Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát trên phương tiện giao thông cá nhân – nên hay không nên?

camera-phuong-tien-giao-thong

Quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát trên phương tiện giao thông cá nhân – nên hay không nên?

Vừa qua, Bộ Công an đã tiến hành lấy ý kiến về Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (lần 4). Tại dự thảo này, không khó để nhận thấy một nội dung mới có tác động trực tiếp đến đại bộ phận người dân chính là quy định về việc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe (camera) trên phương tiện cơ giới, bao gồm cả phương tiện cá nhân. Cụ thể, Bộ Công an đề xuất xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông cần có thiết bị giám sát hành trình và camera hành trình. Tuy nhiên, nội dung này đang có nhiều ý kiến trái chiều vì những lo ngại về tính khả thi và sự ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người tham gia giao thông.

Chức năng và đặc điểm của thiết bị giám sát và camera trên phương tiện giao thông đường bộ

Trước hết, cần có sự phân biệt giữa thiết bị giám sát và camera hành trình bởi lẽ đây là hai thiết bị độc lập, có công dụng và tính năng hoàn toàn khác nhau. Tuy không được định nghĩa một cách chính thức trong văn bản pháp luật, dựa trên tính năng và đặc điểm, có thể hiểu rằng thiết bị giám sát hành trình (hay còn được biết đến là “hộp đen”) thường được sản xuất dưới dạng hộp vuông hoặc chữ nhật, có khả năng kết nối internet, được gắn vào như môt bộ phận của xe ô tô. Thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi lại và lưu trữ âm thanh, hình ảnh khi ô tô di chuyển hoặc ngay cả khi dừng đỗ và sẽ cung cấp những thông tin quan trọng như lộ trình, tốc độ, vị trí của phương tiện và một số thông tin khác tùy thuộc vào công nghệ được tích hợp. Mặt khác, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe là một dạng camera được gắn bên trong cabin ô tô, hiển thị toàn bộ hình ảnh của người lái xe và các hành khách đang ngồi bên trong xe.

Với các tính năng được mô tả như thế, hai loại thiết bị này được nhiều chủ sở hữu phương tiện trang bị trên xe ô tô của mình bởi tính ứng dụng cao của chúng. Thứ nhất, trang bị này giúp lái xe dễ dàng hơn trong việc quan sát, tránh được những tình huống bất ngờ, di chuyển qua các cung đường chật hẹp, tránh bị hạn chế tầm nhìn khi ngồi trong buồng lái. Thứ hai, các thiết bị này có thể được kích hoạt chức năng gửi hình ảnh và định vị về điện thoại hoặc máy tính của chủ phương tiện, việc này giúp chủ phương tiện theo dõi được lộ trình khi cho người khác sử dụng xe, đề phòng rủi ro bị mất trộm, hay có dữ liệu, hình ảnh để chứng minh trong những tình huống xảy ra tranh cãi khi tham gia giao thông bị va quẹt. Thứ ba, đây là công cụ giúp người dân cung cấp hình ảnh ghi được từ camera hành trình của xe mình và gửi lên cơ quan công an có thẩm quyền nhằm phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông.

camera-tren-phuong-tien-giao-thong

(Nguồn ảnh: suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn)

Quy định hiện hành về việc lắp đặt thiết bị giám sát và camera trên phương tiện giao thông đường bộ

Hiện nay, quy định bắt buộc trang bị thiết bị giám sát và camera hành trình chỉ mới được áp dụng cho các loại xe vận tải chở người từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe tải chở hàng từ ngày 01/7/2023. Trong đó, thời gian lưu trữ trên thiết bị tối thiểu là 24 giờ với xe có hành trình đến 500 km và tối thiểu là 72 giờ với cự ly trên 500 km. Quy định này bắt nguồn từ việc ngành giao thông đang phải đối mặt với những thách thức trong việc quản lý hoạt động của các loại hình vận tải như xe ghép, xe đi chung và xe trung chuyển. Tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý nhà nước, một số xe cá nhân đã tổ chức chở khách liên tỉnh, tạo ra hỗn loạn trong ngành kinh doanh vận tải và gây áp lực lên các đơn vị kinh doanh vận tải khác như taxi và xe chở khách tuyến cố định. Những xe dịch vụ này, hoạt động dưới danh nghĩa xe cá nhân, không đăng ký kinh doanh vận tải và không thay đổi biển số màu vàng, do đó gây ra khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra và xử lý các vi phạm có liên quan.

Do đó, tại điểm c, Khoản 1, Điều 33 Dự thảo lần thứ 4 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất nội dung về việc xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông cần có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe. Nếu quy định mới được thông qua, đối tượng áp dụng sẽ rộng hơn, bao gồm toàn bộ xe cá nhân chở người đến 9 chỗ ngồi, máy kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều mà trong đó nổi bật là vấn đề quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Nếu quy định lắp thiết bị giám sát, thu thập dữ liệu, hình ảnh của người lái xe, tức là camera giám sát bên trong xe thì điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của cá nhân và lo ngại những hình ảnh nhạy cảm, vị trí, lịch trình di chuyển bị lộ, lọt ra bên ngoài và gây ra những hậu quả không đáng có.

