Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

#Binhdanggioi #2022 LÀM PHỤ NỮ – RÀO CẢN VÀ THÁCH THỨC

#binhdanggioi #2022 Làm Phụ Nữ – Rào Cản Và Thách Thức

LÀM PHỤ NỮ – RÀO CẢN VÀ THÁCH THỨC

Đoàn Thái Thanh

Có một sự thật mà chúng ta không thể phủ nhận rằng, dù cho nền kinh tế, văn hóa của Việt Nam có phát triển đến đâu thì đâu đó đến hiện nay vẫn còn tiềm ẩn, manh mún những suy nghĩ, những quan điểm rằng “đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Thoạt nghe qua thì câu nói này có vẻ dùng để ca ngợi người phụ nữ khi đã có những đóng góp tạo nên thành công của một người đàn ông. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận quan điểm này ở một góc nhìn khác rằng tại sao người phụ nữ phải làm cái bóng của người đàn ông, ở phía sau sự thành công của họ. Sẽ không có gì ngạc nhiên, bởi lẽ tư tưởng trọng nam kinh nữ này đã tồn tại từ rất lâu đời, không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở những nước khác trên thế giới. Hiện nay, mặc dù tư tưởng này có phần đã lạc hậu và không còn khắc khe như trước, vị trí của phụ nữ trong các hoạt động thường nhật dần dần được công nhận nhưng vẫn chưa đạt được điểm cân bằng của “bình đẳng giới” đặc biệt là ở môi trường làm việc của các ngành nghề nói chung và nghề luật sư nói riêng.

Hiện nay, có nhiều quan điểm cho rằng, những gì mà phụ nữ đang có được ở hiện tại là đã “quá đủ” rồi và đừng đòi hỏi thêm bất kỳ quyền bình đẳng nào với đàn ông trong tất cả mọi việc nữa. Sự thật có phải là như vậy, mặc dù nói rằng nam nữ có cơ hội như nhau trong mọi công việc, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp nói chung cũng như công ty luật, văn phòng luật nói riêng hay e ngại việc tuyển dụng người lao động nữ vào làm việc nếu như cũng đang có một ứng viên nam xuất sắc như ứng viên nữ. Như công tác tuyển dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai chẳng hạn, theo thống kê vào năm 2017 thì số lượng lao động nữ tại các doanh nghiệp chỉ chiếm 23,19%[1], rất thấp so với lao động nam. Không những vậy, trên các tin tuyển tụng, sẽ không xa lạ gì khi các nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên là “chưa có gia đình”, “chỉ tuyển nam” hoặc khi phỏng vấn, doanh nghiệp yêu cầu người lao động nữ cam kết trong vòng 3-5 năm không được kết hôn, sinh con thì mới được tuyển dụng.

 

Around 2.4 b women not afforded equal economic rights globally – World Bank  | Sunday Observer

Tại sao doanh nghiệp lại đặt ra các điều kiện cho người lao động nữ mà không liên quan đến công việc như vậy. Có thể Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều quy định những quyền lợi đặc thù mà chỉ có người lao động nữ mới được hưởng hay từ lâu tư tưởng trọng nam khinh nữ đã phần nào đó “thấm” vào mỗi con người chúng ta.

Có một điều không thể phủ nhận rằng, để phụ nữ có được cơ hội đi học, được làm việc, được tham gia vào các bộ máy Nhà nước, bộ máy quản lý của doanh nghiệp, của tổ chức như hiện nay là kết quả của những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của những người đi trước có tư tưởng tiến bộ. Nhưng như vậy là chưa đủ. Bởi lẽ, ngày 31/03/2016, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân trở thành người phụ nữ đầu tiên là Chủ tịch Quốc hội. Điều đó thể hiện rằng, có thể phụ nữ đã có được cơ hội làm việc bình đẳng như đàn ông, nhưng số lượng phụ nữ giữ các vị trí quan trọng, quản lý cấp cao, lãnh đạo “chỉ đếm trên đầu ngón tay”, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị và luật pháp.

