Một Số Điều Lưu Ý Khi Thành Lập Công Ty Vốn Nước Ngoài Tại Việt Nam
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, lực lượng lao động dồi dào và chính sách mở cửa hội nhập. Cùng với xu thế đó, các nhà đầu tư nước ngoài và kể cả doanh nghiệp Việt Nam muốn thành lập và vận hành một công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam một cách hiệu quả, trước hết những doanh nghiệp này cần nắm rõ các quy định pháp luật và điều kiện pháp lý có liên quan. Bài viết này sẽ trình bày một số điều lưu ý khi thành lập công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm điều kiện tiếp cận thị trường, các ưu đãi đầu tư, việc sử dụng lao động nước ngoài và quy định về chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
-
Điều Kiện Tiếp Cận Thị Trường
Trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định liên quan đến việc tiếp cận thị trường. Điều này bao gồm việc hiểu rõ về điều kiện đầu tư kinh doanh và điều kiện tiếp cận thị trường dành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Điều kiện đầu tư kinh doanh là các yêu cầu mà cả cá nhân và tổ chức (bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài) phải đáp ứng khi tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề có điều kiện tại Việt Nam. Những yêu cầu này nhằm đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh diễn ra trong khuôn khổ pháp luật và góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Về nguyên tắc, nhà đầu tư nước ngoài có thể kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào mà pháp luật Việt Nam không cấm, tương tự như nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề đặc thù, có các điều kiện bắt buộc phải đáp ứng để được phép đăng ký kinh doanh. Nhà đầu tư nước ngoài có thể tham khảo thêm hệ thống mã ngành nghề kinh doanh quốc gia (CPC) để có cái nhìn tổng quan về các ngành nghề và điều kiện cụ thể.
Điều kiện tiếp cận thị trường dành cho nhà đầu tư nước ngoài là các yêu cầu cụ thể mà nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ để tiếp cận thị trường Việt Nam. Các quy định này bao gồm luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.[1] Những điều kiện này có thể bao gồm giới hạn về tỷ lệ sở hữu vốn, yêu cầu về giấy phép đặc biệt, hoặc các hạn chế khác liên quan đến ngành nghề kinh doanh cụ thể. Bao gồm các ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài chưa được phép kinh doanh tại Việt Nam và các ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh nhưng phải đáp ứng các điều kiện hoặc hạn chế nhất định. Những điều kiện này có thể bao gồm yêu cầu về vốn đầu tư tối thiểu, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hoặc các quy định khác nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và sự ổn định của thị trường.
Đối với các ngành nghề hạn chế vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (thông thường là không quá 50% vốn góp trong một tổ chức kinh tế tại Việt Nam), nhà đầu tư nước ngoài phải chấp nhận liên doanh, hợp tác với nhà đầu tư Việt Nam để được thành lập tổ chức kinh tế kinh doanh ngành nghề nêu trên tại Việt Nam. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư 2020, vốn nước ngoài trong một doanh nghiệp Việt Nam được xác định bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư từ tổ chức kinh tế có 50% vốn nước ngoài trở lên).
-
Các Ưu Đãi Đầu Tư
Việt Nam do có cam kết mở cửa thị trường cũng như có nhiều quy định ưu đãi đầu tư liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số ngành nghề nhất định hoặc đầu tư tại các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Về hình thức ưu đãi đầu tư, Luật Đầu tư 2020 quy định các ưu đãi đầu tư cụ thể như sau: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế, giảm thuế; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế[2].
Để được hưởng các ưu đãi trên, nhà đầu tư phải đầu tư vào dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư mà Việt Nam khuyến khích đầu tư như hoạt động công nghệ cao, sản xuất vật liệu mới, năng lượng sạch, sản xuất sản phẩm điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học, thu gom xử lý rác thải,…[3] Nhà đầu tư cũng được hưởng ưu đãi khi đầu tư vào các địa bàn ưu đãi đầu tư như địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Ngoài ra một số dự án có tác động đến phát triển kinh tế – xã hội cũng sẽ được hưởng một số ưu đãi đầu tư riêng như dự án có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển,…
Bên cạnh các đối tượng được hưởng ưu đãi riêng, Chính phủ Việt Nam đã quyết định áp dụng mức ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt cho các dự án sau[4]:
- Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Về nguyên tắc và điều kiện được ưu đãi, Luật Đầu tư 2020 đưa ra các điều kiện cụ thể để dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo hướng có chọn lọc, đúng đối tượng, hợp lý, tối đa hóa lợi ích cho nhà đầu tư nhưng phải phù hợp với các chính sách xã hội, kinh tế của Nhà nước. Theo quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều 15 của Luật Đầu tư 2020, ưu đãi đầu tư được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Ưu đãi đầu tư được áp dụng có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư.
- Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi đầu tư khác nhau, bao gồm cả ưu đãi đầu tư đặc biệt thì được áp dụng mức ưu đãi đầu tư cao nhất.
-
Sử Dụng Lao Động Nước Ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam cần phải thực hiện một số thủ tục theo pháp luật về lao động như: báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động khi bắt đầu hoạt động; lập và sử dụng sổ quản lý lao động; xây dựng và thông báo thang lương, bảng lương; xây dựng và thông báo định mức lao động; xây dựng và đăng ký nội quy lao động; thành lập công đoàn trong công ty.
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 152/2020/ND-CP, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể được cấp Giấy phép lao động hoặc Giấy chứng nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động, phụ thuộc vào giá trị góp vốn của nhà đầu tư tại dự án. Việc sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam cũng phải tuân theo thủ tục trên.
Cụ thể, Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài
không thuộc đối tượng được miễn Giấy phép lao động buộc phải được cấp Giấy phép lao động. Nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài hoặc đại diện cho nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 154 của Bộ luật Lao động 2019, được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II, Nghị định 152/2020/NĐ-CP thuộc đối tượng không thuộc diện cấp giấy phép lao động, cụ thể như sau:
- Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
- Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
-
Chuyển Lợi Nhuận Ra Nước Ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài vào hai thời điểm: chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hàng năm và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài khi kết thúc hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam[5]. Lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài là lợi nhuận hợp pháp được chia hoặc thu được từ các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định.
Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam chuyển lợi nhuận ra nước ngoài bao gồm:
- Lợi nhuận chuyển ra nước ngoài dưới dạng tiền hoặc hiện vật. Đối với hiện vật phải thực hiện quy đổi giá trị hiện vật theo quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu hàng hóa và quy định của pháp luật liên quan.
- Đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật..
- Phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
- Lợi nhuận từ doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư của năm phát sinh lợi nhuận không còn lỗ lũy kế sau khi đã chuyển lỗ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư của năm phát sinh lợi nhuận vẫn còn số lỗ luỹ kế sau khi đã chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp thì nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng.
Trên đây là một số chia sẻ của Phước và Các Cộng Sự về một số điều lưu ý khi thành lập công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Điều 9.2 Luật Đầu tư 2020.
[2] Điều 15 Luật Đầu tư 2020.
[3] Điều 16 Luật Đầu tư 2020.
[4] Điều 20 Luật Đầu tư 2020.
[5] Điều 4 Thông tư 186/2010/TT-BTC.