Tuân Thủ Pháp Luật Khi Giải Thể Doanh Nghiệp – Lực Bất Tòng Tâm?
Luật sư Trương Thị Hiền – Phuoc & Partners
Theo thông tin công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chỉ riêng trong năm 2020, đã có 101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 13,9% so với năm 2019. Theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 5/2021 và 5 tháng đầu năm 2021 của Tổng Cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2021, đã có 59.800 rút lui khỏi thị trường, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Qua hơn một năm kể từ khi dịch bệnh do Covid-19 xuất hiện trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh càng lúc càng nghiêm trọng hơn, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Trong khi đó, giải thể doanh nghiệp là cả một quá trình thủ tục rất dài và phức tạp mà nhiều khi trở thành nỗi ám ảnh của những người có liên quan. Và góp phần vào nỗi ám ảnh đó chính là các quy định bất hợp lý và không khả thi của pháp luật doanh nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ tập trung phân tích sự bất hợp lý của quy định về các hoạt động bị cấm kể từ khi doanh nghiệp có quyết định giải thể theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 (“LDN”).
- Cấm chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực
Theo Điểm e Khoản 1 Điều 211 LDN, “1. Kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp bị nghiêm cấm thực hiện các hoạt động sau đây:… e) Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực”. Quy định này được kế thừa nguyên vẹn từ Điều 205 của Luật Doanh nghiệp 2014.
Trước khi phân tích sự bất hợp lý của quy định nêu trên, người viết tóm tắt trình tự giải thể doanh nghiệp tự nguyện theo LDN như sau:
- Bước 1. Doanh nghiệp/chủ doanh nghiệp phải thông qua quyết định giải thể;
- Bước 2. Doanh nghiệp sẽ gởi thông báo giải thể cho Phòng Đăng ký kinh doanh (“PĐKKD”), cơ quan thuế có thẩm quyền và người lao động của doanh nghiệp;
- Bước 3. Doanh nghiệp sẽ tổ chức thanh lý các tài sản của doanh nghiệp, thu hồi nợ, trả nợ cho các chủ nợ, trả lương/thưởng/trợ cấp cho người lao động, quyết toán thuế… (bao gồm việc ký kết/chấm dứt các hợp đồng cần thiết để thanh lý tài sản, tất toán các nghĩa vụ theo hợp đồng…), chia tài sản còn lại cho chủ doanh nghiệp;
- Bước 4. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký giải thể cho PĐKKD; và
- Bước 5. PĐKKD ra thông báo giải thể.
Theo Điểm e, Khoản 1, Điều 211 LDN nêu trên, sau khi ban hành quyết định giải thể doanh nghiệp (tương ứng với Bước 1), doanh nghiệp sẽ bị cấm chấm dứt các hợp đồng đang có hiệu lực, là việc cần phải thực hiện để hoàn tất Bước 3. Đây là điều cấm bất hợp lý nhất trong số các hoạt động bị cấm được quy định. Doanh nghiệp gần như không thể không vi phạm điều cấm này khi giải thể, trừ khi doanh nghiệp không có bất kỳ hợp đồng nào đang có hiệu lực vào ngày ra quyết định giải thể. Còn nếu doanh nghiệp tuân thủ quy định này thì Bước 3 sẽ không thể nào thực hiện được, và khi đó thì các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với đối tác/nhà cung cấp/người lao động theo các hợp đồng đang có hiệu lực vẫn sẽ tiếp tục, và do đó doanh nghiệp cũng sẽ không thể thực hiện được Bước 4 để hoàn tất việc giải thể.
Nếu doanh nghiệp cố gắng chấm dứt các hợp đồng đang có hiệu lực trước khi ra quyết định giải thể để tránh vi phạm điều cấm của LDN, việc gì sẽ xảy ra?
