biện pháp bảo vệ quyền lợi của khách hàng mà còn là sự cam kết của luật sư đối với đạo đức, danh dự, uy tín nghề nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật chính trực và minh bạch.
Ứng xử của Luật sư khi thực hiện vụ việc của khách hàng
Thực hiện vụ việc của khách hàng là một giai đoạn quan trọng trong nghề luật sư, không chỉ đòi hỏi tính chuyên môn trong công việc mà luật sư còn phải thể hiện sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao trong suốt cả quá trình giải quyết vụ việc. Nhằm đảm bảo quan hệ pháp lý giữa luật sư và khách hàng là tốt đẹp cũng như duy trì tính hiệu quả và trách nhiệm của luật sư trong suôt qua trình thực hiện vụ việc của khách hàng, Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam đã quy định rõ các quy tắc mà luât sư cần tuân thủ trong giai đoạn này tại Quy tắc 12 của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Theo đó, luật sư phải tuân thủ 04 nguyên tắc cơ bản khi thực hiện vụ việc của khách hàng. Đầu tiên, luật sư phải chủ động giải quyết vụ việc và thông báo tiến trình giải quyết để khách hàng được biết. Thứ hai, luật sư phải bảo quản tài liệu khách hàng giao theo quy định và có trách nhiệm giữ gìn hồ sơ mà khách hàng giao cho mình. Thứ ba, luật sư cần có ứng xử phù hợp để tránh phát sinh tranh chấp với khách hàng và phải có thái độ đúng mực, tôn trọng khách hang, chủ động thương lượng, hòa giải với khách hàng khi có bất đồng hoặc khiếu nại từ phía khách hàng. Cuối cùng, luật sư cần thông báo rõ ràng khi có sự không thống nhất ý kiến giữa các luật sư có thể gây bất lợi cho khách hang để khách hàng có quyền lựa chọn[4].
Bên cạnh đó, luật sư cũng có quyền từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc nếu có yêu cầu không thỏa đáng từ khách hàng, như theo quy định tại Quy tắc 13 của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư đã phân tích ở mục 4 của bài viết này. Trong trường hợp này, luật sư cần chấm dứt hợp đồng một cách tôn trọng và thông báo cho khách hàng trong thời hạn hợp lý để khách hàng có điều kiện tìm luật sư khác, đồng thời giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết.[5] Có thể thấy, thực hiện vụ việc của khách hàng không chỉ là nhiệm vụ nghề nghiệp mà còn là cơ hội thể hiện phẩm chất đạo đức của một luật sư, đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch và công bằng.
Ứng xử của Luật sư với khách hàng khi kết thúc vụ việc
Khi vụ việc kết thúc, ứng xử của luật sư với khách hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện sự chuyên nghiệp của người cung cấp dịch vụ cũng như giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng nhằm duy trì mối quan hệ pháp lý giữa Luật sư với khách hàng một cách tích cực. Về nguyên tắc, sau khi vụ việc kết thúc, luật sư phải thông báo kết quả thực hiện vụ việc đến khách hàng rõ ràng, thông báo này nên bao gồm các chi tiết về kết quả pháp lý, các bước tiến trình đã thực hiện, và các vấn đề liên quan đến thanh lý hợp đồng theo thỏa thuận trước đó. Bên cạnh đó, luật sư cũng phải tiếp tục giữ bí mật thông tin của khách hàng sau khi vụ việc kết thúc bao gồm thông tin liên quan đến vụ việc cũng như mọi thông tin khác mà Luật sư có được từ quá trình làm việc với khách hàng, trừ trường hợp có sự đồng thuận từ phía khách hàng hoặc theo quy định của pháp luật.[6] Các quy tắc này đều đóng góp vào việc xây dựng niềm tin từ khách hàng và góp phần tạo nên minh bạch trong quan hệ pháp lý giữa Luật sư với khách hàng ở giai đoạn này làm nền tảng cho những cơ hội hợp tác trong tương lai.
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử: Nền tảng quan trọng
Hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế – xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Việc tuân thủ Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư là nền tảng chính để luật sư duy trì chuẩn mực nghề nghiệp và phát huy truyền thống của luật sư. Bên cạnh đó, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư còn là công cụ quan trọng để xử lý hành vi vi phạm và giải quyết khiếu nại, tạo ra một thế hệ luật sư có trách nhiệm và chuyên nghiệp.
Quản lý xung đột và xử lý các tình huống khẩn cấp
Về nguyên tắc, luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc trong trường hợp có xung đột về lợi ích, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật. Xung đột về lợi ích là trường hợp do ảnh hưởng từ quyền lợi của luật sư, nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ, bên thứ ba dẫn đến tình huống luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng. Như vậy, trong quá trình thực hiện công việc được giao, luật sư cần duy trì sự chủ động và khả năng quản lý xung đột về lợi ích. Trường hợp phát hiện có xung đột về lợi ích xảy ra ngoài ý muốn của luật sư thì luật sư cần chủ động thông báo ngay với khách hàng để giải quyết.
Có thể thấy, pháp luật về luật sư đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh quan hệ pháp lý giữa Luật sư với khách hàng trong tất cả các giai đoạn tiếp xúc, làm việc với khách hàng từ đó có thấy việc duy trì sự chuyên nghiệp và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là chìa khóa để đảm bảo sự thành công của cả hai bên góp phần tạo nên giá trị cốt lõi của nghề nghiệp luật sư. Bên cạnh đó, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, cùng với Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật được ban hành theo Quyết định số 203/QĐ-HĐLSTQ ngày 19/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc, không chỉ là công cụ quản lý và xử lý vi phạm, mà còn là bảo vệ cho uy tín và danh dự của nghề luật sư. Điều này không chỉ làm nền tảng cho quá trình xử lý khiếu nại một cách minh bạch và công bằng, đồng thời tạo ra một nền tảng mà cả luật sư và khách hàng có thể tin tưởng và xây dựng mối quan hệ lâu dài.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến quan hệ pháp lý giữa luật sư và khách hàng mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Quy tắc 5,6,7,8 của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư
[2] Quy tắc 9 của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư
[3] Quy tắc 10 của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư
[4] Quy tắc 12 của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư
[5] Quy tắc 14 của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư
[6] Quy tắc 7 và 16 của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư