Tranh Chấp Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa
Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể trong quan hệ mua bán hàng hóa.
Theo quy định tại Điều 24 của Luật Thương mại 2005, hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là những bất đồng, mâu thuẫn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa bên bán và bên mua, có thể liên quan đến việc thực hiện không đúng hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã được ghi nhận trong hợp đồng mua bán hàng hóa và quy định của pháp luật có liên quan. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa cũng có thể phát sinh từ việc giải thích từ ngữ trong hợp đồng, việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng hay trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Hiện nay, các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa diễn ra thường xuyên và có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu được thống kê trên trang Thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao, tính từ đầu năm 2020 đến tháng 07 năm 2021 đã có tới 1031 bản án, quyết định về giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa được công bố. Số liệu này là chưa bao gồm những tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa được giải quyết thông qua phương thức thương lượng, hòa giải và Trọng tài thương mại.
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó bao gồm cả nguyên nhân chủ quan như sự cố tình vi phạm nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng, và nguyên nhân khách quan như các sự kiện bất khả kháng xảy ra nhưng các bên chưa dự trù được sự kiện này khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, mà có thể nhắc đến trong tình hình hiện tại là sự kiện đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn thế giới.
Các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa phổ biến như:
- Tranh chấp do chủ thể ký kết hợp đồng không có thẩm quyền ký kết;
- Tranh chấp về đối tượng của hợp đồng;
- Tranh chấp do bên bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng;
- Tranh chấp do bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán;
- Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng;
- Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá liên quan đến nghĩa vụ bảo hành hàng hóa
Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Theo quy định của Luật Thương mại 2005, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên có thể giải quyết bằng các con đường (i) thương lượng, (ii) hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải, (iii) giải quyết tại Trọng tài thương mại và (iv) giải quyết tại Tòa án.
Để hạn chế những thiệt hại phát sinh từ việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, trước khi tiến hành ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên cần phải soạn thảo các điều khoản trong hợp đồng một cách chặt chẽ, rõ ràng và chi tiết, đồng thời nên dự trù trước tất cả các tình huống có thể xảy ra cũng như cách thức xử lý chúng. Mọi chi tiết chưa rõ ràng cần phải làm sáng tỏ ngay để tránh phát sinh những tranh chấp và thiệt hại không đáng có.
Trên đây là nội dung khái quát về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về vấn đề tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty tư vấn chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty tư vấn chuyên về pháp luật kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Sở Hữu Trí Tuệ, Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những công ty luật cung cấp dịch vụ pháp lý tối ưu và hiệu quả đến Quý Khách hàng.