Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Những Xu Hướng Tài Chính Và Ngân Hàng Đáng Chú Ý Trong Năm 2023

xu-huong-tai-chinh

Những Xu Hướng Tài Chính Và Ngân Hàng Đáng Chú Ý Trong Năm 2023

Mặc dù có một số dấu hiệu tích cực trong tình hình thế giới so với dự báo ban đầu của các tổ chức quốc tế, nhưng về tổng thể, kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với những thách thức khó khăn, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Bài viết Những Xu Hướng Tài Chính Và Ngân Hàng Đáng Chú Ý Trong Năm 2023 dưới đây sẽ giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về những điểm nổi bật trong ngành tài chính và ngân hàng tại Việt Nam trong năm vừa qua.

  1. Những xu hướng tài chính đáng chú ý trong năm 2023

  • Quản lý điều hành chính sách tài khóa mở rộng, hiệu quả

Năm 2023, Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Trong bối cảnh này, nhiều chính sách hỗ trợ đã được triển khai, đặc biệt là các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đây là năm thứ tư liên tiếp, Bộ Tài chính đã đưa ra và thực hiện chính sách hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Các biện pháp hỗ trợ tài chính nổi bật bao gồm việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với đa số mặt hàng có mức thuế suất là 10%. Ước tính số tiền thuế được giảm là khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ còn gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2023 cho doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, dự kiến số tiền được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng. Thêm vào đó, Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 cũng gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, với ước tính số tiền nộp thuế được gia hạn là khoảng 10,4 nghìn tỷ – 11,2 nghìn tỷ đồng.

  • Chuyển đổi số, hướng tới nền tài chính thông minh

Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu về Chỉ số Cải cách Hành chính (PAR Index) với tỷ lệ đạt 89,76%, là năm thứ 9 liên tiếp từ 2014 đến 2022. Bộ Tài chính cũng nằm trong số các bộ dẫn đầu về chỉ số cải cách tài chính công, với tỷ lệ trên 96%. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu “đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số” trong Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030.

Bộ Tài chính tập trung triển khai hiệu quả các hệ thống thông tin lớn, chủ yếu là trong lĩnh vực thuế, hải quan, và kho bạc, liên kết chặt chẽ với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Hệ thống Hóa đơn điện tử trên phạm vi quốc gia đã tiếp nhận và xử lý gần 6,1 tỷ hóa đơn, trong đó có 1,7 tỷ hóa đơn có mã và hơn 4,4 tỷ hóa đơn không mã. Bộ Tài chính cũng triển khai nhiều dự án mới, như Bản đồ số hộ kinh doanh, hệ thống phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế của Bộ Tài chính đã được Bộ Thông tin và Truyền thông vinh danh là một trong 4 dịch vụ công trực tuyến xuất sắc, đặc biệt là “Dịch vụ khai thuế GTGT đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doan”. Kho bạc Nhà nước cũng đã triển khai rộng rãi quy trình thanh toán tự động cho các khoản chi điện, nước, và dịch vụ viễn thông theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách.

  • Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”

Ngày 08/12/2023, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Tổ chức Fitch) nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Việc Tổ chức Fitch nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đối mặt với các thách thức về suy giảm tăng trưởng, kinh tế, thương mại cũng như sự gia tăng các rủi ro về tài chính ở nhiều quốc gia đã thể hiện sự đánh giá hết sức tích cực của cộng đồng quốc tế về nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam thời gian qua nhằm ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế, củng cố nền tảng chính trị – xã hội; nỗ lực của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan trong việc cập nhật thường xuyên và định kỳ truyền tải thông tin về những thành tựu, kết quả trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và cộng đồng nhà đầu tư.Các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố , tháo gỡ, xử lý kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch.

  • Quản lý nợ công chặt chẽ, hiệu quả

Đến cuối năm 2023, quy mô nợ công của Việt Nam ước đạt khoảng 37% của GDP, mức này thấp hơn nhiều so với mức trần 60% mà Quốc hội đã đề ra. Nợ Chính phủ chiếm khoảng 34% GDP, cũng thấp hơn nhiều so với mức trần 50% được xác định. Mức dư nợ này thậm chí còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2023 của các quốc gia được xếp hạng tín nhiệm BB (52,8% GDP) và BBB (54,9% GDP).

