Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Một số lưu ý về chuyển nhượng cổ phần tại Việt Nam

chuyen-nhuong-co-phan

Một số lưu ý về chuyển nhượng cổ phần tại Việt Nam

Các vấn đề pháp lý xung quanh việc chuyển nhượng cổ phần vẫn luôn được các cổ đông và nhà đầu tư quan tâm. Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, cổ đông hoặc nhà đầu tư có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần thông qua hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán, trừ một số trường hợp bị hạn chế hoặc không được chuyển nhượng theo quy định pháp luật. Bài viết sau đây với chủ đề một số lưu ý về chuyển nhượng cổ phần tại Việt Nam sẽ cung cấp cho người đọc có cái nhìn tổng quan và cập nhập về vấn đề này.

  1. Một số lưu ý về chuyển nhượng cổ phần thông qua hợp đồng chuyển nhượng

Phương thức chuyển nhượng cổ phần thông qua hợp đồng chuyển nhượng được thực hiện đối với trường hợp chuyển nhượng cổ phiếu chưa niêm yết hoặc chuyển nhượng cổ phiếu trong các trường hợp mà không thể chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Các giao dịch nêu trên có thể là tặng cho, thừa kế cổ phiếu; chuyển nhượng chứng khoán lô lẻ; chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông sáng lập trong thời gian hạn chế chuyển nhượng; chuyển nhượng cổ phiếu ưu đãi; chuyển nhượng cổ phiếu giữa các nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp đã đạt mức tối đa về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu đó và trường hợp mức giá thỏa thuận giữa các bên cao hơn giá trần của cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán tại thời điểm thực hiện giao dịch;…[1]

Cổ đông khi chuyển nhượng cổ phần bằng hình thức này cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, về hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần, pháp luật hiện hành có một số hạn chế nhất định khi thực hiện quyền được chuyển nhượng cổ phần của cổ đông. Cụ thể như sau:

  • Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho người không phải cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó[2].
  • Điều lệ công ty có quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần và các quy định này được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng[3].

Thứ hai, về thủ tục chuyển nhượng, theo quy định tại Điều 127.2 Luật Doanh nghiệp 2020, việc chuyển nhượng cổ phần thông qua hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Bên cạnh đó, các bên trong giao dịch cũng cần lưu ý những nội dung nên quy định trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần như sau:

  • Đối tượng của hợp đồng (tổ chức phát hành cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá, số lượng, …).
  • Phương thức và thời hạn thanh toán.
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên.
  • Cam kết của các bên.
  • Thay đổi và bổ sung các điều khoản hợp đồng.
  • Điều khoản về giải quyết tranh chấp.

Việc chuyển nhượng cổ phần thông qua hợp đồng chuyển nhượng cổ phần sẽ thực hiện như sau:

Bước 1. Các bên tham gia ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Bước 2. Lập biên bản xác nhận đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

Bước 3. Tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần (nếu thuộc trường hợp phải thông qua Đại hội đồng cổ đông).

Bước 4. Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty.

Bước 5. Tiến hành đăng ký thay đổi cổ đông theo quy định pháp luật.

Thứ ba, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần chính thức có hiệu lực tại thời điểm các bên thỏa thuận ghi nhận tại hợp đồng. Trường hợp các bên không thỏa thuận thời điểm phát sinh thì hợp đồng chính thức có hiệu lực kể từ ngày ký. Khi việc chuyển nhượng hợp đồng hoàn thành, hợp đồng sẽ chấm dứt.

  1. Một số lưu ý về chuyển nhượng cổ phần thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán

Theo Điều 6.1 Thông tư 119/2020/TT-BTC, cổ đông, nhà đầu tư chỉ có thể chuyển quyền sở hữu chứng khoán thông qua hệ thống giao dịch chứng khoán đối với các giao dịch mua bán. Đối với các giao dịch không mang tính chất mua bán hoặc không thể thực hiện được qua hệ thống giao dịch chứng khoán thì cổ đông chỉ có thể chuyển nhượng thông qua hình thức giao dịch bằng hợp đồng.

Trình tự, thủ tục của việc ghi nhận sở hữu chứng khoán khi chuyển nhượng thực hiện theo quy chế về hoạt động chuyển quyền sở hữu chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và quy định của công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán.

  1. Các vấn đề khác cần lưu ý khi chuyển nhượng cổ phần

Thứ nhất, nghĩa vụ thuế phát sinh từ giao dịch. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, chứng khoán là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Theo quy định tại Điều 25.1(đ) Thông tư 111/2013/TT-BTC thì mọi trường hợp chuyển nhượng cổ phần, chứng khoán đều phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng trước khi thanh toán cho người chuyển nhượng.

Thứ hai, trong một số trường hợp chuyển nhượng cổ phần liên quan đến cổ đông sáng lập hoặc cổ đông nước ngoài, công ty phải thực hiện một số thủ tục thông báo và đăng ký theo quy định của luật đầu tư và luật doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

  • Trường hợp cổ đông chuyển nhượng toàn bộ cổ phần là cổ đông sáng lập thì công ty phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi cổ đông sáng lập theo Điều 57 Nghị định 01/2021/NĐ-CP;
  • Trường hợp cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài khác dẫn đến thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong công ty thì công ty phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài theo Điều 58 Nghị định 01/2021/NĐ-CP;
  • Trường hợp cổ đông là nhà đầu tư trong nước chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài mà làm tăng tệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại công ty kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có trên 50% vốn đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của công ty thì phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo Điều 26 Luật Đầu tư 2020.

Trên đây là một số chia sẻ của Phước và Các Cộng Sự về một số lưu ý về chuyển nhượng vốn góp cổ phần, chứng khoán đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 6.2 Thông tư 119/2020/TT-BTC.

[2] Điều 120.3 và 120.4 Luật Doanh nghiệp 2020.

[3] Điều 127.1 Luật Doanh nghiệp 2020.