Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI BỞI TÒA ÁN HAY TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

tranh-chap-kinh-doanh

Giải Quyết Tranh Chấp Kinh Doanh Thương Mại Bởi Tòa Án Hay Trọng Tài Thương Mại

Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác[1]. Theo đó, tranh chấp kinh doanh thương mại được hiểu là những mâu thuẫn, bất đồng xảy ra giữa các bên trong quá trình tham gia vào các hoạt động thương mại. Câu hỏi đặt ra là Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bởi tòa án hay trọng tài thương mại tại Việt Nam. Bài viết này sẽ đưa ra các ưu và nhược điểm của việc Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bởi tòa án hay trọng tài thương mại tại Việt Nam,để bạn đọc tham khảo.

  1. Ưu, nhược điểm của việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bởi tòa án

Ưu điểm:

  • Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật được đảm bảo thi hành bởi cơ quan thi hành án.
  • Chi phí giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bởi Tòa án thấp hơn so với trọng tài. Mức án phí của Tòa án được quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

Nhược điểm

  • Trình tự, thủ tục xét xử tại Tòa án không linh hoạt và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thời gian giải quyết tranh chấp trên thực tế kéo dài, một số vụ tranh chấp có thể trải qua nhiều cấp xét xử.
  • Bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm[2].
  • Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bởi tòa án là pháp luật Việt Nam. Các bên không có quyền lựa chọn địa điểm, ngôn ngữ và thành phần hội đồng xét xử để giải quyết tranh chấp.
  • Nguyên tắc tòa án xét xử công khai cũng gây bất lợi không nhỏ đến uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường cũng như các bí mật kinh doanh của họ.
  • Việc công nhận và thi hành bản án của tòa án Việt Nam tại nước ngoài được thực hiện dựa trên các hiệp định song phương về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước hoặc nguyên tắc có đi có lại. Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam mới ký được khoảng 16 hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự với một số quốc gia và vùng lãnh thổ nên việc công nhận và cho thi hành bản án của tòa án Việt Nam tại nước ngoài sẽ chủ yếu phụ thuộc vào nguyên tắc có đi có lại.
  1. Ưu, nhược điểm của giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bởi trọng tài thương mại

Ưu điểm:

  • Phán quyết trọng tài là chung thẩm[3], có giá trị thi hành ngay.
  • Các bên có quyền thoả thuận, lựa chọn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ, trung tâm trọng tài hay trọng tài vụ việc, thành phần và số lượng của hội đồng trọng tài, luật áp dụng giải quyết tranh chấp và các quy tắc tố tụng trọng tài. Do đó, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được thực hiện nhanh chóng, linh hoạt, giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu thiệt hại phát sinh có thể trong quá trình giải quyết tranh chấp.
  •   Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không tiến hành công khai nên đảm bảo tính bảo mật thông tin, giữ gìn được uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường.
  • Phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam được công nhận ở nhiều quốc gia theo Công ước New York 1958 (khoảng 156 quốc gia và vùng lãnh thổ).

Khuyết điểm

  • Phán quyết trọng tài được thi hành trên cơ sở tự nguyện. Trong trường hợp bên phải thi hành phán quyết không tự nguyên thi hành thì bên được thi hành phán quyết trọng tài phải thực hiện thêm thủ tục yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại. Bên cạnh đó, phán quyết trọng tài có thể bị xem xét hủy bởi tòa án khi có yêu cầu của một bên.
  • Việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ và triệu tập nhân chứng của trọng tài găp nhiều khó khăn nếu không có sự tự nguyện và thiện chí của các bên liên quan.
  • Chi phí cho tố tụng bằng trọng tài cao hơn tòa án.

Trên đây là nội dung khái quát về Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bởi tòa án hay trọng tài thương mại. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật tư vấn và hỗ trợ về việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 3.1 Luật Thương mại 2005

[2] Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

[3] Điều 4.5 Luật Trọng tài thương mại 2010