Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Single Blog Title

tranh-chap-hop-dong-mua-ban-hang-hoa

Tranh Chấp Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa Và Những Lưu Ý Khi Tranh Chấp Tại Tòa

Giao dịch mua bán hàng hóa là xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày. Thị trường vận hành bởi các giao dịch mua bán hàng hóa, việc mua bán đẩy mạnh cung cầu của người tiêu dùng và người bán hàng. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi những bất đồng ý kiến, những tranh chấp phát sinh trong quá trình mua bán hàng hóa. Vậy tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa dưới góc độ pháp lý là gì và làm thế nào để giải quyết các tranh chấp đó, đặc biệt là khi giải quyết các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại Tòa án.

  1. Mua bán hàng hóa theo quy định pháp luật

Bản chất của mua bán hàng hóa là một giao dịch dân sự, bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua chuyển tiền cho bên bán. Giao dịch mua bán hàng hóa này xảy ra hằng ngày trong cuộc sống của mỗi cá nhân, từ những giao dịch nhỏ lẻ như mua thực phẩm tới các giao dịch mang tính vĩ mô được thực hiện bởi các doanh nghiệp, tổ chức. Đối tượng của giao dịch mua bán hàng hóa là tài sản theo quy định pháp luật, bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Theo quy định của pháp luật thương mại, mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại được xác lập giữa bên mua hàng và bên bán hàng có quyền và nghĩa vụ tương đương, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận[1]. Hoạt động mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại thường được diễn ra theo quy mô lớn hơn so với các hoạt động mua bán hàng hóa thường ngày, chủ thể trong hợp đồng mua bán hàng hóa chủ yếu là các doanh nghiệp và các bên thường xác lập quan hệ mua bán hàng hóa thông qua hợp đồng mua bán hàng hóa.

Hợp đồng mua bán hàng hóa là thỏa thuận được xác lập dựa trên ý chí của các bên tham gia hợp đồng, theo đó các bên cam kết thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình về việc chuyển giao hàng hóa, quyền sở hữu hàng hóa, phương thức giao nhận hàng hóa, giá trị hàng hóa, phương thức thanh toán cùng các quyền và nghĩa vụ liên quan khác của mỗi bên phát sinh trong thời gian thực hiện hợp đồng. Hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được thực hiện thông qua giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc các hành vi cụ thể tùy theo ý chí của các bên tham gia hợp đồng.

  1. Tranh chấp mua bán hàng hóa thường gặp

Trong bất kỳ quan hệ dân sự hoặc thương mại nào, khó có thể tránh khỏi sự phát sinh tranh chấp giữa các chủ thể. Trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa cũng không ngoại lệ. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa diễn ra khi tồn tại sự bất đồng quan điểm giữa các bên trong quan hệ hợp đồng về việc một trong các bên nhận thấy quyền và lợi ích của mình bị ảnh hưởng hoặc bên còn lại không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa đã giao kết.

Theo thực tiễn, các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường gặp nhất có thể kể đến là tranh chấp do bên bán giao chậm hàng, bên bán giao hàng hóa không đúng chủng loại, số lượng như đã cam kết trong hợp đồng mua bán hàng hóa đã ký kết, bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán,… Tuy nhiên, tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa phổ biến nhất là tranh chấp về việc bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa có những đặc điểm sau:

  • Có yếu tố mâu thuẫn

Yếu tố mâu thuẫn xảy ra khi một bên không đồng ý với cách hành xử của bên con lại trong việc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa và có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mình, hoặc mâu thuẫn diễn ra giữa sự bất đồng quan điểm về cách thức thực hiện hợp đồng hoặc các vấn đề phát sinh trong thời gian thực hiện quan hệ mua bán.

  • Có sự vi phạm hợp đồng của một trong các bên

Vi phạm hợp đồng là sự không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận đã giao kết giữa các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa[2]. Sự vi phạm hợp đồng này có thể là việc không thực hiện nghĩa vụ giao hàng; giao hàng không đầy đủ; không đúng địa điểm đã giao kết; chất lượng hàng hóa không đảm bảo như trong cam kết; chậm thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền đã giao kết.

Sự vi phạm hợp đồng là căn cứ làm phát sinh tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa bởi lẽ nó đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao kết hợp đồng. Các điều khoản và nghĩa vụ quy định trong hợp đồng mua bán hàng hóa là bắt buộc, các bên phải đảm bảo tuân thủ cũng như giám sát bên còn lại trong việc thực hiện nghĩa vụ tương ứng. Nếu các bên không thực hiện các cam kết trong hợp đồng dù cho vô ý hay cố ý cũng được coi là vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa.

  • Có thiệt hại đối với bên bị vi phạm:

Khi một bên có thiệt hại về quyền lợi hoặc tài sản khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, tất yếu sẽ có vi phạm hợp đồng mua bán xảy ra. Khi đó, thiệt hại đối với bên bị vi phạm là cơ sở cấu thành tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Bên bị thiệt hại có thể yêu cầu bên gây thiệt hại trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa nếu đáp ứng được các điều kiện sau: (i) có hành vi vi phạm hợp đồng; (ii) có thiệt hại thực tế; và (iii) hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

  1. Giải quyết tranh chấp mua bán hàng hóa tại Tòa án

Khi tranh chấp xảy ra, đặc biệt là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên nên ưu tiên giải quyết tranh chấp. Phương thức giải quyết tranh chấp tùy thuộc vào lựa chọn và ý chí của các bên trong quan hệ hợp đồng. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa hiện nay bao gồm thương lượng, hòa giải, giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án[3]. Trong bài viết này sẽ tập trung phân tích về hình thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại Tòa án.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước được Tòa án thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ theo quy định pháp luật. Các phán quyết có hiệu lực của Tòa án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Tòa án chỉ giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán khi có yêu cầu của các bên và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa qua Tòa án được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ thông qua hai cấp xét xử của Tòa án: cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Các bên có thể kháng cáo lên Tòa án cấp phúc thẩm nếu bản án cấp sơ thẩm không thỏa mãn nguyện vọng của các bên. Phán quyết của Tòa án cấp phúc thẩm là phán quyết mang tính chất quyết định và có hiệu lực thi hành. Đây là một điểm khác biệt so với phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán theo hình thức trọng tài, vì khi giải quyết thông qua hai cấp xét xử tại Tòa án sẽ tạo điều kiện cho thương nhân trong việc đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình, còn với phương thức giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục trọng tài thì quyết định của trọng tài có giá trị chung thẩm và không thể thay đổi. Tuy nhiên, tồn tại một nhược điểm khi thực hiện kháng cáo lên Tòa án cấp phúc thẩm đó là các bên sẽ tốn chi phí và thời gian vì phải trải qua nhiều cấp xét xử sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của các bên. Cũng chính vì đặc thù này mà thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án thiếu linh hoạt hơn do đã được pháp luật quy định từ trước.

Trên đây là nội dung khái quát về Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa và Những lưu ý khi tranh chấp tại tòa. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về lĩnh vực pháp lý liên quan đến ngân hàng, vui lòng liên hệ chúng tôi.

Above is the general content of the dispute about the contract of purchase and sale of goods and the considerations when disputes are in Court.

Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 3.8 Luật Thương mại 2005

[2] Điều 3.12 Luật Thương mại 2005

[3] Điều 317 Luật Thương mại 2005