Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

8 điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 sửa đổi

luat-thanh-tra

8 điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 sửa đổi

Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 để thay thế Luật Thanh tra năm 2010. Luật Thanh tra năm 2022 bao gồm 8 chương và 118 điều. Dưới đây là những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022, các bạn cùng tham khảo nhé!

Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành

Theo Điều 18 Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong 03 trường hợp sau đây: Theo quy định của luật; Theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở

Tại khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây: Theo quy định của luật; Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Như vậy, UBND cấp tỉnh đã được giao quyền chủ động thành lập thanh tra sở nhưng việc thành lập phải căn cứ theo luật định.

Luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra

Cụ thể tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên bao gồm thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung được quy định tại Điều 32 Luật Thanh tra năm 2010 mà còn tuân theo các Điều 6, 7 và 8 Nghị định 97/2011/NĐ-CP tương ứng với từng ngạch.

Đối với Luật Thanh tra năm 2022, tiêu chuẩn chung của các ngạch thanh tra viên chính là tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (Điều 39) và các ngạch còn lại (thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp) sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn riêng (Điều 40 và Điều 41).

Bên cạnh đó, Luật Thanh tra năm 2022 cũng đã bỏ quy định cộng tác viên thanh tra.

Quy định mới về các trường hợp miễn nhiệm Thanh tra viên

Theo khoản 1 Điều 42 Luật Thanh tra năm 2022, việc miễn nhiệm Thanh tra viên được thực hiện trong trường hợp sau đây:

– Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành;

– Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao;

– Bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

– Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 Luật Thanh tra năm 2022;

– Không hoàn thành nhiệm vụ 01 năm ở ngạch được bổ nhiệm;

– Người được bổ nhiệm vào ngạch có hành vi gian lận trong kỳ thi nâng ngạch hoặc kê khai không trung thực trong hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch;

– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Như vậy, các trường hợp trên được luật hóa trên cơ sở đã có nội dung quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 97/2011/NĐ-CP và cũng có sự thay đổi về quy định liên quan.

Phải có sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra

Tại Chương VI Luật Thanh tra năm 2022, quy định về việc phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra.

Cụ thể, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan điều tra có trách nhiệm phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý nhà nước.

Sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra

Việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra đã được quy định tại Điều 98 Luật Thanh tra năm 2022 với nội dung như sau:

(1) Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra.

(2) Việc chấp hành chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; việc thực hiện quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo.

(3) Việc chấp hành quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động của Đoàn thanh tra.

Các nội dung trên được luật hóa dựa trên cơ sở của nội dung tại Điều 30 Thông tư 06/2021/TT-TTCP nhưng đã giảm đi 01 nội dung giám sát.

Về công khai kết luận thanh tra

Theo Điều 42 Luật Thanh tra năm 2022 quy định về việc công khai và hình thức công khai Kết luận thanh tra cụ thể như sau:

– Kết luận thanh tra phải công khai toàn văn, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật khác theo quy định của pháp luật.

– Đối với hình thức đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp được quy định là hình thức bắt buộc (trước đây là hình thức không bắt buộc, được quyền lựa chọn).

Không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra năm 2022

Luật Thanh tra năm 2010, chế định thanh tra nhân dân được quy định tại một chương cụ thể (Chương VI) với 10 Điều luật liên quan. Theo đó, thanh tra nhân dân được tổ chức dưới hình thức Ban thanh tra nhân dân. Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Luật Thanh tra năm 2022, các quy định của thanh tra nhân dân đã không còn trong luật và đã được điều chỉnh tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua cùng với Luật Thanh tra năm 2022 và cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Trên đây là 8 điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 sửa đổi mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý này, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.