HƯỚNG DẪN THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NGOẠI QUỐC TẠI VIỆT NAM
Xu hướng toàn cầu hoá với sự mở rộng nhanh chóng của các tập đoàn đa quốc gia dẫn đến dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang dần vươn lên chiếm vị thế quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, từ đó đặt ra nhu cầu lớn cho việc sử dụng người lao động nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia và người quản lý doanh nghiệp. Mặc dù vậy, chính sách của Việt Nam luôn dành sự ưu tiên cho người lao động trong nước để giải quyết vấn đề việc làm và đảm bảo an ninh xã hội. Bởi vậy, người ngoại quốc muốn làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định pháp luật trước khi được nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc, trong đó quan trọng nhất là thủ tục xin giấy phép lao động. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra Hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép lao động cho người ngoại quốc tại Việt Nam để giúp người lao động nước ngoài và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng người ngoại quốc theo dõi và thực hiện.
-
Điều kiện để người ngoại quốc làm việc tại Việt Nam
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, người ngoại quốc (hay còn gọi là người nước ngoài) được phép làm việc ở Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cấp, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
-
Đối tượng không thuộc diện cấp giấy phép lao động tại Việt Nam
Theo quy định pháp luật, người ngoại quốc làm việc tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động, trừ những đối tượng người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, bao gồm:
- Chủ sở hữu/ thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Chủ tịch/ thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 03 tỷ đồng trở lên.
- Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
- Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
- Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
- Vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm.
- Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam.
- Luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam .
- Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận vào Việt Nam để (i) Giảng dạy, nghiên cứu hoặc (ii) Làm nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập.
- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.
- Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA.
- Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy hoặc làm nhà quản lý, giám đốc điều hành tại cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia
- Tình nguyện viên: làm việc tại Việt Nam theo hình thức tự nguyện và không hưởng lương để thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
- Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam.
- Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết.
- Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
- Có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
- Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.
-
Thủ tục xin cấp giấy phép lao động tại Việt Nam
Trước khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho ngoại quốc làm việc tại Việt Nam, người sử dụng lao động phải đăng thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển người lao động nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập. Trường hợp không tuyển dụng được người lao động Việt Nam thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động ngước ngoài, nộp báo cáo giải trình với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội[1]. Sau khi có được chấp thuận của Sở về việc sử dụng người lao động nước ngoài với từng vị trí công việc, thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài sẽ được thực hiện như sau:
Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động
Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động gồm có:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của NSDLĐ. Trường hợp người ngoại quốc làm việc cho một NSDLĐ tại nhiều địa điểm thì trong văn bản đề nghị cấp Giấy phép lao động phải liệt kê đầy đủ các địa điểm làm việc;
- Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ hoặc giấy chứng nhận có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp. Văn bản không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ;
- Văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật và một số nghề, công việc theo quy định pháp luật;
- 02 ảnh màu (kích thước 4 cm x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
- Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
- Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc bản sao hộ chiếu có xác nhận của người sử dụng lao động còn giá trị.
- Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài chứng minh thuộc các hình thức vào làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 2.1 Nghị định 152/2020/NĐ-CP
Các giấy tờ phải được hợp pháp hoá lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác.
Chủ thể nộp hồ sơ[2]
- Người sử dụng lao động đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc theo các hình thức: thực hiện hợp đồng lao động; di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; tình nguyện viên; nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; tham gia thực hiện các gói thầu, dự án.
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam mà người lao động nước ngoài đến làm việc theo hình thức thực hiện các loại hợp đồng hoặc nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng.
- Người lao động nước ngoài vào Việt Nam để chào bán dịch vụ hoặc người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.
Trình tự nộp và giải quyết hồ sơ
Bước 1: Trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, chủ thể theo quy định nộp 01 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.[3]
Lệ phí cấp giấy phép lao động do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Mức thu lệ phí cấp mới giấy phép lao động tại Hà Nội hiện nay là 400.000 đồng/01 giấy phép, trường hợp người sử dụng lao động nộp qua dịch vụ công trực tuyến là 250.000 đồng/01 giấy phép.[4] Mức thu lệ phí cấp mới giấy phép lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là 600.000 đồng/1 giấy phép.[5]
Việc nắm rõ các thủ cấp giấy phép lao động không chỉ giúp doanh nghiệp và người lao động thực hiện thủ tục một cách hợp pháp mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro pháp lý, tiết kiệm thời gian và chi phí. Từ việc xem xét điều kiện, chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ đến việc nhận giấy phép lao động, mỗi bước đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và hiểu biết về quy định pháp luật hiện hành. Hy vọng bài viết Hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép lao động cho người ngoại quốc tại Việt Nam trên đây sẽ giúp doanh nghiệp cũng như người lao động nước ngoài có thể thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động một cách nhanh chóng và hợp pháp.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép lao động cho người ngoại quốc tại Việt Nam mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Điều 4.1(c) Nghị định 152/2020/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Điều 1.2 Nghị định 70/2023/NĐ-CP
[2] Điều 11.1 Nghị định 152/2020/NĐ-CP
[3] Điều 11.2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP
[4] Danh mục phí, lệ phí theo Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND
[5] Nghị quyết 09/2022/NQ-HĐND