Cơ cấu nợ của Việt Nam được đánh giá tích cực, với dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 71% dư nợ Chính phủ, giúp giảm thiểu rủi ro từ biến động tỷ giá. Nợ trong nước chủ yếu là Thư chi trả chậm phát hành có kỳ hạn dài, giúp giảm rủi ro từ vay đảo nợ. Mặt khác, nợ nước ngoài giảm dần trong cơ cấu vay của Chính phủ, với danh mục nợ nước ngoài chủ yếu là các khoản vay có kỳ hạn dài và lãi suất ưu đãi. Điều này góp phần tăng tính bền vững trước những biến động của tỷ giá ngoại tệ trên toàn cầu.

  • Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, tạo mức độ tin tưởng giữa các Tập đoàn đa quốc gia trong việc tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế chủ trì nghiên cứu đánh giá tác động và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Ngày 29/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về thuế tối thiểu toàn cầu. Đây là một bước đi cần thiết và với việc áp dụng từ ngày 01/01/2024, Việt Nam khẳng định vị thế và quyền đánh thuế của quốc gia, góp phần tăng nguồn thu cho NSNN từ phần thu thuế bổ sung, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế và cải cách hệ thống thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.

  1. Những xu hướng ngân hàng đáng chú ý trong năm 2023

  • Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành – lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục

Chính sách tiền tệ của Việt Nam đã đối mặt với áp lực từ việc tăng lãi suất liên tục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều Ngân hàng Trung ương lớn khác trên thế giới trong năm 2023. Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai biện pháp giảm lãi suất, thực hiện chính sách khác biệt bằng cách giảm lãi suất điều hành liên tục trong 4 lần cắt giảm liên tiếp, diễn ra vào các ngày 15/3, 3/4, 25/5 và 19/6.

Qua đó, mức giảm lãi suất điều hành đã là 0,5-2%/năm. Hiện tại, lãi suất tái cấp vốn giảm còn 4,5%/năm và lãi suất tái chiết khấu là 3%/năm. Trần lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm.

Trái với sự căng thẳng thanh khoản khiến lãi suất tiền gửi tăng cao vào cuối năm 2022, từ quý 2/2023, đã diễn ra một đảo ngược mạnh mẽ. Nếu so với mức lãi suất ban đầu ở mức 9-10%/năm, lãi suất hiện chỉ còn quanh mức 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mặc dù lãi suất huy động tại các ngân hàng lớn giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi tiền mạnh mẽ, đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 9/2023, tăng 9,95% so với đầu năm.

Với kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, lãi suất huy động hiện nay cũng thấp hơn rất nhiều so với mức trần quy định. Chẳng hạn như tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 1,9%/năm và kỳ hạn 3 tháng là 2,2%/năm.

  • Ngân hàng thừa tiền – tín dụng chỉ tăng 11%

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng nhiều lần, khẳng định rằng năm 2023 đặt ra những thách thức khó khăn chưa từng có trong việc điều hành. Tình hình kinh tế toàn cầu cùng với những khó khăn nội địa đã làm giảm mạnh nhu cầu vay vốn của cả người dân và doanh nghiệp. Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực đẩy mạnh cung ứng vốn vào nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì ở mức rất thấp. Theo số liệu mới nhất tính đến ngày 20/12, tín dụng toàn bộ nền kinh tế chỉ tăng 10,85% so với đầu năm, mặc dù có sự cải thiện đáng kể trong giai đoạn cuối năm, nhưng vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng 14% mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra cho hệ thống.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh về mức tín dụng vào cuối tháng 11, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Sự tăng trưởng chậm của tín dụng cũng đã dẫn đến tình trạng dư thừa thanh khoản lớn trong hệ thống. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động trên thị trường đều đã giảm sâu trong năm vừa qua. Lãi suất cho vay cũng có sự giảm nhưng với độ trễ, lãi suất cho vay bình quân đối với cả khoản vay mới và cũ vẫn giữ ở mức 8,3-10,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm.

