Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Tranh chấp hợp đồng xây dựng và những điều cần lưu ý

tranh-chap-hop-dong-xay-dung

Tranh chấp hợp đồng xây dựng và những điều cần lưu ý

Thực trạng những năm gần đây, tranh chấp về hợp đồng xây dựng xảy ra ngày càng phổ biến và phức tạp, đặc biệt là trong quá trình thực hiện hợp đồng như tranh chấp về việc chậm trễ thực hiện nghĩa vụ thanh toán, tranh chấp về phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại. v.v. Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện công trình mà còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người nhận thầu, thậm chí là cả đời sống của người lao động. Vậy làm thế nào để hạn chế tranh chấp hợp đồng xây dựng và những điều cần lưu ý khi đối diện với những tranh chấp này là những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm tới.

Định nghĩa về hợp đồng xây dựng tranh chấp hợp đồng xây dựng

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng 2014, Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tùy theo tính chất, nội dung công việc thực hiện và giá hợp đồng áp dụng mà hợp đồng xây dựng sẽ được phân loại khác nhau.[1] Chẳng hạn như nếu theo nội dung công việc thực hiện, hợp đồng xây dựng sẽ bao gồm: Hợp đồng tư vấn xây dựng, Hợp đồng thi công xây dựng công trình, Hợp đồng cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình xây dựng, v.v. Còn nếu theo hình thức giá hợp đồng áp dụng, hợp đồng xây dựng sẽ bao gồm: Hợp đồng trọn gói, Hợp đồng theo đơn giá cố định, Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, v.v.

Từ khái niệm trên, tranh chấp về hợp đồng xây dựng là sự mâu thuẫn, bất đồng quan điểm ý kiến giữa các bên tham gia trong quan hệ hợp đồng xây dựng với nhau.

Nguyên nhân phát sinh tranh chấp về hợp đồng xây dựng

Có rất nhiều lý do có thể dẫn đến việc tranh chấp hợp đồng, tuy nhiên dưới đây là một số nguyên nhân điển hình khiến phát sinh tranh chấp:

  • Tranh chấp do không đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình: Do tác dộng của nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau như thời tiết, điều kiện về vốn, nhân lực dẫn đến nhà thầu đã thi công công trình không đảm bảo về mặt thời gian hoặc chất lượng công trình dẫn tới phát sinh tranh chấp,v.v.
  • Tranh chấp do vi phạm tiến độ thanh toán theo đúng hợp đồng: chủ đầu tư không tiến hành thanh toán đầy đủ khối lượng hoặc tìm cách gây khó khăn, chậm trễ thanh toán gây ra các thiệt hại kinh tế cho nhà thầu.
  • Tranh chấp do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn: xảy ra thiệt hại cho bên còn lại và tranh chấp xảy ra giữa các bên về yêu cầu bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng, v.v.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng theo quy định pháp luật

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp luôn là điều mà các bên cần phải lưu ý. Bởi lẽ, dù giải quyết tranh chấp bằng phương thức nào cũng phải phù hợp với nguyên tắc chung của pháp luật về lĩnh vực đó. Cụ thể đối với tranh chấp hợp đồng xây dựng như sau:[2]

  • Tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác;
  • Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật.

Như vậy khi xảy ra tranh chấp hợp đồng xây dựng, các bên có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

Thương lượng

Đây là phương thức được áp dụng đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Ưu điểm của thương lượng là các bên có thể tiến hành bằng cách gặp mặt trao đổi trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện khác như điện thoại, email, họp trực tuyến, v.v. , vì thế phương thức này rất linh hoạt, đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm. Tuy nhiên cũng bởi yếu tố tự do đó nên đồng thời cũng không có cơ chế nào bắt buộc thực hiện những điều hai bên đã thỏa thuận thành công. Nếu thương lượng không thành, các chủ thể sẽ phải tiếp tục áp dụng các phương thức khác.

Hòa giải

Hoà giải là phương thức với sự tham gia của bên thứ ba, độc lập. Nhìn chung, hòa giải có những ưu điểm và nhược điểm tương tự thương lượng, song có một số điểm khác như có sự tham gia của bên thứ ba độc lập để làm cầu nối giữa các bên trong quan hệ tranh chấp, chi phí hoà giải tốn kém hơn phương thức thương lượng và chi phí này sẽ do mỗi bên chịu một nửa hoặc tuỳ theo sự thoả thuận giữa các bên, .

Giải quyết tranh chấp tại Tòa án

Có thể nói, việc giải quyết tranh chấp bằng tòa án thường là phương thức được các bên lựa chọn sau khi áp dụng các phương thức khác không đạt được hiệu quả. Với phương thức này, việc giải quyết tranh chấp sẽ thông qua bên thứ ba là toà án và các bên phải tuân thủ theo quy định pháp luật tố tụng để tiến hành giải quyết tranh chấp. Việc giải quyết tranh chấp bằng toà án có thể được thực hiện thông qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Lưu ý rằng bản án có hiệu lực pháp luật cũng có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm. Tòa án xét xử công khai, thủ tục tố tụng chặt chẽ, các bên sẽ được bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ.

