Thuế suất nào áp dụng cho nhà đầu tư ngoại?
Đóng quỹ nhưng chưa được thanh toán tiền
Cuối năm 2017 vừa qua là thời điểm chấm dứt hoạt động của một số quỹ đầu tư chứng khoán theo giấy phép thành lập do Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước cấp, nhưng đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào quỹ vẫn chưa nhận được tiền thanh toán. Dự kiến có thể đến cuối tháng 01 hoặc tháng 02 năm 2018 này, nhà đầu tư ngoại vẫn chưa được chia tiền gốc và lãi nếu cơ quan thuế chưa có hướng dẫn về thuế suất áp dụng cho nhà đầu tư đầu tư vào quỹ thành viên. Nếu được thanh toán tiền, bao gồm tiền vốn đầu tư ban đầu và tiền lãi phát sinh sau thời gian hoạt động của quỹ, nghĩa vụ thuế của nhà đầu tư sẽ phát sinh và nhà đầu tư phải kê khai, nộp thuế trong thời hạn luật định. Nhưng thuế suất là bao nhiêu và tính trên doanh thu hay lợi nhuận? E ngại thực hiện không đúng quy định pháp luật và có thể tiềm ẩn rủi ro vi phạm thủ tục thuế do không kê khai, nộp thuế đúng thời hạn, nên nhà đầu tư đành chờ nhận lại tiền của mình trong hoang mang.
Đóng thuế theo công văn chứ không theo văn bản quy phạm pháp luật
Trước đây, ngày 26 tháng 9 năm 2012, Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh (“TPHCM”) đã ban hành Công văn số 7280/CT-TTHT hướng dẫn áp dụng thuế suất 0,1% trên tổng số tiền thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức khi giải thể quỹ đầu tư theo Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (“Thông tư 60 ”).
Tiếp đó, ngày 13 tháng 9 năm 2013, Cục thuế TPHCM đã có công văn số 6754/CT-TTHT hướng dẫn áp dụng thuế suất 5% trên cổ tức được chia cho nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài khi giải thể quỹ cũng với cơ sở pháp lý là Thông tư 60. Công văn năm 2013 cũng nói rõ là thay thế Công văn 7280/CT-TTHT năm 2012 của Cục thuế TPCHM, nhưng không giải thích lý do thay đổi và cơ sở cho mức thuế suất mới, cách tính mới dù cả hai công văn đều viện dẫn Thông tư 60.
Mức thuế suất 5% theo bảng tỷ lệ (%) thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) tính trên doanh thu tính thuế được quy định tại Thông tư 60 chỉ có thể áp dụng cho hoặc là ngành kinh doanh dịch vụ hoặc là lãi tiền vay, nhưng rõ ràng nhà đầu tư nước ngoài không cho vay trong trường hợp này. Thế thì phải chăng cơ quan thuế cho rằng nhà đầu tư nước ngoài đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam??? Khái niệm “dịch vụ” có lẽ đã được áp dụng quá rộng và đã không tính đến yếu tố đặc thù của một hoạt động kinh doanh rất đặc thù – hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán. Một điểm đáng chú ý nữa là thuế nhà thầu tính theo phương pháp thứ hai được xác định trên doanh thu chứ không phải trên lợi nhuận, như hướng dẫn của Cục thuế TPHCM là 5% trên cổ tức.
05 năm sau, liệu có hướng dẫn khác?
Trở lại câu chuyện của nhà đầu tư ngoại được nhắc đến lúc đầu. Khác với tình huống của các nhà đầu tư trong hai quỹ đại chúng đã được Cục thuế TPHCM hướng dẫn về chính sách thuế khi giải thể quỹ, đây là một trong các nhà đầu tư thành lập quỹ thành viên. Quỹ thành viên mang tính chất “đóng” vì số lượng nhà đầu tư tham gia tối đa chỉ là 30 và chỉ có nhà đầu tư là tổ chức mới được tham gia quỹ này. Cũng bởi vì có sự khác biệt về tính chất nên nhà đầu tư chưa thể mạnh dạn áp dụng mức thuế suất 5% tính trên cổ tức được chia như hướng dẫn của Cục thuế TPHCM theo công văn số 6754/CT-TTHT năm 2013.
