Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

DỊCH VỤ TƯ VẤN THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY LIÊN DOANH TẠI VIỆT NAM

thanh-lap-cong-ty-lien-doanh

DỊCH VỤ TƯ VẤN THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY LIÊN DOANH TẠI VIỆT NAM

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là vấn đề được quan tâm hàng đầu và trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam những năm gần đây. Không thể phủ nhận, kể từ khi đổi mới từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang mô hình nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước, Việt Nam đã trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất ưa chuộng hình thức đầu tư bằng việc thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam để tận dụng thế mạnh sẵn có của các đối tác tại Việt Nam và giảm rủi ro cho mình so với việc sở hữu toàn bộ phần vốn góp của doanh nghiệp.

Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc có thông tin hữu ích và cái nhìn sơ bộ về cách thức thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam để cân nhắc và thực hiện.

  1. Công ty liên doanh là gì?

Trên thực tế, pháp luật hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể về thế nào là công ty liên doanh. Tham khảo quy đinh của Luật đầu tư 2005 (đã hết hiệu lực ngày 1/7/2015), công ty liên doanh có thể hiểu là doanh nghiệp do nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Công ty liên doanh được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần và mỗi nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn cam kết góp vào vốn pháp định của công ty liên doanh.

Tuy nhiên, Luật đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay không còn quy định về việc thành lập công ty liên doanh mà gọi với một tên chung là “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”[1]. Như vậy, thủ tục thành lập công ty liên doanh chính là thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

  1. Thủ tục thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam

Các điều kiện thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam

Các nhà đầu tư cần xem xét một số điều kiện như sau để xác định xem mình có được phép thành lập công ty liên doanh trong các lĩnh vực mục tiêu của mình hay không:

– Về danh mục ngành, nghề: Điều 15 và Mục A, Phụ lục I của Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư liệt kê các ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, có thể kể đến như các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại, hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức và đánh bắt hoặc khai thác hải sản. Ngoài ra, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cần lưu ý đến các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020. Khi này, các nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng một số điều kiện nhất định để được kinh doanh trong ngành đó.

– Về tài chính: pháp luật Việt Nam không có yêu cầu chung về số vốn tối thiểu đối với công ty liên doanh hay tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một số ngành nghề đặc thù sẽ yêu cầu các nhà đầu tư phải đáp ứng mức vốn pháp định, đơn cử như lĩnh vực Bảo hiểm, nếu thành lập công ty liên doanh là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, công ty liên doanh này phải có mức vốn pháp định từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên (theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 12/VBHN-BTC quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm). Nhìn chung, năng lực tài chính của các nhà đầu tư phải tương ứng với số vốn cam kết đầu tư vào dự án, tức là nhà đầu tư phải có khả năng chi trả đủ với số vốn đã cam kết.

– Về chủ thể tham gia: là pháp nhân của Việt Nam và được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành về doanh nghiệp tại Việt Nam như Luật Doanh nghiệp 2020. Nếu chủ thể tham gia thành lập công ty liên doanh là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì cần đáp ứng thêm các điều kiện tại Điều 23 Luật Đầu tư năm 2020, Chương V Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ uy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2020.

Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

         2.2.1. Đăng ký và xin chấp thuận chủ trương đầu tư (trong trường hợp dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư)

Điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư năm 2020 đã liệt kê các dự án đầu tư phải được sự chấp thuận từ cơ quan thẩm quyền. Nếu dự án thuộc diện xin chấp thuận chủ trương đầu tư, các nhà đầu tư phải tiến hành xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Cơ quan Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thành phần hồ sơ xin thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020 và cụ thể hơn tại Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, trong thời hạn đã được quy định kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hồ sơ hợp lệ.

          2.2.2. Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Nếu là nhà đầu tư nước ngoài, sau khi đáp ứng đủ các điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư năm 2020 quy định cụ thể về các trường hợp phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có đối tượng là dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Điều 35, 36 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định, với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Với các dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng vẫn có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có thể nộp các văn bản cần thiết cho cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

Điều đáng lưu ý là thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể mất nhiều thời gian hơn thời gian dự kiến vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khách quan.

Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo pháp luật Việt Nam, các mô hình liên doanh đều dẫn đến việc phải thành lập doanh nghiệp để thực hiện hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp có thể áp dụng các loại hình doanh nghiệp như sau: Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên hoặc một Công ty hợp danh trong trường hợp các bên tham gia liên doanh chỉ là cá nhân. Mỗi bên chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp vào vốn điều lệ của công ty.

Sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có thể tiếp tục thủ tục  thành lập công ty liên doanh. Nhà đầu tư sẽ xem xét và lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu kinh doanh và quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên hoặc một Công ty hợp danh. Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ đầu tư cần thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Trình tự đăng ký doanh nghiệp được quy định chi tiết tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Chủ đầu tư sẽ dựa trên loại hình doanh nghiệp đã lựa chọn để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp phù hợp. Sau khi nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, nếu hồ sơ đủ các điều kiện theo khoản 2 Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ sẽ được tiếp nhận. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu doanh nghiệp liên doanh có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Dịch vụ tư vấn thủ tục thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 3.22 Luật Đầu tư 2020