Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Cố Ý Phát Tán Thông Tin Nhạy Cảm Lên Internet Có thể Bị Truy Cứu Trách Nhiệm Hình Sự Ra Sao

co-y-phat-tan-thong-tin-nhay-cam-len-internet-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-ra-sao

Cố Ý Phát Tán Thông Tin Nhạy Cảm Lên Internet Có thể Bị Truy Cứu Trách Nhiệm Hình Sự Ra Sao

Hiện nay, việc bảo vệ thông tin cá nhân hay các hình ảnh riêng tư đã và đang trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm toàn xã hội nói chung. Gần đây, không ít người đã trở thành nạn nhân của hành vi phát tán thông tin cá nhân và hình ảnh nhạy cảm lên Internet.

Hậu quả của hành vi này, có thể đơn giản chỉ là thông tin cá nhân bị công khai và từ đó liên tục nhận được những cú điện thoại, tin nhắn hay email mời chào, quảng cáo mà người đó không hề mong muốn, hoặc nghiêm trọng có thể phá vỡ cuộc sống, gia đình và sự nghiệp của cá nhân.

Ngày nay, không hiếm các scandal trong giới văn nghệ sỹ xuất hiện khi các ngôi sao bị lộ “clip nóng” hay ảnh nhạy cảm, dẫn tới sự nghiệp, gia đình của họ bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí, đến cả những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước cũng trở thành nạn nhân và hệ quả nặng nề thậm chí là kết thúc sự nghiệp của họ.

Đối với những người bình thường, các thông tin như số điện thoại, email cá nhân được mua bán dễ dàng và công khai trên Internet mà không có cách nào ngăn chặn.

Có thể bạn quan tâm: 4 cách tránh bị lộ thông tin giữa thời đại công nghiệp 4.0

4 Cách Tránh Bị Lộ Thông Tin Giữa Thời Đại Công Nghiệp 4.0?

Vì nhiều mục đích, không ít người đã tìm nhiều cách cố ý phát tán thông tin cá nhân và hình ảnh nhạy cảm của người khác lên Internet. Một số lý do có thể kể đến ở đây như bán thông tin và hình ảnh cá nhân là số điện thoại, email tới những đối tượng cần thông tin này (nhân viên bán hàng, tổ chức cho vay) để lấy tiền, hoặc đăng tải hình ảnh nhạy cảm của người khác để lấy lượt view hay làm xấu đi hình ảnh của một người nào đó, thậm chí là nhằm “hạ bệ” một người nào đó theo yêu cầu của đối thủ của họ.

Tuy nhiên, đa số những người thực hiện các hành vi nói trên thường không biết hoặc không biết chính xác về hậu quả pháp lý đối với các hành vi của họ. Việc phát tán thông tin cá nhân, hành ảnh nhạy cảm lên mạng internet nói trên, không chỉ là hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền riêng tư mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo chủ thể, hành vi cụ thể, hậu quả gây ra, những hành động trên có thể bị truy cứu về những tội phạm sau:

  • Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự. Theo đó, bất kỳ người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy có thể bị truy tố về tội này.
    Việc đăng tải, phát tán hình ảnh nhạy cảm lên mạng Internet có thể bị coi là hành vi quy định tại Điều 326 nêu trên, đặc biệt khi những hình ảnh nhạy cảm là các băng, hình ghi cảnh quan hệ tình dục.
    Tiêu biểu cho trường hợp này là việc 4 sinh viên phát tán clip sex của Hoàng Thùy Linh – Diễn viên chính trong “Nhật Ký Vàng Anh” đã bị truy tố và xét xử về tội danh truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy vào năm 2008. Hình phạt đối với tội danh này có thể lên tới 15 năm tù.
  • Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự. Việc đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể cấu thành tội phạm này và người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.
    Ngoài ra, hành vi này cũng có thể bị truy tố về tội Làm nhục người khác tại Điều 155 Bộ luật Hình sự với hình phạt tối đa tới 5 năm tù giam, nếu có căn cứ chứng minh rằng “một người đăng tải công khai thông tin cá nhân và hình ảnh nhạy cảm của người khác lên internet nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đó”.
  • Việc các hacker xâm nhập vào các hệ thống hoặc máy tính, điện thoại cá nhân để có được những thông tin cá nhân, hình ảnh nhạy cảm của một người có thể bị truy tố về Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác tại Điều 289 Bộ luật Hình sự.
    Hành vi khách quan đối với tội danh này là: cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ. Trong trường hợp xâm nhậm vào thiết bị điện tử của cá nhân khác, hacker có thể phải chịu hình phạt tới 7 năm tù.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc phát tán thông tin nhạy cảm của những người nổi tiếng nói riêng và cá nhân khác nói chung trên mạng xã hội có thể gây hậu quả khôn lường đối với uy tín, danh dự, thu nhập của người đó; thậm chí là gây tác động xấu đến xã hội. Việc bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân đang là một vấn đề thời sự. Vì vậy, việc xử lý hình sự đối với các hành vi phát tán thông tin tưởng chừng như vô hại là rất cần thiết.