- Đối với các hợp đồng cần thiết phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp như hợp đồng mua bán, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng thuê tài sản, …), việc doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng trước khi ra quyết định giải thể doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi. Dựa trên các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà không có lý do, doanh nghiệp chỉ có rủi ro là sẽ bị tổn thất về tài chính do bị các đối tác/nhà cung cấp phạt vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận hay theo luật, bị yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Còn khả năng kiện tụng do tranh chấp thì có thể nói là gần như là không có nếu doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và sẵn lòng chi trả bồi thường.
- Đối với hợp đồng thuê trụ sở (trong trường hợp doanh nghiệp đặt trụ sở trên đất/văn phòng thuê) thì việc chấm dứt hợp đồng thuê trước khi ra quyết định giải thể cũng hoàn toàn khả thi theo Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, nếu xét theo LDN và trên thực tế thì việc này không thể thực hiện được vì chính vào thời điểm này, doanh nghiệp vẫn đang hoạt động và không thể không có trụ sở (doanh nghiệp không thể đăng ký bỏ địa chỉ trụ sở trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, và không thể không có nơi để cất giữ tài sản, giấy tờ của doanh nghiệp, để người lao động có nơi làm việc…).
- Đối với hợp đồng lao động (“HĐLĐ”), việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn hoặc chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn mà không có lý do theo quy định của Bộ luật lao động 2019 (“BLLĐ”) sẽ gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp, chưa kể có khả năng là doanh nghiệp không thể chấm dứt HĐLĐ nếu người lao động không đồng ý. Việc chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động của doanh nghiệp phải tuân theo các trường hợp chấm dứt HĐLĐ hoặc các trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo BLLĐ, nếu không thì sẽ bị xem như là chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, và phải nhận người lao động trở lại làm việc theo Điều 41 BLLĐ.
Quy định riêng về việc chấm dứt HĐLĐ theo BLLĐ
Khoản 7, Điều 34 BLLĐ có quy định rằng HĐLĐ sẽ chấm dứt trong trường hợp “người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”. Theo hướng dẫn tại Điều 45 BLLĐ, “trường hợp người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động thì thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động tính từ thời điểm có thông báo chấm dứt hoạt động”. Đối chiếu với quy định của LDN thì hướng dẫn nêu trên tại Điều 45 BLLĐ cũng không giải quyết được vấn đề có liên quan đến việc chấm dứt HĐLĐ đang được đề cập trong bài viết này, vì các lý do sau đây: (1) Không xác định được “Thông báo chấm dứt hoạt động” thuộc văn bản nào theo quy trình giải thể 5 bước nêu trên; (2) Nếu có hướng dẫn “Thông báo chấm dứt hoạt động” là quyết định giải thể của doanh nghiệp theo Bước 1 thì hướng dẫn này lại mâu thuẫn với điều cấm của LDN được trích dẫn ở trên, doanh nghiệp dù tuân thủ quy định của pháp luật lao động nhưng lại vẫn vi phạm quy định có liên quan của LDN; (3) Nếu có hướng dẫn “Thông báo chấm dứt hoạt động” là Thông báo giải thể của PĐKKD theo Bước 5 ở trên thì hướng dẫn này sẽ không có ý nghĩa, vì doanh nghiệp phải chấm dứt xong tất cả các HĐLĐ tại Bước 3 ở trên thì mới có thể có Thông báo giải thể theo Bước 5, và hướng dẫn này vẫn tiếp tục đánh đố doanh nghiệp ở khía cạnh pháp luật lao động lẫn LDN. Hay nói theo một cách khác, cho dù BLLĐ có quy định về trường hợp chấm dứt HĐLĐ khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động nhưng doanh nghiệp vẫn chịu rủi ro pháp lý là bị người lao động của doanh nghiệp khởi kiện do vi phạm điều cấm của LDN.
