Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

HƯỚNG DẪN CÁC BƯỚC CHẤM DỨT DỰ ÁN ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI

dau-tu-ra-nuoc-ngoai

HƯỚNG DẪN CÁC BƯỚC CHẤM DỨT DỰ ÁN ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các doanh nghiệp ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra nước ngoài. Tuy nhiên, không phải mọi dự án đầu tư đều đạt được thành công như mong đợi. Khi đó, việc chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài trở thành một quyết định cần thiết và quan trọng để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp. Bài viết “Hướng dẫn các bước chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài” sẽ cung cấp cho các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp những kiến thức cần thiết về quy trình chấm dứt một dự án đầu tư quốc tế. Qua đó, giảm thiểu rủi ro và tổn thất, đồng thời đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trong quá trình rút lui khỏi thị trường nước ngoài.

Dự án đầu tư ra nước ngoài là gì?

Dự án đầu tư ra nước ngoài là dự án mà nhà đầu tư trong nước tiến hành hoạt động đầu tư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật của nước đó và pháp luật của Việt Nam. Điều này có nghĩa là một dự án đầu tư ra nước ngoài được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước (nhà đầu tư Việt Nam) theo các quy định và luật lệ của cả nước sở tại và của Việt Nam.

Chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài là quá trình kết thúc và giải quyết mọi hoạt động liên quan đến một dự án đầu tư mà doanh nghiệp đã triển khai tại quốc gia khác. Mục tiêu của việc chấm dứt dự án là đảm bảo việc rút lui khỏi thị trường nước ngoài diễn ra một cách hợp pháp, có tổ chức và tối ưu hóa lợi ích cho doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu các rủi ro và tổn thất có thể phát sinh trong quá trình này.

Trước khi thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài nhà đầu tư cũng cần lưu ý về nghĩa vụ thanh lý dự án đầu tư và chuyển tài ản về Việt Nam. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, ngay sau khi kết thúc hoạt động đầu tư vì lý do chấm dứt dự án đầu tư, nhà đầu tư cần (i) thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư; và có trách nhiệm (ii) chuyển về Việt Nam toàn bộ các khoản thu từ việc thanh lý dự án đầu tư trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư liên quan đến việc hoàn tất thanh lý dự án đầu tư.

Sau đó, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hoàn tất việc thanh lý dự án đầu tư tại nước ngoài và chuyển về nước toàn bộ các khoản thu từ việc thanh lý dự án đầu tư (nếu có), nhà đầu tư làm thủ tục chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như chúng tôi phân tích sau đây.

Các bước chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài

Nhà đầu tư có quyền quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư khi dự án gặp phải các tình huống như khoản 1 Điều 64 của Luật Đầu tư 2020:

  • Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư: nhà đầu tư tự quyết định việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư dựa trên các yếu tố như lợi nhuận không đạt kỳ vọng, thay đổi chiến lược kinh doanh hoặc các lý do khác;
  • Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư: mỗi dự án đầu tư thường có một thời hạn hoạt động nhất định được quy định bởi pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư. Khi hết thời hạn này, dự án sẽ tự động chấm dứt hoạt động;
  • Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;
  • Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài;
  • Quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và không thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư: nếu nhà đầu tư không thực hiện dự án trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận hoặc không điều chỉnh tiến độ dự án, giấy chứng nhận sẽ chấm dứt hiệu lực;
  • Tổ chức kinh tế ở nước ngoài bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư; hoặc
  • Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.

Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư tại nước ngoài theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư và thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Hồ sơ chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài thực hiện theo theo khoản 1 Điều 87 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư cần nộp 02 bộ Hồ sơ đề nghị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) gồm các tài liệu sau:

  • Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Bản gốc các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đã cấp;
  • Quyết định chấm dứt dự án đầu tư tại nước ngoài;
  • Tài liệu chứng minh nhà đầu tư đã hoàn thành việc kết thúc, thanh lý dự án và chuyển toàn bộ tiền, tài sản, các khoản thu từ kết thúc, thanh lý dự án về nước; và
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầ

Các bước chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài

  • Bước 1: nộp 01 bộ Hồ sơ đề nghị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT được sửa đổi bởi Thông tư 25/2023/TT-BKHĐT quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại việt nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  • Bước 2: Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc có nội dung cần được làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình giao dịch ngoại hối của nhà đầu tư; việc chấp hành quy định của pháp luật về ngoại hối của nhà đầu tư và các vi phạm và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền (nếu có).
  • Bước 3: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định chấm dứt hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài gửi nhà đầu tư, đồng thời sao gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính hoặc đăng ký thường trú, cơ quan thuế nơi xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu của nhà đầu tư (nếu có).

Trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài do nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư phải thông báo với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước khi thực hiện việc chuyển toàn bộ vốn đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài và chấm dứt dự án.

Chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài là một quy trình phức tạp và đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật của Việt Nam lẫn pháp luật nước tiếp nhân đầu tư. Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cũng như đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp của quá trình này, Nhà đầu tư cần nắm vững các quy định liên quan và thực hiện đúng quy trình được yêu cầu để việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư ra nước ngoài tiến hành một cách suôn sẻ và hợp pháp.

Trên đây là một số chia sẻ của Phước và Các Cộng Sự về Một Số Điều Lưu Ý Khi Thành Lập Công Ty Vốn Nước Ngoài Tại Việt Nam đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.