Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Nghị Định Mới Về Cá Nhân, Pháp Nhân Kêu Gọi Đóng Góp Tự Nguyện – Những Điểm Chưa Rõ Ràng

Nghị Định Mới Về Cá Nhân, Pháp Nhân Kêu Gọi Đóng Góp Tự Nguyện – Những Điểm Chưa Rõ Ràng

(Luật sư Trần Thị Kim Nga & Nguyễn Đức Huy – Công ty luật Phuoc & Partners)

Sau nhiều năm áp dụng, Nghị định 64/2008/NĐ-CP – cơ sở pháp lý cho việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, đã bộc lộ một số hạn chế, điển hình là không tạo hành lang pháp lý cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân (sau đây gọi chung là “pháp nhân”) và cá nhân thực hiện việc thiện nguyện nêu trên. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến không ít “lùm xùm”, nghi vấn về tính minh bạch, mục đích của việc phân phối, sử dụng các khoản đóng góp do các cá nhân, tổ chức tự vận động, quyên góp trong thời gian qua.

Để khắc phục thiếu sót trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP (“Nghị định 93”) ngày 27/10/2021, thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý cho phép các pháp nhân, cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự được vận động, tiếp nhận, sử dụng, phân phối các khoản đóng góp tự nguyện từ nhà hảo tâm. Nhìn chung, Nghị định 93 có khá nhiều điểm sáng, khi mà vừa tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp và vận động đóng góp tự nguyện, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích của việc thiện nguyện. Tuy nhiên, Nghị định 93 vẫn tồn tại một số quy định chưa thật rõ ràng và những phân tích và góp ý về những điểm chưa rõ ràng của Nghị định 93 trong việc kêu gọi đóng góp tự nguyện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố sau đây sẽ góp phần trả lại sự minh bạch, nhân ái vốn dĩ cho hoạt động thiện nguyện.

Thứ nhất, căn cứ để vận động đóng góp tự nguyện

Theo Nghị định 93, việc vận động đóng góp để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố chỉ được thực hiện khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra thiệt hại về người và tài sản hoặc làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Theo Điều 3 Nghị định 93, thiên tai, sự cố sẽ liên quan đến thiên tai do tự nhiên, sự cố do thiên tai hoặc con người gây ra; dịch bệnh sẽ liên quan đến bệnh truyền nhiễm ở người, dịch bệnh động vật, dịch hại thực vật. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp hoàn toàn có thể xảy ra, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của người dân và rất cần được hỗ trợ nhưng lại chưa được điều chỉnh theo Nghị định 93, ví dụ như chiến tranh, địch họa, bạo loạn, chiến tranh kinh tế hoặc mệnh lệnh hành chính, khiến cho hàng hóa không thể xuất khẩu hoặc tiêu thụ. Chúng ta có thể thấy, không ít lần những nông dân phải “khóc ròng” khi nông sản của họ không thể tiêu thụ, xuất khẩu, phải làm thức ăn cho gia súc. Thiết nghĩ, trong những trường hợp như vậy, các tổ chức nói chung, pháp nhân nói riêng và cá nhân cũng nên được quyền kêu gọi đóng góp để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn. Vì vậy, Nghị định 93 nên mở rộng các tình huống được vận động quyên góp như được nêu ở trên.

Thứ hai, về thủ tục vận động đóng góp tự nguyện

Điểm sáng ở Nghị định 93 chính là việc làm rõ thủ tục để các pháp nhân và cá nhân có thể tiến hành vận động, tiếp nhận đóng góp từ các tổ chức, cá nhân khác, đảm bảo tính công khai, minh bạch và thuận tiện trong việc quản lý. Để thực hiện việc này, các pháp nhân và cá nhân phải thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông hoặc trên trang thông tin điện tử (đối với pháp nhân) cam kết về mục đích, phạm vi, phương thức, đối tượng vận động, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận, thời gian vận động, tiếp nhận, đối tượng hỗ trợ, thời gian thực hiện hỗ trợ, thời gian cam kết phân phối, sau đó, phải gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân (“UBND”) cấp xã nơi đặt trụ sở chính (đối với pháp nhân) hoặc nơi cư trú (đối với cá nhân) theo mẫu của Nghị định 93[1]. Tuy nhiên, Nghị định 93 lại không quy định về trường hợp khi có thay đổi về nội dung của cuộc vận động, thì cá nhân, pháp nhân cần phải thực hiện thủ tục gì. Chẳng hạn, cá nhân kêu gọi muốn điều chỉnh thời gian vận động, tiếp nhận từ 30 ngày trong thông báo lên 60 ngày vì lý do thiên tai kéo dài gây nhiều thiệt hại nhằm mục đích hỗ trợ được nhiều người dân hơn thì liệu có được phép hay không. Thiết nghĩ, Nghị định 93 cần bổ sung quy định hướng dẫn thủ tục thực hiện các thay đổi này.