Về thẩm quyền giải quyết, liên quan đến tranh chấp hợp đồng xây dựng, trước hết cần xác định các bên tranh chấp ở đây là đối tượng nào. Trong trường hợp này, đây là tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận nên thuộc trường hợp tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Khi đó, căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền sẽ thuộc về tòa án nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, nếu không thuộc nêu trên hoặc một trong các bên ở nước ngoài hoặc có tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thì sẽ thuộc thẩm quyền của toà án nhân dân cấp tỉnh.

Ngoài ra các bên trong hợp đồng phải lưu ý tới thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng.Khoản 3 Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định: “Thời hiệu khởi kiện theo thủ tục Trọng tài hoặc thời hiệu khởi kiện lên Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật.” Chiếu theo quy định tại Điều 429 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

Để lựa chọn phương thức này, các bên phải có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài dưới dạng một điều khoản trong hợp đồng xây dựng hoặc có một thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài riêng có hiệu lực độc lập với hợp đồng.[3] Các bên có thể lựa chọn trọng tài vụ việc hoặc một Trung tâm Trọng tài cụ thể và việc giải quyết tranh chấp sẽ được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010. Phán quyết của Trọng tài không thể bị kháng cáo và bắt buộc các bên phải thi hành. Phán quyết của Trọng tài có thể được đưa tới cơ quan thi hành án để được cưỡng chế thi hành và có thể được cho công nhận và thi hành tại các quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên Công ước NewYork về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên, phán quyết của Trọng tài có thể bị xem xét lại, có thể bị hủy bởi Tòa án.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có xu hướng lựa chọn hình thức xử lý tranh chấp bằng Trọng tài thương mại, bởi nó đáp ứng được những yêu cầu cơ bản trong nền kinh tế thị trường như: Nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm, không cản trở hoặc hạn chế đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các bên, đặc biệt là bảo đảm yếu tố giữ bí mật kinh doanh và uy tín kinh doanh của các bên…

Các bên cần lưu ý gì khi giao kết và thực hiện hợp đồng xây dựng để tránh xảy ra tranh chấp?

4.1 Xây dựng mẫu hợp đồng chuẩn

Để tránh tranh chấp, ngay từ đầu, hai bên cần xây dựng mẫu hợp đồng với các điều khoản rõ ràng, cụ thể, tránh sử dụng những thuật ngữ mơ hồ, không rõ nghĩa. Các bên phải xác định rõ trách nhiệm, phạm vi công việc của hai bên, mọi phát sinh hoặc yêu cầu thể hiện bằng văn bản, sửa đổi hợp đồng rõ ràng, đúng quy trình theo hợp đồng, vì sẽ rất khó xác định trách nhiệm nếu dựa trên lời nói hoặc ý định nhưng không được thể hiện bằng văn bản hoặc không đúng hình thức văn bản. Bên cạnh đó, các bên cũng cần xây dựng mẫu hợp đồng xây dựng phù hợp với quy định pháp luật. Trong trường hợp áp dụng pháp luật Việt Nam, các nội dung chủ yếu của hợp đồng xây dựng được quy định tại luật xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành (tham khảo Thông tư 02/2023/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 03/03/2023 hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng). Trong trường hợp hợp đồng có yếu tố nước ngoài, các bên có thể tham khảo mẫu hợp đồng FIDIC. Đây là loại hợp đồng do Hiệp hội Các kỹ sư tư vấn quốc tế biên soạn. Đây là hình thức tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến nhất của hợp đồng xây dựng, kỹ thuật quốc tế được chấp nhận rộng rãi trên thế giới hiện nay, thường được sử dụng trong các lĩnh vực xây dựng và kỹ thuật dành cho các dự án đầu tư quốc tế lớn và nhỏ mà các bên sử dụng ngôn ngữ khác nhau, có quốc tịch khác nhau và đến từ các khu vực pháp lý khác nhau.

4.2 Thành lập Ban xử lý tranh chấp để hỗ trợ giải quyết cụ thể các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, tránh để tranh chấp bị đẩy ra trọng tài hay tòa án.

4.3 Tạo lập phần mềm để quản lý hồ sơ, ghi nhận hồ sơ hay công văn đến, công văn đi, đảm bảo mọi công văn được trả lời đầy đủ. Việc quản lý hồ sơ tuy ít được nhắc đến nhưng trên thực tế là tối quan trọng để bảo vệ quyền lợi của mỗi bên.

4.4 Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng. Trong trường hợp có phát sinh mâu thuẫn, các bên nên tiến hành thương lượng trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên.

 

[1] Điều 140.1 Luật Xây dựng 2014

[2] Điều 146.8 Luật Xây dựng 2014

[3] Điều 5.1 Luật Trọng tài thương mại năm 2010