Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

CÁC THỦ TỤC CẦN CÓ KHI THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI

CÔNG-TY-CÓ-VỐn-NƯỚC-NGOÀI

CÁC THỦ TỤC CẦN CÓ KHI THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI

Theo dữ liệu từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (“UNCTAD”), đầu tư trực tiếp nước ngoài (“FDI”) ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vốn là động lực đầu tư chính toàn cầu, ghi nhận mức giảm 9%, trong đó giảm 6% ở Trung Quốc, giảm 47% ở Ấn Độ và giảm 16% ở ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia vẫn duy trì mức tăng trưởng FDI ấn tượng trong suốt năm 2023 với mức tăng lần lượt là 32,1%, 42% và 13,7%, trong đó Việt Nam đứng đầu bảng về lượng FDI được ghi nhận.

Công ty có vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của nền kinh tế Việt Nam. Với vốn đầu tư quốc tế, các công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam có thể tham gia các hoạt động kinh doanh từ đó tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động và thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề khác nhau của Việt Nam.

Thủ tục thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam là một thủ tục khá phức tạp và đòi hỏi có nhiều yếu tố cần xem xét. Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc hiểu hơn về thủ tục thành lập công ty có vốn nước ngoài.

  1. Công ty có vốn nước ngoài là gì?

Hiện nay, Luật đầu tư năm 2020 đã không còn khái niệm công ty có vốn nước ngoài. Cụm công ty có vốn nước ngoài đã được thay thế bằng cụm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Theo khoản 22 Điều 3 Luật đầu tư năm 2020, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Như vậy, có thể hiểu công ty có vốn nước ngoài là công ty được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và trong đó có ít nhất một nhà đầu nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

  1. Các thủ tục cần có khi thành lập công ty có vốn nước ngoài

  • Các điều kiện để thành lập công ty có vốn nước ngoài

Về ngành, nghề nhà đầu tư lựa chọn: một số ngành, nghề yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường khi thành lập công ty có vốn nước ngoài. Nhà đầu tư cần xem xét Điều 9 Luật đầu tư năm 2020 và Điều 15 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư để biết được những ngành, nghề nào là chưa được tiếp cận thị trường hoặc được phép tiếp cận thị trường nhưng đi kèm với điều kiện. Có thể nói nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép tham gia các ngành, nghề được nhà nước cho phép đầu tư và không được tham gia những ngành, nghề không được đầu tư.

Về năng lực tài chính của các nhà đầu tư: để đưa ra được quyết định đầu tư chuẩn xác, việc đánh giá năng lực tài chính của các nhà đầu tư là rất cần thiết. Theo điểm c khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư năm 2020, để được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải cung cấp tài liệu chứng minh năng lực tài chính của mình. Tuy nhiên, yêu cầu về năng lực tài chính là khác nhau phụ thuộc vào quy định riêng, cụ thể đối với từng ngành, nghề.

Về điều kiện chủ thể – nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài: theo Luật đầu tư năm 2020, nhà đầu tư trong nước có thể là cá nhân mang quốc tịch Việt Nam hoặc tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài hoặc tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài, tức là nhà đầu tư đến từ bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đầu tư tại Việt Nam nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định.

2.2. Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

2.2.1. Đăng ký và xin chấp thuận chủ trương đầu tư (trong trường hợp dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư)

Điều 30, 31 và 32 Luật đầu tư năm 2020 đã liệt kê các dự án đầu tư phải được sự chấp thuận từ cơ quan thẩm quyền. Nếu dự án thuộc diện xin chấp thuận chủ trương đầu tư, các nhà đầu tư phải tiến hành xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Cơ quan Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thành phần hồ sơ xin thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 33 Luật đầu tư năm 2020 và cụ thể hơn tại Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, trong thời hạn đã được quy định kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ gồm các nội dung cần được thẩm định. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hồ sơ hợp lệ.

2.2.2. Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Nếu là nhà đầu tư nước ngoài, sau khi đáp ứng đủ các điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khoản 1 Điều 37 Luật đầu tư năm 2020 quy định cụ thể về các trường hợp phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có đối tượng là dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Điều 35, 36 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định, với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư phải cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Với các dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng vẫn có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có thể nộp các văn bản cần thiết cho cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

Điều đáng lưu ý là thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể mất nhiều thời gian hơn thời gian dự kiến vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khách quan.

2.3. Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Doanh nghiệp có thể áp dụng các loại hình công ty có vốn nước ngoài như sau: Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên hoặc một Công ty hợp danh trong trường hợp các bên tham gia liên doanh chỉ là cá nhân. Mỗi bên chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp vào vốn điều lệ của công ty.

Sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có thể tiếp tục thủ tục  thành lập công ty có vốn nước ngoài. Nhà đầu tư sẽ xem xét và lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu kinh doanh và quy định của pháp luật Việt Nam. Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ đầu tư cần thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Trình tự đăng ký doanh nghiệp được quy định chi tiết tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Chủ đầu tư sẽ dựa trên loại hình doanh nghiệp đã lựa chọn để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp phù hợp. Sau khi nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, nếu hồ sơ đủ các điều kiện theo khoản 2 Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ sẽ được tiếp nhận. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu công ty có vốn nước ngoài có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật doanh nghiệp năm 2020.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Các thủ tục cần có khi thành lập công ty có vốn nước ngoài mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.