Điều này phản ánh rằng những rào cản, thách thức mà phụ nữ gặp phải, không chỉ trong công việc, đời sống mà ngay cả về tinh thần lẫn sức khỏe của họ. Có thể kể đến như sau mỗi giờ tan làm, phụ nữ phải về nhà nấu cơm, chăm sóc gia đình, con cái, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng thì mới “phải đạo”, còn đàn ông thì ngược lại. Đàn ông chỉ cần phụ giúp một ít công việc nhà cửa, nấu cơm, dọn nhà, chăm con là đã được đề cao, tán thưởng, là người đàn ông chuẩn mực của thời đại, “là người chồng quốc dân”. Tại sao lại có sự phân biệt như vậy? Trong khi bản chất đó cũng là gia đình, là con cái của chung chứ đâu riêng gì của người phụ nữ.

Không chỉ vậy, như tôi đã trình bày ở trên, dường như các quy định pháp luật về lao động đặt ra với mục đích đảm bảo quyền và lợi ích mà người lao động nữ được hưởng chưa làm đúng được vai trò của nó. Các doanh nghiệp cho rằng, nếu tuyển dụng người lao động nữ vào làm việc, họ phải đảm bảo thực hiện một số quyền và lợi ích của người lao động nữ như: (i) trong thời gian hành kinh, người lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương, tối thiểu là 03 ngày làm việc; (ii) hưởng các chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; (iii) không thể sử dụng người lao động nữ để làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm khi người lao động nữ đang mang thai tháng từ thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; và (iv) một số các quy định khác. Hoặc do người lao động nữ vướng bận một số các công việc của gia đình để “phải đạo” mà xã hội này áp đặt lên họ. Do đó, thay vì tuyển dụng người lao động nữ làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi ích của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp lựa chọn phương án tuyển dụng người lao động nam. Thêm vào đó, người lao động nữ dường như cũng không được trao cơ hội để thể hiện bản thân mình, vươn lên các vị trí lãnh đạo dù năng lực của họ chẳng hề thua kém một người đàn ông nào.

2,846 Gender Inequality Illustrations & Clip Art - iStock

Từ đó, vô hình chung đã tạo ra những áp lực khiến họ phải từ bỏ việc theo đuổi một công việc yêu tích của mình vì khó có thể cân bằng được giữa công việc, gia đình và cuộc sống. Làm phụ nữ đã khó, làm phụ nữ dân tộc thiểu số lại còn khó khăn trăm bề hơn. Theo các thống kê mà UN Women đã công bố, về mặt giáo dục hay lao động hay chất lượng cuộc sống thì phụ nữ dân tộc thiểu số đều thấp hơn phụ nữ dân tộc Kinh và thấp hơn cả đàn ông dân tộc thiểu số[2].

Do đó, để cải thiện việc phân biệt đối xử giữa các giới với nhau, thúc đẩy bình đẳng giới, để phụ nữ có cơ hội được thể hiện bản thân mình, bên cạnh những nỗ lực của bản thân họ thì họ thực sự rất cần những người có tư tưởng tiến bộ, sự thấu hiểu, cảm thông từ gia đình, từ xã hội và đặc biệt là từ các chính sách của cơ quan Nhà nước. Và tôi hy vọng rằng, trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy được tỉ lệ về số lượng người phụ nữ được làm việc và giữ các vị trí quan trọng, các vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp, bộ máy quản lý Nhà nước ngày càng không ngừng tăng trưởng cũng như chúng ta sẽ không mất nhiều thời gian để tất cả mọi người cùng hiểu rằng, cơ hội đến với mọi người là như nhau, không bị phụ thuộc vào bất kỳ điều gì khác, đặc biệt là giới tính của họ.

[1] https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/03/12/binh-dang-gioi-trong-tuyen-dung-lao-dong-tu-thuc-tien-tai-tinh-gia-lai/

[2] http://vwu.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/mot-so-phat-hien-ve-phu-nu-dan-toc-thieu-so-qua-bao-cao-cua-unwomen-40649-6601.html