Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Người Lao Động Làm Việc Bán Thời Gian, Cần Đảm Bảo Lương Tối Thiểu Vùng Không?

(Nguyễn Thị Tú Trinh – Công ty luật Phuoc & Partners)
lamviecbanthoigian

Người Lao Động Làm Việc Bán Thời Gian, Cần Đảm Bảo Lương Tối Thiểu Vùng Không?

Tóm tắt bài viết: Hiện nay, Việt Nam chưa quy định rõ ràng về việc liệu mức lương tối thiểu vùng có được áp dụng với người lao động làm việc bán thời gian (“NLĐ bán thời gian”) hay không. Điều này dẫn đến tình trạng lương theo giờ được mỗi nơi trả mỗi kiểu. Thiết nghĩ, việc bổ sung quy định về mức lương tối thiểu vùng theo giờ vào chính sách tiền lương sẽ giúp nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động, khi mà tỷ lệ người lao động có việc làm phi chính thức (trong đó có lao động bán thời gian) chiếm tới 55,1% trong tổng số lao động có việc làm tại Việt Nam, tính đến quý IV năm 2021[1].

Pháp luật lao động của Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về lao động bán thời gian. Tham khảo Công ước về việc làm bán thời gian 1994 của ILO (“Công ước của ILO”), lao động bán thời gian được hiểu là việc người lao động (“NLĐ”) được tuyển dụng mà có số giờ làm việc bình thường (tính theo tuần hoặc một khoảng thời gian nhất định nào đó) ít hơn số giờ làm việc bình thường của NLĐ làm việc toàn thời gian (“NLĐ toàn thời gian”) mà: (i) có cùng loại quan hệ lao động với người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) như lao động bán thời gian (nghĩa là họ cùng là người làm công ăn lương cho NSDLĐ); (ii) đang tham gia vào một công việc hoặc nghề nghiệp nào đó tương tự hoặc giống với công việc hoặc nghề nghiệp của lao động bán thời gian; và (iii) làm việc trong cùng một cơ sở hoặc doanh nghiệp với lao động bán thời gian; hoặc làm việc trong cùng một ngành nghề (nếu tại cùng một doanh nghiệp không có lao động toàn thời gian mà có thể so sánh được) (“NLĐ toàn thời gian tương tự”).

Xét theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, làm việc bán thời gian là hình thức làm việc không trọn thời gian, và người làm công việc bán thời gian được xác định là NLĐ làm việc không trọn thời gian. Cần lưu ý rằng, nếu NSDLĐ cắt giảm tạm thời số giờ làm việc bình thường của tất cả NLĐ toàn thời gian vì lý do kinh tế, kỹ thuật hoặc tái cơ cấu thì những NLĐ này không thể được xem là lao động bán thời gian, mặc dù họ có số giờ làm việc bình thường ít hơn (ví dụ NSDLĐ thỏa thuận với NLĐ giảm giờ làm do dịch bệnh Covid-19). Một vấn đề quan trọng nữa đó là, các bên phê chuẩn Công Ước của ILO thống nhất rằng họ sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp với pháp luật và thực tiễn tại Quốc gia để đảm bảo rằng NLĐ bán thời gian sẽ không phải nhận mức lương cơ bản (được tính trên cơ sở trả lương theo giờ, trả lương theo hiệu suất công việc, hoặc trả lương theo sản phẩm) thấp hơn mức lương của những NLĐ toàn thời gian tương tự mà được tính theo cùng một phương pháp, chỉ bởi vì họ làm việc bán thời gian[2].

Thuật ngữ mức lương tối thiểu lần đầu tiên được áp dụng tại New Zealand vào năm 1894, và theo sau đó là hàng loạt các quốc gia khác. Thế giới đã và đang công nhận các mức lương tối thiểu được xác lập theo quốc gia, vùng, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, nghề nghiệp của NLĐ (do một số nghề nghiệp đòi hỏi kỹ năng cao hơn), quy mô doanh nghiệp, hoặc theo từng nhóm dân cư (ví dụ: NLĐ trẻ tuổi, NLĐ khuyết tật). Về cách tính, các quốc gia thường xác định mức lương tối thiểu theo giờ, theo tháng hoặc kết hợp cả hai cách thức trên[3]. Đơn cử, Trung Quốc đã quy định kết hợp cả mức lương tối thiểu theo tháng cho NLĐ toàn thời gian và mức lương tối thiểu theo giờ cho NLĐ bán thời gian. Trong đó, “mức thù lao theo giờ cho công việc bán thời gian không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ do chính quyền nơi có NSDLĐ ấn định”[4].

Mức lương tối thiểu có thể được hiểu là mức lương thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội[5]. Tại Việt Nam, thuật ngữ tiền công tối thiểu (theo ngày, tại một khu vực ấn định nào đó) lần đầu tiên được đề cập đến trong Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ số 29 ngày 12/3/1947[6]. Trải qua các lần ban hành và sửa đổi, Bộ luật Lao động 2012 quy định rằng mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành[7]. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021, mức lương tối thiểu theo Bộ luật Lao động 2019, chỉ được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ[8]. Từ một góc độ khác, mặc dù các Bộ luật Lao động ở từng thời kỳ đã đề cập đến mức lương tối thiểu vùng được xác định theo giờ từ lâu, thế nhưng Chính phủ vẫn chưa ấn định một con số cụ thể, cũng như xác định đối tượng NLĐ áp dụng mức lương này. Hiện tại, Việt Nam chỉ mới ấn định mức lương tối thiểu vùng theo tháng, áp dụng đối với những doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thuộc các vùng khác nhau. Đồng thời, chỉ NLĐ nào làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động mới thuộc đối tượng áp dụng của mức lương tối thiểu vùng theo tháng[9]. Trên thực tế, Bộ luật Lao động hiện hành cũng chẳng đề cập đến vấn đề hợp đồng lao động của NLĐ bán thời gian, và các phương thức mà NSDLĐ tuyển NLĐ bán thời gian là tương đối đa dạng.

