Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

#Binhdanggioi #2022 HỤ NỮ CHUYỂN GIỚI KHÔNG PHẢI PHỤ NỮ?

#binhdanggioi #2022 Hụ Nữ Chuyển Giới Không Phải Phụ Nữ?

PHỤ NỮ CHUYỂN GIỚI KHÔNG PHẢI PHỤ NỮ?

Tác giả: Chu Huệ Mẫn – Phước và Các Cộng Sự

 

Bình đẳng giới là gì?

Bình đẳng giới đã được các nhà làm luật ở Việt Nam nhìn nhận và quy định trong các văn bản pháp luật, với mục đích giúp nâng cao nhận thức  người dân để từ đó có sự tiếp cận gần hơn về cách hiểu của cụm từ “Bình đẳng giới”. Trong Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới[1]. Đồng thời, khái niệm về Bình đẳng giới cũng được quy định một cách rõ ràng hơn tại Luật Bình đẳng giới 2006 (“LBĐG”), cụ thể, Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó[2]. Hiểu theo một cách khác về các quy định trích dẫn nêu trên thì Bình đẳng giới là việc xóa bỏ phân biệt đối xử giữa hai giới tính nam và nữ trong mọi điều kiện, tạo cơ hội phát triển năng lực một cách phù hợp theo khả năng dựa trên sự khách biệt về giới trong mọi lĩnh vực. Qua đó, pháp luật đã công nhận vị thế được tôn trọng, đối xử như nhau trong xã hội tiên tiến phát không phân biệt dù là giới tính nào.

Xã hội ngày nay phát triển, chúng ta đã dần dần chấp nhận việc mở rộng hơn trong danh mục giới tính bên cạnh hai giới tính đối lập nhau là nam và nữ. Một thực tế trong xã hội văn minh đã tiếp nhận thêm các giới tính khác mà từ đâu được biết đến là các giới tính thứ ba. Một danh từ chung về giới tính thứ ba tuy chưa được định vị và xác định các quyền bình đẳng về giới tính trong văn bản pháp luật Việt. Sự đa dạng về giới tính đã cho chúng ta thấy được khái niệm bình đẳng giới không chỉ nên được gói gọn trong hai giới tính nam – nữ mà còn nên được xem xét mở rộng đối với các giới tính khác. Ví dụ như, các thách thức mà những người chuyển đối giới tính phải đối mặt đã được xã hội và pháp luật công nhận đúng với bản chất giới tính của mình hay bằng việc tạo ra một trật tự về Bình đẳng giới khác. Vì bởi, theo cách hiểu về bình đẳng giới với những người trong thế giới thứ ba thật sự rất rộng, bài viết này tác giả mong muốn đề cập đến xem xét liệu khi pháp luật cho phép xác định lại giới tính thì những người chuyển đổi giới tính nữ đã được pháp luật xem xét một cách bình đẳng.

Phụ nữ chuyển giới không phải phụ nữ?

Đây là một câu hỏi có nhiều câu trả lời gợi mở khác nhau, một đặc điểm thường được xã hội nhìn nhận về giới tính nữ được dựa trên chức năng sinh sản của giới. Vì vậy, những người chuyển đổi giới tính thường bị một số ít thành phần trong xã hội có định kiến cho rằng phụ nữ chuyển giới không phải là phụ nữ thông thường vì đặc điểm này. Hơn nữa, những thành phần xã hội không đồng cảm với cộng đồng LGBT[3] lại tự cho họ có quyền được mạt sát, chê bai và thậm chí là kì thị những người chuyển giới nữ. Chưa hết, đâu đó trong xã hội tiên tiến hiện đại vẫn còn một số người không chấp sự tồn tại của giới tính thứ ba và cho rằng đây là một căn bệnh, một trào lưu của giới trẻ cần phải được chấm dứt. Chúng ta cứ nghĩ rằng, giới tính thứ ba là những gì thuộc về hiện tại và tương lai, quá khó để con người có thể tiếp nhận nhưng việc tồn tại đa giới tính thực chất đã xuất hiện từ rất lâu. Đồng thời, việc chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ cũng không phải mới được thực hiện và trở nên phổ biến trong những năm gần đây.

