Đầu Tư Nước Ngoài Vào Việt Nam Theo Hình Thức Đầu Tư Góp Vốn, Mua Cổ Phần, Mua Phần Vốn Góp
Điều 21 Luật đầu tư 2020 quy định các hình thức đầu tư gồm: (i) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; (ii) Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; (iii) Thực hiện dự án đầu tư; (iv) Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC và (v) Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài thường quyết định lựa chọn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.Bài viết này tập trung đề cập đến các điều kiện, hình thức và thủ tục đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định của pháp luật của Việt Nam hiện hành để các nhà đầu tư chủ động nắm được các thông tin cơ bản và quyết định lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp.
Điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài
Theo quy định, nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế, tuy nhiên việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu Tư.
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Đầu Tư;
- Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Các hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
- Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
- Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc các trường hợp nêu trên.
Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
- Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
- Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
- Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác ngoài các trường hợp trên.
Có thể bạn quan tâm: Thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp
Thủ Tục Để Nhà Đầu Tư Nước Ngoài Góp Vốn, Mua Cổ Phần Doanh Nghiệp
Thủ tục đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thuộc một trong các trường hợp sau đây phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính trước khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế:
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Dầu tư 2020 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp gồm có:
- Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
- Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với cổ đông hoặc thành viên của tổ chức kinh tế đó; và
- Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đối với một số trường hợp theo quy định của pháp luật đầu tư.
Nếu không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là thành viên, cổ đông của tổ chức kinh tế được xác lập khi hoàn tất thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông.
Như vậy, trước khi lựa chọn loại hình đầu tư này cũng như trong quá trình thực hiện đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài phải tìm hiểu rõ về các quy định của pháp luật, tình hình hoạt động, năng lực tài chính của tổ chức kinh tế dự kiến đầu tư để hạn chế những rủi ro pháp lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, để đảm bảo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tuân thủ pháp luật, nhà đầu tư nước ngoài nên tìm hiểu và lựa chọn sử dụng các dịch vụ pháp lý của các công ty luật uy tín tại Việt Nam có kinh nghiệm tư vấn pháp luật doanh nghiệp và đầu tư có thể đưa những tư vấn pháp lý hữu ích giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư nước ngoài vào việt nam theo hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.