Thứ ba, về thời gian tiếp nhận, phân phối và thủ tục phân phối, sử dụng

Đối với pháp nhân, thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp là không quá 90 ngày, kể từ ngày phát động cuộc vận động và sau đó, phải hoàn thành việc phân phối trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc tiếp nhận, trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp[2]. Đối với cá nhân, dù không có quy định điều chỉnh trực tiếp nhưng theo mẫu văn bản thông báo đến UBND cấp xã[3], thời gian tiếp nhận, phân phối lần lượt cũng không được quá 90 ngày và 20 ngày. Mặc dù vậy, Nghị định 93 không có quy định nào về trường hợp ngoại lệ được vượt quá hai khoảng thời gian nêu trên đối với cá nhân kêu gọi. Có thể hiểu rằng, Nghị định 93 quy định hạn chế thời gian như vậy là nhằm đảm bảo việc đóng góp diễn ra kịp thời, đúng người, đúng thời điểm, tránh tình trạng “giải ngân” chậm, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại. Tuy nhiên, cũng có một vài điểm cần được bình luận thêm như sau: Một là, Nghị định 93 nên có quy định tương tự đối với cá nhân vận động được kéo dài thời gian tiếp nhận, phân phối trong trường hợp thực hiện theo cam kết với người đóng góp. Bởi lẽ, về cơ bản, việc tiếp nhận, phân phối đóng góp từ thiện giữa cá nhân và pháp nhân có tính chất tương tự nhau. Hai là, nếu không thuộc trường hợp có cam kết khác với người đóng góp nêu trên thì trong trường hợp cần thiết, duy nhất chỉ có Ban Vận động từ cấp tỉnh trở lên mới có quyền quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp[4]. Có thể thấy, sự phân biệt này rõ ràng là không cần thiết. Tình huống Ban Vận động cấp tỉnh quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận thường là khi thiên tai, sự cố, dịch bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng kéo dài, dẫn đến việc cần huy động nhiều hơn nguồn lực đóng góp từ xã hội. Vậy, việc tạo điều kiện để các pháp nhân, cá nhân kéo dài thời gian tiếp nhận các nguồn đóng góp trong tình huống như trên là hoàn toàn cần thiết. Do đó, thay vì không có quy định hướng dẫn, Nghị định 93 nên tạo cơ chế để các cơ quan Nhà nước có thể quản lý việc kéo dài thời gian tiếp nhận đóng góp như yêu cầu pháp nhân, cá nhân nào muốn kéo dài thời gian này phải gửi thông báo bằng văn bản đến UBND cấp xã, trong đó làm rõ các nội dung như: nguyên nhân, thời gian kéo dài, cam kết về việc thực hiện đúng nội dung thông báo…

Về thủ tục phân phối và sử dụng, pháp nhân và cá nhân vận động đóng góp phải thông báo cho UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ theo phân cấp hoặc liên hệ với UBND cấp tỉnh hướng dẫn khi cần thiết, để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng nguồn đóng góp[5]. Trong vòng 03 ngày làm việc, UBND nơi tiếp nhận phải hướng dẫn pháp nhân, cá nhân đó thực hiện các nội dung nêu trên. Tuy nhiên, Nghị định 93 không có quy định về việc, nếu hết thời gian trên mà UBND lại không hướng dẫn, dù đã được thông báo, liên hệ, thì các pháp nhân, cá nhân có được quyền tự phân phối, sử dụng nguồn đóng góp hay không. Về điểm này, Nghị định 93 nên cho phép pháp nhân, cá nhân thực hiện việc này, bởi vì cứu trợ thiên tai, sự cố, dịch bệnh là việc rất cấp bách, không nên để sự chậm trễ trong thực hiện các thủ tục hành chính gây ảnh hưởng đến việc cứu trợ cho người dân.