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật trong và ngoài nước về đề tài giới tính thứ ba. Ở nước ta, “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu đã từng có những tác phẩm về đề tài đồng tính, tiêu biểu nhất là hai tập thơ “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”. Trên thế giới cũng có vô vàn tác phẩm đã sớm phản ánh được sự tồn tại của giới tính thứ ba, nhưng vì đây là một chủ đề khá nhạy cảm nên sự quan tâm, hiểu biết của mọi người về giới tính này vẫn còn bị hạn chế. Một trong số các tác phẩm tạo được tiếng vang to lớn về chủ đề giới tính thứ ba đó là “The Danish girl”. Đây là một bộ phim được lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật của họa sĩ nổi tiếng thời đó – Einar Wegener. Người họa sĩ trên đã sớm nhận ra được bản ngã Lili Elbe trong mình và luôn khao khát được sống đúng với con người thật của cô. Cô chính là người chuyển giới đầu tiên trong lịch sử nhân loại được ghi nhận. Tuy rằng thời gian được sống với bản ngã của mình rất ngắn ngủi nhưng đối với cô, đó chính là những ngày tháng hạnh phúc nhất cuộc đời. Bộ phim với lời gửi gắm “Find the courage to be yourself” tạm được dịch là “Sự can đảm để là chính mình” đã cho chúng ta thấy được một sự rung cảm đẹp đẽ, nhân văn về khao khát tìm lại chính mình của người họa sĩ đa tài khi vượt lên mọi định kiến của xã hội về giới tính lúc bấy giờ.

Hiện nay pháp luật Việt Nam đã có quy định về việc chuyển đổi giới tính. Theo Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi[4]. Với quy định trên đây, người chuyển giới sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo đúng giới tính mới của họ. Đây được xem là quy định tiến bộ phù hợp với góc độ pháp luật quốc tế khi Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc đang ra sức khuyến khích các quốc gia thành viên sớm ban hành thừa nhận tính hợp pháp của việc chuyển giới, song song với việc đảm bảo thực thi và cung cấp các giấy tờ chứng minh về quyền nhân thân của những cá nhân chuyển giới.Tuy nhiên, việc chuyển đổi giới tính ở Việt Nam không đồng nghĩa với việc được thay đổi giới tính trên giấy tờ pháp lý cá nhân. Pháp luật Việt Nam vẫn đang xem xét và xây dựng Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính để làm cơ sở cho việc hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc cập nhật giới tính mới của người chuyển giới trên các giấy tờ liên quan đến giới tính. Họ áp đặt những đặc tính của phụ nữ thông thường lên những người chuyển giới nữ là thật sự khắt khe và còn quá nhiều định kiến giới. Xã hội hiện đại cùng với sự tồn tại của đa giới tính, chúng ta càng phải đấu tranh “bình đẳng giới” cho những người chuyển giới nữ và rộng hơn nữa là những người giới tính thứ ba. Họ cần phải được “bình đẳng giới” trong mọi lĩnh vực. Năm 2022 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử cuộc thi hoa hậu Miss Universe Việt Nam chấp nhận cho một thí sinh chuyển giới nữ được tham gia chinh chiến trên đấu trường nhan sắc mặc dù thí sinh đó vẫn mang giới tính nam trên giấy tờ pháp lý. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy Việt Nam chúng ta đã dần tạo cơ hội cũng như có cái nhìn rộng mở hơn cho những người chuyển giới được tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong đời sống. Như vậy, về mặt pháp lý, những người chuyển giới vẫn chưa được công nhận giới tính mới trên giấy tờ nhưng về mặt thực tiễn, pháp luật Việt Nam đã phần nào công nhận những người chuyển giới theo đúng giới tính thật sự của họ.

Thách thức đối với phụ nữ chuyển giới làm luật sư

Không khó để chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm được những thông tin về người chuyển giới nắm giữ chức vụ cao ở các cơ quan chính trị trên thế giới[5], điều này cho thấy sự đấu tranh về Bình đẳng giới đã có kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong một số ngành nghề mang tính đặc thù cao như luật vẫn còn vấp phải khá nhiều định kiến về bình đẳng giới. Tại Việt Nam, số liệu công khai về người chuyển giới đặc biệt là chuyển giới nữ giữ chức vụ cao trong các ngành nghề vẫn chưa có số liệu về giới công bố cụ thể. Với ngành luật, Việt Nam hiện nay vẫn chưa ghi nhận luật sư nào là người chuyển giới hoặc người thuộc thế giới thứ ba. Mặc dù điều kiện để trở thành luật sư không bị giới hạn về vấn đề giới tính nhưng có vẻ vì tính chất đặc thù cao của ngành nghề mà những người chuyển giới nữ vẫn chưa thể mạnh dạn công khai về giới tính mà họ luôn mong muốn. Một nghiên cứu thực tế cho thấy, “45% người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới[6]. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Isee vào tháng 2/2016 được thực hiện với gần 3.000 người LGBT tại Việt Nam thì “tỷ lệ người chuyển giới bị từ chối khi xin việc (59.0%) cao gấp ba lần so với nhóm đồng tính và song tính (19.6%)”[7]. Qua các con số trên đã phần nào phản ánh được thực trạng của những người chuyển giới khi đi xin việc làm vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn rào cản của xã hội. Cơ hội để họ xin được việc làm còn khó khăn hơn nhiều so với giới tính khác trong chính cộng đồng LGBT của họ. Có thể nói, người chuyển giới tại nước ta, đặc biệt là chuyển giới nữ rất khó để tìm được một công việc “đàng hoàng”. Do đó, những ngành nghề như luật, công an hay chính trị thì tỉ lệ người chuyển giới nữ được nhận vào làm là vô cùng hiếm.

Bên cạnh khó khăn về đặc thù của ngành nghề đối với giới tính, những người chuyển giới nữ còn vấp phải khó khắn đến từ chính những người đồng nghiệp của họ. Mặc dù chúng ta đang sống trong một thế giới tiến bộ và bình đẳng nhưng những người chuyển giới nữ cũng không thể tránh khỏi được sự kì thị đến từ đồng nghiệp. Sự kì thị trong chính môi trường làm việc không lành mạnh sẽ khiến những người chuyển giới nữ dần dần tự mình đào thải chính bản thân ra khỏi công việc.

Với tư cách là những người làm nghề luật, tác giả nhận thấy giới tính không giới hạn khả năng và chúng ta có quyền bình đẳng. Chính vì lẽ đó, mong muốn của tác giả chính là chia sẻ một quan điểm, tiếng nói riêng góp phần tạo nhiều cơ hội hơn cho những người chuyển giới, đặc biệt là chuyển giới nữ. Song song đó, với quan điểm chia sẻ các khó khăn của ngành nghề và sự kỳ thị không nên có trong công việc được nêu lên trong bài viết sẽ được đọc giả xem xét ủng hộ. Tuy rằng việc thay đổi các quy định pháp luật cũng không thể xóa bỏ hoàn toàn sự phân biệt đối xử đối với người trong cộng đồng LGBT nhưng ít nhiều cũng tạo cho họ có được những cơ hội để phát triển năng lực trong mọi lĩnh vực, được tôn trọng và đối xử như các giới tính khác và được hưởng những quyền bình đẳng như những giới tính khác./.

[1] Điều 26.1 Hiến pháp 2013

[2] Điều 3.5 Luật bình đẳng giới 2006

[3] Thuật ngữ LGBT viết tắt của cộng đồng những người đồng tính (“Lesbian” (đồng tính nữ), “Gay” (đồng tính nam), “Bisexual” (lưỡng tính) và “Transgender” (chuyển giới)), được ra đời từ những năm 1990, dùng để miêu tả các xu hướng giới tính.

[4] Điều 37 BLDS 2015

[5] Danh sách những người LGBT công khai đầu tiên nắm giữ chức vụ ở các cơ quan chính trị – Wikipedia tiếng Việt

[6] https://scdi.org.vn/tin-tuc/45-nguoi-chuyen-gioi-la-nu-sinh-bi-tu-choi-viec-lam/

[7] https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/doanh-nghiep-tuyen-ung-vien-dong-tinh-chuyen-gioi-tin-hieu-tich-cuc-20210407104637862.htm#:~:text=Theo%20Nghi%C3%AAn%20c%E1%BB%A9u%20%22C%C3%B3%20ph%E1%BA%A3i,v%C3%A0%20song%20t%C3%ADnh%20(19.6%25).