Trên thực tế, đã từng có một doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại tỉnh B. đã bị một số người lao động của doanh nghiệp khởi kiện với lý do những người lao động đó bị chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật sau khi doanh nghiệp này chấm dứt HĐLĐ với người lao động để hoàn tất quy trình giải thể (doanh nghiệp đó có ra quyết định giải thể và có thông báo chấm dứt HĐLĐ với người lao động trước thời hạn theo đúng quy định). Tòa án cấp sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của những người lao động vì cho rằng doanh nghiệp đó đã ra quyết định giải thể thì được quyền chấm dứt HĐLĐ với người lao động của doanh nghiệp để tất toán các nghĩa vụ của doanh nghiệp và giải thể. Tuy nhiên, khi những người lao động đó kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo và tuyên rằng doanh nghiệp đó đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật vì đã vi phạm điều cấm theo Điều 205 LDN 2014 (mặc dù Điều 41 BLLĐ 2012 có quy định rõ rằng “đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt HĐLĐ không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Bộ luật này”). Bản án này đã khiến không ít doanh nghiệp và giới luật sư biết đến bản án này khá xôn xao và bàn luận. Theo phân tích của một số người trên, bản án này đã không được ban hành đúng theo quy định của pháp luật vì không căn cứ vào các quy định của BLLĐ để quyết định về một vấn đề hoàn toàn thuộc phạm vi điều chỉnh của BLLĐ. Một số người khác thì lại cho rằng thẩm phán cũng có cơ sở pháp lý khi không công nhận một hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật là đúng, vì doanh nghiệp không chỉ tuân thủ pháp luật lao động mà còn phải tuân thủ các pháp luật khác có liên quan, trong đó có LDN.
- Các hành vi bị cấm khác theo Khoản 1 Điều 205 LDN 2014, Khoản 1 Điều 211 LDN 2020
Ngoài việc bị cấm chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực, doanh nghiệp cũng còn bị cấm các hoạt động dưới đây sau khi có quyết định giải thể:
- a) Cất giấu, tẩu tán tài sản;
- b) Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
- c) Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;
- d) Ký kết hợp đồng mới trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;
đ) Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;
- g) Huy động vốn dưới mọi hình thức.
Với các quy định nêu trên như vậy, có thể thấy rằng doanh nghiệp cũng khó lòng tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật nếu muốn giải thể một cách dễ dàng và nhanh chóng. Chẳng hạn như:
- Cấm “từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ”: điều cấm này thật sự là không hợp lý đối với trường hợp doanh nghiệp đã tất toán hết các nghĩa vụ của doanh nghiệp và đang có một số đối tác lại đang nợ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp xóa nợ hoặc giảm nợ để chấm dứt hợp đồng với các đối tác này và hoàn tất việc giải thể thì sẽ vi phạm pháp luật;
- Cấm “ký kết hợp đồng mới trừ trường hợp để thực hiện việc giải thể doanh nghiệp”: điều cấm này cũng không hợp lý đối với trường hợp doanh nghiệp cần chuyển trụ sở đến một địa điểm nhỏ hơn để cắt giảm chi phí thuê văn phòng;
- Cấm “cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản”: điều cấm này sẽ không hợp lý đối với trường hợp doanh nghiệp có tài sản và cần thực hiện quyền sở hữu của mình để thu xếp tài chính; hoặc doanh nghiệp có tài sản để cho thuê trong thời gian chờ giải thể, đặc biệt là khi thời gian giải thể dự kiến sẽ kéo dài vì còn phải thực hiện việc quyết toán thuế với cơ quan thuế địa phương; và
- Cấm “huy động vốn dưới mọi hình thức”: điều cấm này sẽ không hợp lý đối với trường hợp doanh nghiệp cần thu xếp nguồn tiền để thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong thời gian chưa thanh lý tài sản hay thu hồi nợ được.
Từ những nội dung phân tích nêu trên, có thể thấy các quy định bất hợp lý và không khả thi của pháp luật không chỉ làm khó cho doanh nghiệp mà còn ẩn chứa nhiều rủi ro bất ổn về mặt xã hội, dẫn đến việc xảy ra các khiếu kiện không cần thiết. Vì vậy, các quy định này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và được điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian tới để vừa bảo đảm tính khả thi vừa tạo sự an tâm cho doanh nghiệp khi chẳng đặng đừng phải làm thủ tục đóng cửa doanh nghiệp.