Sự không rõ ràng trong quy định về tiền lương cho lao động bán thời gian tại Việt Nam dẫn đến một hiện trạng đó là: trả lương theo giờ cho NLĐ bán thời gian mỗi nơi mỗi kiểu. Phần lớn ý kiến cho rằng, khi mà pháp luật lao động không quy định thì không có bất kỳ chủ thể nào có quyền chỉ đạo NSDLĐ trả lương cho NLĐ bán thời gian theo mức tối thiểu ấn định, do đó việc trả lương tối thiểu vùng cho đối tượng này phụ thuộc vào ý kiến tùy nghi của NSDLĐ. Số khác lại cho rằng, để đảm bảo tính công bằng giữa tất cả NLĐ theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, NSDLĐ có thể lấy lương tối thiểu tháng chia cho số ngày, số giờ làm việc bình thường để tính ra lương theo giờ, từ đó làm cơ sở trả lương cho NLĐ bán thời gian. Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia tại Cục Quan hệ Lao động – Tiền lương, phương pháp này hoàn toàn không ổn[10]. Do đó, NSDLĐ vừa trả lương lại vừa băn khoăn, không chắc rằng họ có vi phạm pháp luật hay không, khi mà mức lương gộp cả tháng của NLĐ bán thời gian vẫn thấp hơn mức lương tối thiểu vùng? Rõ ràng, việc thiết lập quy phạm về mức lương tối thiểu vùng theo giờ tại Việt Nam là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với tinh thần bình đẳng về tiền lương giữa NLĐ bán thời gian và NLĐ toàn thời gian mà đã được công nhận tại nhiều điều ước quốc tế, trong đó có Công ước của ILO.

Để khắc phục thực trạng trên, tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Ban chấp hành Trung ương Khóa XII đã thống nhất rằng việc bổ sung mức lương tối thiểu vùng theo giờ sẽ là một trong những nội dung cải cách chính sách tiền lương chủ chốt tại Việt Nam trong giai đoạn 2018 – 2030. Theo đó, dự kiến Nhà nước sẽ công bố và áp dụng song song mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ trên toàn quốc[11]. Điều này có nghĩa là, trong tương lai NSDLĐ rất có thể sẽ phải đảm bảo mức lương tối thiểu vùng theo giờ cho NLĐ bán thời gian. Trên tiến trình hội nhập, đề xuất này hứa hẹn mang lại khởi sắc cho tất cả NLĐ bán thời gian, tạo ra sự phù hợp giữa chính sách tiền lương và xu thế phát triển của thị trường lao động trong nước, cũng như bắt kịp những cải cách của thế giới về mức lương tối thiểu cho NLĐ. Thế nhưng, câu chuyện khi nào mức lương tối thiểu vùng theo giờ được ấn định và áp dụng tại Việt Nam cũng là một dấu chấm hỏi trong sự chờ đợi của nhiều NLĐ.

[1] Tóm tắt về Lao động việc làm vào quý IV/2021, đăng ngày 06/1/2022 trên website Tổng cục thống kê

https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2022/01/5.-To-thong-tin-tom-tat_laodong.pdf

[2] Xem Công Ước tại:

https://www.ilo.org/dyn/normlex/en/f?p=NORMLEXPUB:12100:0::NO::P12100_ILO_CODE:C175

[3] Hướng dẫn về chính sách lương tối thiểu của ILO, các trang 7, 15 – 16, và 95 – 97 file:///C:/Users/ASUS/Downloads/wcms_508566.pdf

[4] Các Điều 20, 51, 55 và 72 Luật Hợp đồng lao động của Trung Quốc năm 2007 https://www.ilo.org/dyn/natlex/docs/ELECTRONIC/76384/108021/F755819546/CHN76384%20Eng.pdf

[5] Điều 91 Bộ luật Lao động 2019

[6] Tiết thứ 5 của Sắc lệnh_ https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Sac-lenh-29-SL-quy-dinh-giao-dich-lam-cong-chu-nhan-nguoi-Viet-nam-ngoai-quoc-cong-nhan-xuong-ky-nghe-ham-mo-thuong-diem-nghe-tu-do-36185.aspx

[7] Điều 91 Bộ luật Lao động 2012

[8] Điều 91 Bộ luật Lao động 2019

[9] Điều 2, Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019_ https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh-90-2019-ND-CP-muc-luong-toi-thieu-vung-418807.aspx

[10] Việt Nam sẽ có tiền lương tối thiểu theo giờ?, Mạnh Hòa_ đăng ngày 02/1/2018 trên báo Sài Gòn Giải Phóng_https://www.sggp.org.vn/viet-nam-se-co-tien-luong-toi-thieu-theo-gio-491818.html

[11] Tiểu mục 3.2, phần II Nghị quyết 27-NQ/TW_ https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-quyet-27-NQ-TW-2018-cai-cach-chinh-sach-tien-luong-doi-voi-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-382336.aspx