Tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài và phương thức giải quyết
Hiện nay Luật Thương mại 2005 không định nghĩa tranh chấp kinh doanh thương mại là gì, tuy nhiên, dựa vào khái niệm hoạt động thương mại quy định tại Điều 3.1 Luật thương mại 2005 thấy được rằng: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 30.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, các tranh chấp kinh doanh thương mại là: Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
Như vậy, một tranh chấp kinh doanh thương mại hội tụ đủ 03 yếu tố:
- Là những tranh chấp (bất đồng hay xung đột) liên quan đến quyền và nghĩa vụ các bên;
- Phát sinh từ hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lời;
- Phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh, hay có thể gọi là các thương nhân.
Ngoài ra, tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài. Yếu tố nước ngoài trong quan hệ kinh doanh thương mại được quy định tại Điều 663.2 Bộ Luật Dân Sự 2015 như sau:
- Yếu tố nước ngoài về mặt chủ thể: Khi một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
- Yếu tố nước ngoài về mặt sự kiện pháp lý: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
- Yếu tố nước ngoài về mặt khách thể: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ kinh doanh thương mại đó ở nước ngoài.
Pháp luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài.
Căn cứ vào quy định của pháp luật tại Điều 664 Bộ Luật Dân Sự 2015, giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài căn cứ đầu tiên là Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
Tuy nhiên, dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt, tự do thỏa thuận giữa các bên, quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng của các bên trong tranh chấp được ghi nhận nếu nó được ghi nhận trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật quốc gia Việt Nam.
Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại Điều ước quốc tế hoặc không thể thỏa thuận được pháp luật áp dụng, thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ có yếu tố nước ngoài đó.
Các phương pháp xử lý tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài.
Khi tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài xảy ra, thông thường có 03 phương thức giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài phổ biến như sau:
-
Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài bằng phương thức thương lượng, hòa giải:
Việc thưa kiện không chỉ gây tốn kém tiền bạc, thời gian cho các bên mà còn ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín – những thứ vốn rất quan trọng đối với các doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh thương mại. Vì vậy, các bên luôn cân nhắc sử dụng phương pháp thương lượng và thông qua việc các bên tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận, tự dàn xếp và tháo gỡ những bất đồng phát sinh để vừa loại bỏ tranh chấp, vừa giữ được mối quan hệ tốt đẹp giữa đôi bên mà không cần sự trợ giúp của bên thứ ba nào.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 6 Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 về Hòa giải thương mại, khi các bên có thỏa thuận hòa giải, tranh chấp kinh doanh thương mại có thể được giải quyết bằng hòa giải thương mại trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.
-
Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài bằng trọng tài thương mại.
Đây là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại mà các bên lựa chọn giải quyết thông qua trọng tài viên hoặc hội đồng trọng tài để xem xét đưa ra phán quyết ràng buộc các bên tranh chấp. Phương thức này có nhiều điểm đáp ứng được yêu cầu của các bên tranh chấp bởi nó tạo điều kiện tối đa để phát huy khả năng tự định đoạt của các bên tranh chấp, trọng tài giải quyết theo nguyên tắc xét xử không công khai, tự do lựa chọn Trọng tài viên và thủ tục thường linh hoạt, thông thoáng, các bên thậm chí có thể tự thỏa thuận xây dựng quy tắc tố tụng riêng để giải quyết vụ tranh chấp.
Tuy nhiên lưu ý rằng, tùy vào từng trường hợp, các bên có thể thỏa thuận trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra khi sử dụng phương thức trọng tài thương mại. Thỏa thuận của trọng tài được thể hiện dưới dạng một điều khoản của hợp đồng hay hình thức thỏa thuận riêng. Tuy nhiên bắt buộc thỏa thuận cần phải lập thành văn bản.
Thủ tục tiến hành giải quyết Tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài bằng Trọng tài tại Việt Nam bao gồm các bước: Nộp đơn kiện → Tiến hành phiên họp xét xử vụ tranh chấp → Ra quyết định trọng tài → Thi hành quyết định trọng tài.
-
Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài bằng phương thức tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền.
Khi các bên không thể kết thúc tranh chấp kinh doanh thương mại bằng phương thức thương lượng, hòa giải, lựa chọn Tòa án giải quyết là phương thức phổ biến được tôn trọng. Thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài do pháp luật về tố tụng dân sự quy định. Việc giải quyết tại Tòa án thường mang tính phức tạp vì các bên tranh chấp có sự bất đồng về ngôn ngữ, vì vậy mà dĩ nhiên thời gian giải quyết có thể kéo dài hơn bình thường do các hoạt động phiên dịch hoặc dịch thuật tài liệu, chứng cứ. Thẩm quyền của Tòa án quốc gia đối với các Tranh chấp có thể phát sinh dựa trên nhiều căn cứ khác nhau, tuy nhiên tại Việt Nam các căn cứ này được chia thành thẩm quyền chung (quy định tại Điều 469 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015) và thẩm quyền riêng biệt (quy định tại Điều 470 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015).
Trên đây là những quy định của pháp luật về việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các bên tranh chấp đều nên phải tham khảo ý kiến tư vấn pháp lý của luật sư.
Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật Tư vấn pháp lý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý Khách hàng.