Thứ tư, pháp luật trao quyền chủ động cho tổ chức, cá nhân đóng góp

Không “phó thác” hoàn toàn cho các pháp nhân, cá nhân đứng ra kêu gọi, vận động đóng góp, Nghị định 93 đã quy định rất nhiều “công cụ” để các tổ chức, cá nhân đóng góp chủ động hơn trong việc giúp đỡ đúng người, đúng thời điểm, đúng địa điểm như họ mong muốn. Có thể nói, đây là một điểm rất tiến bộ của Nghị định 93. Trong đó, có thể kể đến các quyền và trách nhiệm sau của các tổ chức, cá nhân đóng góp: (i) quyền yêu cầu UBND cấp xã cung cấp thông tin về việc vận động đóng góp theo thông báo của pháp nhân, cá nhân đứng ra kêu gọi[6]; (ii) quyền quyết định thời gian tiếp nhận, thời gian phân phối các khoản đóng góp vượt quá mốc 90 ngày, 20 ngày[7]; (iii) quyền đưa ra điều kiện, địa chỉ cụ thể nhận các khoản vận động, tiếp nhận và quyền quyết định việc chi khoản đóng góp của mình[8]; (iv) quyền được bàn bạc, thống nhất để có phương án phân phối, sử dụng khoản tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận còn dư[9]; (v) có trách nhiệm thống nhất với chính quyền địa phương về thiết kế, quy mô, chất lượng, tiến độ sửa chữa, xây dựng công trình trong trường hợp yêu cầu địa chỉ cụ thể để sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới công trình hạ tầng thiết yếu[10]; (vi) quyền đồng ý hoặc không về chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp có được chi từ nguồn đóng góp của mình hay không, quyền được tiếp cận công khai với các tổng hợp chi phí này nếu đồng ý[11]; (vii) quyền yêu cầu cung cấp biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật[12]. Theo đó, các pháp nhân, cá nhân đứng ra vận động đóng góp phải thực hiện theo các cam kết (nếu có) đối với tổ chức, cá nhân đóng góp. Tuy nhiên, Nghị định 93 không quy định về hình thức, nội dung đối với các cam kết này. Xét về mặt bản chất, các cam kết này sẽ được xem là giao dịch dân sự giữa pháp nhân, cá nhân đứng ra vận động quyên góp và tổ chức, cá nhân đóng góp, và vì thế sẽ được điều chỉnh theo pháp luật dân sự. Như vậy, nhằm đảm bảo hiệu lực pháp lý của các cam kết này, cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh hay xử lý vi phạm, các cam kết này, tốt nhất nên được lập bằng văn bản hoặc thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, vấn đề khấu trừ thuế đối với các khoản đóng góp

Theo Điều 6.1 và Điều 6.2.24 Văn bản hợp nhất số 66/VBHN-BTC hợp nhất các thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ bao gồm “chi tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai, không bao gồm các trường hợp chi khắc phục hậu quả do sự cố, dịch bệnh, trong khi tính chất của các khoản chi này là tương đồng nhau. Do đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên có điều chỉnh đối với quy định này để thống nhất với Nghị định 93.

Theo pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”), cá nhân chỉ được miễn thuế TNCN đối với các khoản tiền hỗ trợ nhận được từ các quỹ từ thiện[13] và chưa có quy định nào cho phép miễn thuế TNCN đối với các khoản tiền nhận được từ các pháp nhân, cá nhân theo Nghị định 93. Theo đó, sẽ bất hợp lý nếu nhà nước lại thu thuế TNCN của những người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sự cố, dịch bệnh nhận được hỗ trợ từ các pháp nhân, cá nhân làm công tác thiện nguyện, bởi những người này đã và đang trong hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, pháp luật về thuế TNCN mới chỉ cho phép giảm trừ vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản đóng góp của cá nhân vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa hoặc khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học[14]. Như vậy, các khoản chi của cá nhân đóng góp vào các đợt vận động do pháp nhân, cá nhân phát động theo Nghị định 93 vẫn chưa được giảm trừ theo pháp luật về thuế TNCN. Điều này rõ ràng là chưa hợp lý, bởi vì đây cũng là các khoản chi mang tính chất từ thiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, thiết nghĩ, các văn bản về thuế TNCN nên có sự điều chỉnh lại để phù hợp với những quy định mới tại Nghị định 93.

Tóm lại, mặc dù đã tạo ra được một hành lang pháp lý rõ ràng hơn trong việc cho phép và tạo điều kiện để pháp nhân, cá nhân thực hiện các hoạt động thiện nguyện trong trường hợp thiên tai, sự cố, dịch bệnh, Nghị định 93 vẫn còn đó một số điểm chưa thật rõ ràng mà cơ quan lập pháp nên cân nhắc để có sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn phù hợp thay vì “thả trôi nổi” gây lúng túng khi áp dụng trên thực tế. Những người làm công tác thiện nguyện cũng cần lưu ý những điểm chưa rõ ràng của Nghị định 93 để tránh những vướng mắc pháp lý có thể xảy ra.

[1] Điều 6.5, Điều 17.1 Nghị định 93, Phụ lục đính kèm Nghị định 93

[2] Điều 8.2, Điều 8.3 Nghị định 93

[3] Phụ lục đính kèm Nghị định 93

[4] Điều 8.2, Điều 9.1(a) Nghị định 93

[5] Điều 10.6(a), Điều 18.1 Nghị định 93

[6] Điều 6.5, Điều 17.1 Nghị định 93

[7] Điều 8.2, Điều 8.3 Nghị định 93

[8] Điều 10.6(a), Điều 18.3 Nghị định 93

[9] Điều 10.6(c), Điều 18.4 Nghị định 93

[10] Điều 11.3 Nghị định 93

[11] Điều 19.1 Nghị định 93

[12] Điều 9.7, Điều 17.2 Nghị định 93

[13] Điều 3.1(p) Văn bản hợp nhất số 68/VBHN-BTC ngày 19/12/2019 hợp nhất các Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân

[14] Điều 9.3(a) Văn bản hợp nhất số 68/VBHN-BTC ngày 19/12/2019 hợp nhất các Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân