Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Chiến Lược Thành Công Trong Quá Trình Mua Bán và Sáp Nhập Doanh Nghiệp

sap-nhap-doanh-nghiep

Chiến Lược Thành Công Trong Quá Trình Mua Bán và Sáp Nhập Doanh Nghiệp

Trong kinh doan, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Đối với chủ doanh nghiệp, quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp không chỉ là một nước đi kinh doanh mà còn là một phần không thể thiếu của chiến lược tăng trưởng của mỗi tổ chức. Trong bài viết này, Phước và Các Cộng Sự sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu những yếu tố chính và những rủi ro cần tránh để xây dựng chiến lược thành công trong quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, từ việc nắm bắt cơ hội đến quản lý rủi ro và tối ưu hóa giá trị doanh nghiệp.

Những yếu tố chính để xây dựng một chiến lược thành công trong quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.

  1. Nghiên cứu và đánh giá doanh nghiệp mục tiêu một các kỹ lưỡng:

Bước đầu tiên trong quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp luôn là việc xác định doanh nghiệp mục tiêu. Để việc xác định mục tiêu trở nên thuận tiện và chính xác hơn, doanh nghiệp sáp nhập cần phải nghiên cứu và đánh giá chính xác các yếu tố sau của doanh nghiệp mục tiêu:

  • Năng lực kinh doanh
  • Tình hình tài chính
  • Bộ máy nhân sự
  • Quy trình vận hành kinh doanh
  • Các nghĩa vụ pháp lý còn tồn đọng
  1. Xác định đội ngũ thực hiện:

Các quy trình, thủ tục cần thiết để tiến hành việc mua bán, sáp nhập thường kéo dài và đòi hỏi sự phối hợp từ cả hai doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc lựa chọn một đội ngũ nhân sự từ các phòng ban liên quan để phối hợp thực hiện, đảm bảo sự giao tiếp hiệu quả và sự nhanh chóng trong việc thông qua các tài liệu nội bộ là rất cần thiết, giúp cả hai doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế các rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện.

Thông thường, đội ngũ này sẽ bao gồm đại diện từ nhiều phòng ban tuy nhiên chủ yếu được thực hiện bởi bộ phận pháp lý, kế toán, nhân sự và chủ sở hữu của hai doanh nghiệp. Để thuận tiện, nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập chỉ định những bên thứ ba như các văn phòng, công ty luật để thực hiện quy trình này thay vì phải phân bổ nguồn lực nội bộ.

  1. Quản lý mối quan hệ, việc phối hợp và tính tương thích giữa hai doanh nghiệp:

Trong quá trình mua bán, sáp nhập, sự khác biệt giữa hai doanh nghiệp sẽ dẫn đến những hiểu lầm và tranh chấp không thể tránh khỏi. Để hạn chế điều này, trong quá trình thỏa thuận tiến tới sáp nhập và mua bán, hai doanh nghiệp cần nêu rõ những cá nhân, bộ phận, các bên có trách nhiệm đối với từng quá trình, từng mục tiêu của quá trình. Từ đó đảm bảo mối quan hệ hợp tác tiến tới mua bán, sáp nhập được thuận lợi.

Ngoài ra, việc phối hợp và sự tương tích của hai cấu trúc nội bộ khác nhau cũng là một bài toán nan giải đối với quá trình mua bán và sáp nhập. Trên thực tế, các doanh nghiệp mới bị sáp nhập phải mất một khoảng thời gian tương đối để thích ứng với cấu trúc, quy trình quản lý, vận hành mới, từ đó, nhiều doanh nghiệp sau khi bị sáp nhập vẫn được giữ nguyên cấu trúc và chỉ thực hiện chuyển dịch cơ cấu sau từ 6 tháng đến một năm. Những giải pháp trên nhằm đảm bảo mối quan hệ, sự phối hợp, tính tương thích giữa nhân sự cũ và mới, giữa quy trình vốn có và quy trình sau mua bán, sáp nhập.

