Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

10 điểm cần lưu ý khi điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

dang-ky-dau-tu

10 điểm cần lưu ý khi điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của bất cứ quốc gia nào. Các dự án đầu tư không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn mang lại nhiều lợi ích xã hội quan trọng. Để thực hiện các dự án này, nhà đầu tư nước ngoài cần phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong quá trình triển khai, nếu có các vấn đề phát sinh yêu cầu điều chỉnh dự án đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật và đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình thực hiện thủ tục. Dưới đây là 10 điểm cần lưu ý khi điều chỉnh dự án đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Điều 40 của Luật đầu tư 2020 quy định về những nội dung cơ bản của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khi thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung dẫn đến phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp cần lưu ý những điểm sau:

  1. Tên dự án đầu tư

Tên dự án đầu tư là một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thông thường, tên dự án đầu tư sẽ là tên của tổ chức kinh tế thực hiện dự án để có thể dễ dàng nhận diện và không bị nhầm lẫn. Trong trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài muốn thay đổi tên của dự án thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh tên dự án phù hợp với quy định của pháp luật.

  1. Thông tin về nhà đầu tư

Thông tin về nhà đầu tư là bắt buộc và được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thông tin này bao gồm tên nhà đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký thành lập đối với tổ chức hay hộ chiếu đối với cá nhân và các thông tin có liên quan khác. Nếu trong quá trình thực hiện dự án có thay đổi về thông tin liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục đăng ký điều chỉnh thông tin tương ứng. Lưu ý rằng trong quá trình đăng ký điều chỉnh, doanh nghiệp cần cung cấp các tài liệu chứng minh thông tin được thay đổi. Nếu đó là tài liệu nước ngoài, cần được hợp pháp hóa lãnh sự phù hợp.

  1. Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng

Hiện nay, pháp luật về đầu tư không có quy định về địa điểm thực hiện dự án đầu tư phải cùng địa chỉ trụ sở chính của tổ chức kinh tế dự kiến thành lập. Do đó, khi nhà đầu tư đăng ký điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án đầu tư, công ty chỉ phải thực hiện hồ sơ đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phù hợp. Trong trường hợp, địa chỉ thực hiện dự án đầu tư và địa chỉ công ty cùng một địa điểm, khi nhà đầu tư thực hiện thay đổi thì tổ chức kinh tế cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp nhằm thay đổi địa chỉ trụ sở của tổ chức, đồng thời điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi đăng ký điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án đầu tư phải cung cấp bản sao các hợp đồng thuê thuê địa điểm hoặc văn bản, tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm mới để thực hiện dự án đầu tư theo quy định.

  1. Mục tiêu hoạt động, quy mô dự án đầu tư

Trong quá trình hoạt động dự án, tùy thuộc vào kế hoạch kinh doanh và kinh tế thị trường, nhà đầu tư có thể tăng/giảm quy mô hoạt động, bổ sung hoặc lược bỏ những mục tiêu hoạt động khác với đăng ký ban đầu, khi đó, nhà đầu tư cần thực thiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong những trường hợp này, nhà đầu tư phải trình bày kế hoạch kinh doanh kèm theo tài liệu chứng minh tình hình tài chính nhằm thuyết phục cơ quan có chức năng đảm bảo tính khả thi của việc thay đổi quy mô hoặc mục tiêu hoạt động. Một lưu ý khác là cho dù đăng ký thành lập dự án ban đầu hay đăng ký điều chỉnh thì mục tiêu hoạt động của dự án đều phải đáp ứng các điều kiện về tiếp cận thị trường, phù hợp biểu cam kết WTO về dịch vụ.