  • Kế hoạch kinh doanh giảm sút, nợ xấu tăng mạnh

Bức tranh về kết quả kinh doanh của các ngân hàng đang trải qua sự phân hóa, tuy nhiên, tổng thể có vẻ “sắc xám” là chủ đạo. Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm 2023, 16/28 ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank, BIDV đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về lợi nhuận. Ngược lại, một số ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, VPBank báo cáo lợi nhuận thấp hơn so với cùng kỳ. Cùng lúc đó, nhiều ngân hàng nhỏ như ABBank, VietABank, BacABank, PGBank, và một số ngân hàng tầm trung như TPBank, SeAbank, Eximbank đều ghi nhận sụt giảm về lợi nhuận.

Một điểm đáng chú ý là nợ xấu có xu hướng tăng mạnh trở lại do khả năng thanh toán của khách hàng giảm sút, không kể đến các biện pháp như giãn nợ, cơ cấu nợ đã được thực hiện. Đến cuối tháng 9/2023, chỉ có một ngân hàng trên sàn chứng khoán duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, đó là BacABank. Ngược lại, tỷ lệ nợ xấu tại những ngân hàng hàng đầu về chất lượng tài sản như ACB, Techcombank, Vietcombank, sau nhiều năm duy trì dưới 1%, đã vượt mốc này trong năm 2023. Đồng thời, đa số ngân hàng cũng ghi nhận tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu giảm sút trong năm nay.

  • Siết tỷ lệ vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn về 30%

Quy định mới theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN, được Ngân hàng Nhà nước ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/10, đã điều chỉnh tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng từ 34% xuống còn 30%. Điều này sẽ tạo ra một số ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động của các ngân hàng.

Quy định này sẽ tạo áp lực lên nhu cầu huy động vốn kỳ hạn dài, làm tăng chi phí vốn và gây áp lực thu hẹp biên lãi ròng (NIM) đối với ngân hàng. Tuy nhiên, trong dài hạn, chủ trương này hỗ trợ lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và đảm bảo thanh khoản cho hệ thống.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, quy định mới này cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp bất động sản và các ngân hàng chuyên cung cấp vốn cho lĩnh vực này, do đặc tính của các khoản vay thường có kỳ hạn dài. Do đó, ngân hàng sẽ cần tìm kiếm các giải pháp để tăng cường nguồn vốn dài hạn, có thể thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc tìm kiếm nguồn vốn từ thị trường quốc tế.

  • Ngân hàng nhà nước nỗ lực ghìm cương tỷ giá

Sau giai đoạn tương đối ổn định trong nửa đầu năm, tỷ giá USD/VND đã trải qua những biến động mạnh trong quý III và đầu quý IV. Đến cuối tháng 11, giá USD tại nhiều ngân hàng đã đạt đến mức 24.750 đồng khi bán ra, tăng 4,3% so với đầu năm và chỉ còn cách 0,6% so với mức đỉnh thiết lập vào quý 4 năm 2022.

Tỷ giá USD/VND trong nước đang phải đối mặt với áp lực lớn do chỉ số DXY – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh – đã có chuỗi tăng điểm dài nhất trong gần một thập kỷ, đạt mức 107 vào đầu quý 4, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện sự cứng rắn trong cuộc họp chính sách tháng 9.

Bên cạnh áp lực từ thị trường quốc tế, các yếu tố liên quan đến cung – cầu USD ngắn hạn và chênh lệch lãi suất USD – VND được cho là nguyên nhân chính khiến tỷ giá tăng mạnh. Để giảm bớt áp lực này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào ngày 21/9, sau hơn 6 tháng tạm ngừng. Động thái này nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn và đồng thời thúc đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giảm chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND.

Với sự hạ nhiệt của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định dừng phát hành tín phiếu mới từ đầu tháng 12 và tiến hành bơm trả lượng thanh khoản VND đã hút về trong thời gian trước đó. Hành động này thể hiện sự linh hoạt và điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với điều kiện thị trường tại từng giai đoạn.

  • Đẩy mạnh chuyển đổi số

Nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt hơn nhờ tích cực huyển đổi số, giảm tỉ lệ chi phí trên thu nhập, (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỉ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới chuyển đổi số; khoảng 74,63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng; 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Những Xu Hướng Tài Chính Và Ngân Hàng Đáng Chú Ý Trong Năm 2023 mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.