  1. Quản lý các rủi ro pháp lý:

Bên cạnh những nhân tố kể trên, việc mua bán và sáp nhập giữa hai doanh nghiệp luôn tiềm ẩn các rủi ro pháp lý như: các vấn đề về thuế, việc chuyển quyền sở hữu tài sản giữa hai doanh nghiệp, các tranh chấp liên quan đến cạnh tranh, các vấn đề pháp lý về nhân sự và lao động,… Để hạn chế các rủi ro này, ngoài việc xác minh, làm rõ doanh nghiệp mục tiêu, bên nhận sáp nhập cần phải phối hợp làm rõ và yêu cầu doanh nghiệp bị sáp nhập giải quyết các nghĩa vụ pháp lý còn tồn đọng như một phần trong quá trình thỏa thuận về việc mua bán và sáp nhập.

  1. Đưa ra lộ trình cụ thể:

Tổng hợp những yếu tố trên, để đưa ra một chiến lược thành công trong quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, hai bên cần thống nhất để đưa ra một lộ trình cụ thể với từng nội dung công việc cũng như giới hạn về khung thời gian cho từng giai đoạn của việc mua bán và sáp nhập.

Những rủi ro cần tránh để có một chiến lược thành công trong quá trình mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

  1. Sai lầm trong đánh giá và định giá doanh nghiệp mục tiêu

Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, việc đánh giá và định giá doanh nghiệp mục tiêu có thể sai lệch rất nhiều so với giá trị của doanh nghiệp đó trên thực tế. Những sai lầm này đến từ nhiều nhân tố tuy nhiên trên thực tế, các nhân tố phổ biến thường bao gồm:

  • Sự gian dối hoặc thiếu minh bạch trong việc công khai các số liệu kinh doanh, sổ sách tài chính và các tài sản của doanh nghiệp mục tiêu;
  • Việc định giá căn cứ trên tình hình kinh doanh đưa giá trị của doanh nghiệp mục tiêu lên quá cao;
  • Chỉ định giá dựa trên khía cạnh tài chính mà bỏ qua các yếu tố khác như uy tín thương hiệu, mối quan hệ khách hàng,…; và
  • Không xem xét chi phí tái cơ cấu khiến chi phí tái cơ cấu quá cao làm giảm hoặc mất giá trị của việc mua bán, sáp nhập.
  1. Thiếu sự tương xứng lợi ích dẫn tới sự phối hợp giữa các bên không hiệu quả

Nhiều doanh nghiệp trong quá trình mua bán, sáp nhập thường dựa vào lợi thế của mình để đưa ra yêu sách, đòi hỏi, chèn ép những bên còn lại trong giao dịch nhằm thu về lợi ích lớn nhất trong quá trình. Tuy nhiên, điều này có thể làm giảm thiện chí, dẫn đến việc sự hợp tác, phối hợp trong các bước của quá trình mua bán, sáp nhập trở nên thiếu hiệu quả. Từ đó dẫn đến hậu quả tất yếu là sự trì hoãn, kéo dài của quá trình mua bán, sáp nhập, làm giảm lợi ích của cả hai bên. Thậm chí, trong một vài trường hợp có thể dẫn tới việc thương vụ mua bán, sáp nhập bị chấm dứt; gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho cả hai bên.

  1. Thiếu kế hoạch tái cơ cấu hoặc tái cơ cấu không hiệu quả

Như đã phân tích ở trên, để bộ máy của doanh nghiệp bị sáp nhập vận hành một cách trơn tru, hiệu quả và phù hợp với quy trình của doanh nghiệp nhận sáp nhập, cần một khoảng thời gian và một quá trình chuyển dịch hợp lý. Vì vậy, nếu không lên kế hoạch một cách chi tiết và tỉ mỉ, thì quá trình này sẽ diễn ra chậm chạp, không hiệu quả, dẫn tới thất thoát về tài chính cũng như nhân lực.

Như vậy, các yếu tố then chốt và các rủi ro cần tránh đều là những điều mà một doanh nghiệp cần cân nhắc, xem xét tới trong giai đoạn hoạch định để đưa ra một chiến lược thành công trong quá trình mua bán, sáp nhập. Nếu Quý Công ty gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý Công ty.