Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Đối Mặt với Rủi Ro Bảo Mật Trí Tuệ và Cách Ngăn Chặn Chúng

bao-mat-tri-tue

Đối Mặt với Rủi Ro Bảo Mật Trí Tuệ và Cách Ngăn Chặn Chúng

Trong thời đại số hóa ngày nay, vấn đề bảo mật các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ là một thách thức ngày càng lớn đối với cả cá nhân và tổ chức. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã mở ra không gian rộng lớn cho việc trao đổi thông tin và sáng tạo, nhưng đồng thời cũng mang lại rủi ro ngày càng phức tạp từ việc xâm nhập, vi phạm bản quyền và các hành vi vi phạm khác về sở hữu trí tuệ. Trong bối cảnh này, việc hiểu biết và đối mặt với những rủi ro trở thành một yêu cầu cấp bách không chỉ với cá nhân mà đặc biệt với các doanh nghiệp trên thị trường. Như vậy, làm thế nào để đối mặt với rủi ro bảo mật trí tuệ và cách ngăn chặn chúng là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm tới.

  1. Rủi ro từ việc quản lý người lao động

Tại mỗi doanh nghiệp, việc quản lý nguồn nhân lực để bảo mật tài sản là đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (“Tài Sản Trí Tuệ”) là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tài sản trí tuệ có thể bao gồm bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ hoặc các thông tin độc quyền khác của doanh nghiệp. Rủi ro có thể xảy ra khi người lao động tiết lộ các thông tin này, bất kể trong quá trình làm việc hoặc sau khi họ rời khỏi doanh nghiệp. Điều này đặt ra nhu cầu cấp bách cho các doanh nghiệp về biện pháp an ninh và quản lý nhân sự chặt chẽ để đối mặt với rủi ro bảo mật trí tuệ và có cách ngăn chặn, đối phó với các vấn đề liên quan đến việc lộ thông tin và bảo vệ Tài Sản Trí Tuệ.

Để giải quyết những vấn đề rủi ro sở hữu trí tuệ tiềm ẩn này, doanh nghiệp cần thiết lập các quy trình cụ thể để cải thiện nhận thức của người lao động về sở hữu trí tuệ. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp đào tạo và hướng dẫn cho người lao động về quyền sở hữu và những biện pháp bảo mật trí tuệ. Bằng cách làm rõ quyền sở hữu và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với Tài Sản Trí Tuệ, doanh nghiệp có thể xây dựng một môi trường làm việc trong đó người lao động hiểu và tôn trọng các quy định về bảo mật. Qua đó, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro và bảo vệ tốt hơn các Tài Sản Trí Tuệ quan trọng của mình.

Cụ thể:

  • Đối với người lao động mới: Doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động mới ký thỏa thuận bảo mật về việc xác nhận sẽ không sử dụng hoặc tiết lộ bất kỳ bí mật kinh doanh hoặc thông tin độc quyền nào khác của doanh nghiệp mà không có sự cho phép bằng văn bản, kể cả sau khi họ rời khỏi doanh nghiệp.
  • Đối với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp: Doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động xác nhận những sản phẩm do người lao động tạo ra trong thời gian làm việc tại doanh nghiệp sẽ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Điều này có thể được thực hiện thông qua các thoả thuận trong hợp đồng lao động hoặc các thoả thuận về sở hữu trí tuệ. Quy định này giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và đảm bảo rằng các tài sản được tạo ra trong môi trường làm việc thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của doanh nghiệp.
  • Đối với người lao động rời khỏi doanh nghiệp: Doanh nghiệp cần yêu cầu trả lại hoặc xóa các bản sao lưu trữ của Tài Sản Trí Tuệ mà người lao động sở hữu hoặc kiểm soát khi chấm dứt làm việc tại doanh nghiệp để đảm bảo người lao động sẽ không sử dụng hoặc tiết lộ những Tài Sản Trí Tuệ đó.
  • Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần bảo mật tất cả máy tính làm việc, ổ cứng và phương tiện lưu trữ di động được sử dụng bởi người lao động. Xác định các hoạt động không phù hợp của người lao động như: xóa tệp, chuyển tiếp hoặc tải xuống tài liệu trong những ngày trước khi người lao động rời khỏi doanh nghiệp, v.v.
  1. Rủi ro khi không tham vấn từ chuyên gia sở hữu trí tuệ

Để tiết kiệm chi phí, nhiều doanh nghiệp lựa chọn lối tiếp cận sở hữu trí tuệ theo kiểu tự làm. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp mới thành lập, do tình trạng khan hiếm nguồn lực ban đầu, các nhà sáng lập doanh nghiệp thường đảm nhận các nhiệm vụ mà bản thân họ có ít hoặc không có khả năng (hoặc kinh nghiệm) để xử lý chúng. Phương thức này được cho là tốt nhất, hợp túi tiền lúc ban đầu nhưng phần lớn các trường hợp là đều mang tới cho công ty rủi ro cao nhất.

Để giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa quản lý sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp mới nên xem xét việc tham vấn chuyên gia có kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ. Việc này sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về nhu cầu và giải pháp cần thiết từ đầu. Và bằng cách này, doanh nghiệp có thể lập kế hoạch một cách chính xác và hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa giá trị của các Tài Sản Trí Tuệ của họ.