Trường hợp dự án đầu tư sau khi điều chỉnh trở thành dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư[1] thì nhà đầu phải thực hiện việc đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận đầu tư. Trường hợp nội dung điều chỉnh liên quan đến lĩnh vực đầu tư có điều kiện, thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lấy ý kiến thẩm tra của Bộ, ngành có liên quan trước khi điều chỉnh, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

  1. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư của dự án đầu tư bao gồm vốn của nhà đầu tư góp vào để thực hiện dự án và vốn mà nhà đầu tư huy động. Pháp luật không quy định cụ thể về khái niệm vốn góp thực hiện dự án, đây là khái niệm được sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn góp thực hiện dự án là vốn mà số vốn mà nhà đầu tư góp vào một dự án đầu tư cụ thể, vốn góp thực hiện có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn vốn điều lệ của tổ chức kinh tế thực hiện dự án và là một phầ của vốn đầu tư dự án.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư thường dựa vào kế hoạch và mục tiêu của dự án mà cân nhắc nguồn vốn cho phù hợp, do đó, nhà đầu tư có thể tăng/giảm/huy động các nguồn vốn. Khi đó, nhà đầu tư cần thực hiện thực hiện thủ tục đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cụ thể là vốn đầu tư của dự án. Kèm theo hồ sơ đăng ký điều chỉnh là hồ sơ chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư như bản thuyết minh năng lực tài chính, sao kê ngân hàng, báo cáo tài chính hoặc các tài liệu chứng minh có liên quan tùy từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, nhà đầutư cũng cần lưu ý thực hiện việc góp thêm vốn theo đúng tiến độ được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh và quy định của pháp luật. Nếu nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết, doanh nghiệp phải làm thủ tục gia hạn thời hạn góp vốn và bị phạt theo quy định của pháp luật.

Một lưu ý khác về việc giảm vốn đầu tư là Cơ quan đăng ký đầu tư có thể sẽ yêu cầu nhà đầu tư giải trình về hiệu quả kinh doanh, cụ thể là doanh nghiệp đã kinh doanh lâu dài có doanh thu ổn định và đủ để tái đầu tư khi tiếp tục hoạt động dự án đã đăng ký, hoặc yêu cầu nhà đầu tư đồng thời đăng ký giảm quy mô dự án cho phù hợp.

  1. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư

Theo Điều 44 Luật Đầu tư 2020 quy định về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư thì thời hạn (i) trong khu kinh tế không quá 70 năm và (ii) thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì có thể thực hiện thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp chỉ được gia hạn thời hạn dự án đầu tư nếu đã góp đủ vốn theo quy định của pháp luật hiện hành.

  1. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư

Nhà đầu tư phải thực hiện tiến độ thực hiện dự án đầu tư như đã cam kết khi đăng ký thành lập dự án. Trong trường hợp vì những lý do khách quan hay chủ quan mà nhà đầu tư không thể thực hiện dự án theo đúng tiến độ thì doanh nghiệp phải đăng ký điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Lưu ý rằng nếu doanh nghiệp không đăng ký điều chỉnh tiến độ của dự án kịp thời dẫn đến việc thực hiện dự án bị chậm hơn so với thực tế thì doanh nghiệp có thể gánh chịu mức hình phạt theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều chỉnh tiến độ dự án, doanh nghiệp phải có giải trình về việc điều chỉnh tiến độ và tiến độ đã thực hiện được trong thời gian hoạt động dự án một cách thuyết phục để Cơ quan có thẩm quyền xem xét.

  1. Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng

Khi doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, trong trường hợp có sự thay đổi về hình thức và mức ưu đãi, hỗ trợ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với những đối tượng thuộc diện được áp dụng thì phải thực hiện điều chỉnh trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

  1. Cập nhật các thông tin khác có liên quan

Khi thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, doanh nghiệp cũng cần chú ý cập nhật các thông tin khác có liên quan đã được thay đổi như thông tin về hộ chiếu, địa chỉ của người đại diện ủy quyền, người đại diện theo pháp luật, v.v.

  1. Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ Điều 17 Nghị định 122/2021/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 28/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nếu doanh nghiệp không thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì có thể bị phạt tiền 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến 10 điểm cần lưu ý khi điều chỉnh dự án đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý này, vui lòng liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 30, 31, 32 của Luật đầu tư 2020