Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Single Blog Title

hop-dong-lao-dong

Tranh Chấp Hợp Đồng Lao Động Và Những Lưu Ý Khi Tranh Chấp Tại Toà Án

Tranh chấp hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án cấp Huyện[1].Theo đó, người lao động có quyền khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền khi nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình được pháp luật quy định hoặc được quy định tại hợp đồng lao động bị xâm phạm. Các tranh chấp liên quan đến hợp đồng thường rất đa dạng. Theo quy định của pháp luật, khi có tranh chấp lao động cá nhân xảy ra, tranh chấp này phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết. Tuy nhiên Điều 188 Bộ Luật Lao động đã chỉ rõ một số loại tranh chấp hợp đồng lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải như sau:

  1. Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
  2. Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
  3. Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
  4. Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
  5. Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  6. Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Quy định này được xem là để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, vốn là bên yếu thế và dễ tổn thương trong quan hệ lao động. Việc cho phép người lao động kiện thẳng ra Toà án mà không cần qua các thủ tục hoà giải đã rút gọn quy trình tố tụng để thuận tiện nhất cho người lao động khi tham gia tố tụng tại Toà án.

Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp hợp đồng lao động là 01 năm[2], kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Thời hạn giải quyết đối với tranh chấp hợp đồng lao động tại Toà án bao gồm:

  1. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án lao động là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì được gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử thêm 01 tháng[3];
  2. Thời hạn mở phiên tòa là 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng[4].

Những lưu ý khi tranh chấp tại Toà án liên quan đến quy trình khởi kiện:

  • Bước 1. Nộp đơn khởi kiện[5]

Người khởi kiện chuẩn bị đơn khởi kiện kèm tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm và gửi đến Toà án có thẩm quyền qua các hình thức:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
  • Bước 2. Nộp tiền tạm ứng án phí[6]

Bên khởi kiện có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trừ một số những trường hợp Người lao động khởi kiện liên quan đến các nội dung sau đây sẽ được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:

  1. Tiền lương;
  2. Trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc;
  3. Bảo hiểm xã hội;
  4. Tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  5. Giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
  • Bước 3. Chuẩn bị xét xử và Hoà giải

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án[7].

  • Trường hợp các bên hoà giải thành thì sau thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự[8].

Lưu ý: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm[9].

  • Trường hợp các bên hoà giải không thành thì sau khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
  • Bước 4. Tham dự phiên toà sơ thẩm
  • Bước 5. Thi hành bản án của Toà án hoặc tiến hành kháng cáo

Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Sau thời hạn này, bản án của Toà án sẽ có hiệu lực và các bên có nghĩa vụ phải thi hành[10].

[1] Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

[2] Điều 190.3 Bộ Luật Lao Động 2019

[3] Điều 203.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

[4] Điều 203.4 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

[5] Điều 190.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

[6] Điều 146.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Điều 12.1(a) Nghị quyết 326/2016/UBTVQH1

[7] Điều 205 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

[8] Điều 212.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

[9] Điều 213.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

[10] Điều 273.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015