  1. Rủi ro khi chưa xác định các loại tài sản trí tuệ đang nắm giữ và về cơ chế bảo vệ

Các doanh nghiệp, dù hoạt động trong hoặc ngoài nước, đều cần phải hiểu rõ về các tài sản trí tuệ mà họ sở hữu và cơ chế bảo vệ những tài sản này, từ đó mới có phương án đối mặt với rủi ro bảo mật trí tuệ và cách ngăn chặn chúng.

Pháp luật của Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia khác trên thế giới đều thừa nhận tính quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, sở hữu công nghiệp và giống cây trồng. Mỗi đối tượng sẽ có cơ chế bảo hộ khác nhau như bảo hộ tự động, bảo hộ thông qua việc đăng ký với cơ quan nhà nước hoặc bảo hộ thông qua quá trình sử dụng. Tuy nhiên đối với những tài sản trí tuệ mà pháp luật chưa có cơ chế bảo vệ, các doanh nghiệp cần phải áp dụng các biện pháp bảo vệ riêng, đặc biệt là trong các hợp đồng thương mại quốc tế, cần có các điều khoản về bảo mật để đảm bảo an toàn cho các thông tin có trong hợp đồng đó.

Ví dụ như trong hợp đồng li-xăng, doanh nghiệp cho phép một doanh nghiệp nước ngoài được sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của mình trong một giới hạn thời gian và khu vực địa lý nhất định để đổi lại một khoản phí trọn gói hoặc định kỳ. Hợp đồng li-xăng thường liên quan tới các thoả thuận chuyển giao công nghệ, cho phép sản xuất kinh doanh hoặc phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, có một điều mà nhiều doanh nghiệp nhận hợp đồng li-xăng hay bỏ qua đó là phải đảm bảo đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ tại nước sở tại vì về nguyên tắc, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sẽ phát sinh khi đối tượng sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ. Do vậy, hợp đồng li-xăng sẽ có hiệu lực khi thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp còn hiệu lực. Trong trường hợp đối tượng sở hữu công nghiệp đã nộp đơn đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ hoặc đã hết hạn bảo hộ mà chưa được gia hạn, hợp đồng phải quy định rõ về quyền cũng như trách nhiệm các bên trong việc duy trì hiệu lực của văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp và hiệu lực hợp đồng.

  1. Rủi ro khi không tìm hiểu về hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia và quốc tế

Một sai lầm phổ biến mà nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn đều có thể gặp phải đó là cho rằng, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước mình đồng nghĩa với việc quyền sở hữu trí tuệ của họ sẽ được bảo hộ trên phạm vi toàn thế giới. Những doanh nghiệp này đối mặt với rủi ro bảo mật trí tuệ và không có phương án ngăn chặn chúng kịp thời. Phải cho đến khi tiến hành hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và gặp các hành vi xâm phạm rồi sau đó yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý thì mới nhận ra nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp của mình chưa được đăng ký quốc tế.

Lưu ý rằng một trong các tính chất của quyền sở hữu trí tuệ chính là tính lãnh thổ, điều này có nghĩa là văn bằng bảo hộ do cơ quan sở hữu trí tuệ của một quốc gia cấp chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia đó. Hơn nữa, pháp luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia trên thế giới mặc dù có những điểm tương đồng (các quốc gia là thành viên của Hiệp định TRIPs) nhưng về thủ tục đăng ký và cơ chế bảo hộ cũng có thể sẽ áp dụng những nguyên tắc khác nhau. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, bằng độc quyền sáng chế được cấp theo nguyên tắc “cấp độc quyền cho người đầu tiên tạo ra sáng chế” trong khi hầu hết các nước khác cấp bằng độc quyền sáng chế theo nguyên tắc “cấp độc quyền cho người đầu tiên nộp đơn”. Hoặc trong đăng ký nhãn hiệu, bên cạnh nguyên tắc “cấp cho người nộp đơn đầu tiên” như các nước khác, Hoa Kỳ còn ghi nhận nguyên tắc “cấp cho người đầu tiên sử dụng”.

Để tránh các rủi ro và tranh chấp pháp lý không mong muốn, doanh nghiệp cần tham vấn với chuyên gia sở hữu trí tuệ để hiểu rõ về quy trình đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia mà doanh nghiệp muốn hoạt động. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thể thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình trên phạm vi toàn cầu một cách hiệu quả và chính xác nhất.

Có thể khẳng định, việc quản lý và bảo vệ Tài Sản Trí Tuệ đóng vai trò quan trọng không kém việc quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thị trường kinh doanh toàn cầu thì rủi ro bảo mật trí tuệ là điều không thể tránh khỏi. Do đó, việc nhận thức được khả năng Đối Mặt với Rủi Ro Bảo Mật Trí Tuệ và Cách Ngăn Chặn Chúng không chỉ là một yếu tố quan trọng đối với sự thành công của các doanh nghiệp, mà còn là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng một nền tảng bền vững cho sự phát triển trong tương lai.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Đối Mặt với Rủi Ro Bảo Mật Trí Tuệ và Cách Ngăn Chặn ChúngPhước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.