Cần nói thêm rằng Thông tư 60 đã bị thay thế bởi Thông tư 103/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 06 tháng 8 năm 2014 (“Thông tư 103”), nhưng thuế suất thuế TNDN trên doanh thu tính thuế đối với dịch vụ; chuyển nhượng chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi; lãi tiền vay là những nội dung có khả năng cao nhất được áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào quỹ đầu tư thì không thay đổi, cụ thể lần lượt là 2%; 0,1% và 5%. Như vậy, về cơ bản việc áp dụng Thông tư 60 hay Thông tư 103 không tạo ra sự khác biệt về thuế suất nếu áp cùng một ngành hoạt động kinh doanh, dịch vụ có phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Mấu chốt của vấn đề là hoạt động đầu tư vào quỹ thành viên đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài là hoạt động gì, tiền nhận được khi giải thể quỹ bao gồm tiền vốn đầu tư ban đầu và lãi được chia là doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh gì.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng thuế suất hợp pháp và đúng đắn nhất được áp dụng khi giải thể quỹ đầu tư chứng khoán là 0,1% trên doanh thu dù chiếu theo Thông tư 60 hay Thông tư 103, vì quỹ đầu tư được thành lập trong trường hợp này là để kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài thực tế có phát sinh thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán dù rằng việc mua bán chứng khoán được thực hiện thông qua công ty quản lý quỹ chứ không phải do nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện. Nếu áp dụng cách tính thuế là 0,1% trên doanh thu tính thuế thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn cần cơ quan quản lý thuế hướng dẫn chi tiết hơn cách xác định doanh thu tính thuế trong trường hợp này. Số tiền mà nhà đầu tư nước ngoài được chia khi giải thể quỹ thành viên là khoản tiền còn lại của quỹ thành viên sau khi đã trừ đi các chi phí và khoản phải trả, nên bản chất đó không còn là doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán nữa.
Mặc dù hiện tại chưa có hướng dẫn chính thức từ Cục thuế TPHCM nhưng qua trao đổi nghiệp vụ với chuyên viên thuế, nhà đầu tư nước ngoài đang đứng trước khả năng chịu thuế suất thuế TNDN là 2% trên toàn bộ khoản tiền nhận được khi giải thể quỹ thành viên. Mức thuế suất này áp dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh khác theo biểu tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế được quy định tại Thông tư 103. Nếu mức thuế suất này được áp dụng theo hướng dẫn chính thức sắp tới từ Cục thuế TPHCM thì có thể thấy rằng, một lần nữa, cơ quan thuế đã không xét đến căn nguyên của khoản tiền nhà đầu tư nhận được, bao gồm tiền vốn ban đầu là số tiền nhà đầu tư bỏ ra cho mục đích kinh doanh chứng khoán và lợi nhuận thu được là kết quả của hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng chứng khoán đó.
Có thể có một cách lý giải rằng cùng đầu tư vào quỹ thành viên, nhưng đối với nhà đầu tư trong nước đã đầu tư vào quỹ, số tiền nhận được khi giải thể quỹ sẽ được xác định là thu nhập khác, hòa chung trong thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp và chịu thuế suất thuế TNDN là 20%, trong khi nhà đầu tư nước ngoài chỉ chịu 0,1% trên doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán là không công bằng giữa các nhà đầu tư.
Ở góc độ người nộp thuế chứ không phải người làm chính sách thuế, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mong muốn tuân thủ pháp luật Việt Nam trên cơ sở hiểu đúng các quy định pháp luật về thuế liên quan để áp dụng chuẩn xác. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ cảm thấy không thỏa đáng nếu do sự thiếu vắng các quy định pháp luật mà họ phải chịu mức thuế suất cao hơn chỉ vì dựa trên quan điểm không thống nhất của cơ quan thuế và sự giải thích theo hướng có lợi cho Nhà nước và nhà đầu tư trong nước, chứ không dựa trên luật thực định. Đó mới chính là sự đối xử không công bằng mà nhà đầu tư nước ngoài có khả năng gánh chịu trong tình huống này.
Chờ đến bao giờ?
Từ năm 2012, Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước đã phối hợp với Vụ Chính sách thuế trực thuộc Bộ Tài chính bắt tay xây dựng thông tư hướng dẫn chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán trong sự chờ đợi của các thành viên thị trường bởi lẽ, nếu được ban hành dựa trên sự đóng góp ý kiến của nhà đầu tư và giới chuyên môn, thông tư đó không chỉ tháo gỡ vướng mắc về thuế suất áp dụng cho nhà đầu tư ngoại đã đầu tư vào quỹ thành viên như đã chia sẻ mà còn giải đáp nhiều vấn đề nan giải khác thay vì người nộp thuế phải xin hướng dẫn từ cơ quan thuế địa phương khi cần.
Hơn 05 năm sau, câu chuyện vẫn chưa có hồi kết vì thông tư đã hẹn đó vẫn chưa được ban hành. Nhà đầu tư và thị trường chứng khoán cần lắm một văn bản chung áp dụng thống nhất trong lĩnh vực này xuyên suốt ở tất cả các địa phương thay vì rơi vào tình trạng bất định như hiện nay.