Nhìn ra thế giới, quy định bắt buộc trang bị thiết bị giám sát và camera hành trình được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản và đã có những hướng tiếp cận nhất định. Tại Anh, Luật giám sát hành trình (UK Vehicle Tracking Laws) không chỉ dựa trên các luật cơ bản giống như Việt Nam như Luật Giao thông đường bộ, mà chủ yếu được dựa trên Đạo luật bảo vệ dữ liệu 1998, Đạo luật nhân quyền 1998, Đạo luật Bảo vệ khỏi sự Quấy rối 1997, Quy định về Đạo luật Quyền hạn Điều tra 2000 và cả Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của EU (General Data Protection Regulation – GDPR). Bởi vì camera giám sát hành trình liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân, các quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân thế nên việc lắp đặt camera quan sát hành trình hiện chỉ được áp dụng cho việc kiểm soát người lao động của các doanh nghiệp, tuy nhiên phải đảm bảo được các quyền cơ bản của người lao động . Tương tự, ở Hoa Kỳ, việc lắp đặt thiết bị giám sát và theo dõi vị trí là bất hợp pháp tại một số bang, và ở một số bang khác thì việc lắp đặt camera hành trình chỉ được thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt. Còn tại Ấn Độ, Bộ Giao thông Đường bộ và Đường cao tốc (MoRTH) chỉ quy định tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải trang bị thiết bị theo dõi vị trí.

Tác động của quy định bắt buộc lắp đặt camera trên phương tiện giao thông cá nhân

Thứ nhất, vấn đề dễ nhận thấy nhất khi Dự thảo này được thông qua là tác động đến tính kinh tế của chủ sở hữu phương tiện. Hiện nay, có nhiều loại sản phẩm giám sát hành trình và camera trên thị trường với giá dao động từ 1-3 triệu đồng/bộ. Kèm theo công lắp đặt, chủ sở hữu phương tiện cá nhân có thể phải bỏ ra thêm từ 3,5 đến 4 triệu đồng (ngoài tiền mua xe) để tuân thủ quy định trên. Với một số loại sản phẩm tích hợp phần mềm quản lý, truyền dữ liệu, lưu trữ đám mây, người dùng có thể phải trả thêm chi phí sử dụng hàng tháng. Những chi phí này được nhiều người cho rằng là không cần thiết và tốn kém khi chủ sở hữu phương tiện vốn đã phải chi trả một khoản tiền lớn để duy trì việc sử dụng xe thường xuyên. Hơn nữa, khi quy định bắt buộc phải gắn các thiết bị phụ trợ, các nhóm lợi ích sẽ theo đó có thể hình thành để chuyên cung cấp các thiết bị này. Những showroom ô tô cũng có thể câu kết với các đại lý cung cấp thiết bị giám sát và camera để đẩy giá sản phẩm lên cao và người sử dụng sẽ luôn là đối tượng phải gánh chịu sau cùng.

Thứ hai, không phải bất kỳ loại xe nào đang lưu hành trên thị trường cũng có thể lắp đặt các thiết bị nói trên. Đối với những phương tiện cũ, việc lắp đặt thiết bị giám sát và camera hành trình có thể gây ảnh hưởng đến các mạch điện tử, làm phát sinh nguy cơ mất an toàn. Từ đây phát sinh thêm vấn đề về đăng kiểm với một câu hỏi quan trọng đặt ra là can thiệp và lắp đặt các thiết bị trên như thế nào để có thể đảm bảo an toàn và được phép lưu thông.

Thứ ba và cũng có lẽ là vấn đề “nóng” nhất, đó chính là những lo ngại về quyền riêng tư và vấn đề xử lý dữ liệu cá nhân. Với việc Nghị định 13/2023/NĐ-CP được ban hành, dữ liệu cá nhân đã được định nghĩa cụ thể và phần nào có cơ chế để thu thập và xử lý mà không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu. Xét đến trường hợp lắp đặt thiết bị giám sát và camera hành trình ghi lại hình ảnh trong buồng lái, các thông tin thuộc dữ liệu nhạy cảm sẽ được thu thập và lưu trữ. Tuy nhiên, tại Dự thảo lần 4 này, nhà làm luật chưa đưa ra trình tự cụ thể để thu thập, xử lý dữ liệu của chủ phương tiện cũng như các trường hợp nào thì được phép thu thập và xử lý. Hơn nữa, việc thiếu quy định còn có thể dẫn đến sự lạm dụng và xâm phạm thông tin cá nhân bất hợp pháp từ những cá nhân có mục đích xấu. Nếu chưa thể đưa ra một khung pháp lý chặt chẽ và xây dựng một hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu cá nhân đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được bảo vệ thì đề xuất trên của Bộ Công an chưa thật sư hợp lý tại thời điểm này.

camera-tren-phuong-tien-giao-thong

(Nguồn ảnh: congthuong.vn)

Phản hồi của Bộ Công an về vấn đề này?

Theo như cập nhật mới nhất, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đã đính chính trên báo rằng “đây không phải bắt buộc mà lực lượng chức năng chỉ khuyến khích người dân tự lắp camera hành trình trên ô tô cá nhân để bảo vệ mình trong các tình huống mất an toàn giao thông”

Như vậy, có thể nhận thấy Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước liên quan cũng đã có sự lắng nghe ý kiến của hàng triệu người dân – những đối tượng đang tham gia giao thông hàng ngày và chịu tác động trực tiếp khi Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023 tới. Việc quy định bắt buộc camera trên phương tiện giao thông cá nhân như câu chữ trong Dự thảo hiện nay là chưa hợp lý và thiếu tính khả thi. Do đó, nhà làm luật cần nêu được chính xác và cụ thể trong văn bản luật chính thức rằng quy định lắp đặt thiết bị giám sát và camera trên phương tiện cá nhân là không bắt buộc và chủ phương tiện được khuyến khích thực hiện nhằm bảo vệ tốt nhất sự an toàn của họ khi tham gia giao thông.