Chính sách và quy định về sáp nhập và mua lại cổ phần
Từ khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới, hoạt động mua bán, sáp nhập ở Việt Nam diễn ra vô cùng mạnh mẽ với nhiều rào cản được tháo gỡ cho doanh nghiệp tham gia kinh doanh tại Việt Nam. Cùng với vai trò chiến lược, hoạt động mua bán, sáp nhập giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, tăng hiệu quả kinh doanh. Các chính sách, quy định được ban hành đã góp phần hạn chế rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng và các tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung. Bài viết này sẽ phân tích một cách tổng quát về các chính sách và quy định về sáp nhập và mua lại cổ phần tại Việt Nam để người đọc có góc nhìn đa dạng, sâu sắc hơn về hoạt động sáp nhập, mua bán cổ phần đang diễn ra sôi nổi này.
TỔNG QUAN VỀ MUA BÁN VÀ SÁP NHẬP
Mua bán và sáp nhập có thể được hiểu là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hay mua lại một hoặc một số phần (hoặc một số cổ phần) hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác. Theo đó, sáp nhập được hiểu là sự liên kết giữa các doanh nghiệp có cùng quy mô và cho ra đời một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân mới. Trong khi đó, mua lại là hình thức một doanh nghiệp lớn sẽ mua lại những doanh nghiệp nhỏ và yếu hơn và doanh nghiệp mua lại vẫn giữ tư cách pháp nhân của mình.
Về bản chất, hoạt động mua bán, sáp nhập tạo ra giá trị cộng hưởng lớn hơn tổng giá trị hiện tại của hai doanh nghiệp khi còn hoạt động riêng rẽ. Hiện nay, các chính sách và quy định về sáp nhập và mua lại cổ phần là một trong những vấn đề mà được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
TIẾN TRÌNH PHÁP LÝ CỦA HOẠT ĐỘNG SÁP NHẬP VÀ MUA LẠI CỔ PHẦN
Hiện nay, vẫn chưa có một quy trình cụ thể hay các chính sách và quy định về sáp nhập và mua lại cổ phầnmột cách thống nhất để doanh nghiệp có khung pháp lý hoàn chỉnh để áp dụng. Nhìn chung, dựa vào thực tiễn, hoạt động sáp nhập, mua lại cổ phần trải qua các bước sau:
Bước 1: Tiếp cận doanh nghiệp
Dựa trên khảo sát, đánh giá, phân tích về lĩnh vực hoạt động, vị thế, khả năng hoạt động thị trường, quản trị công ty, cơ sở vật chất,… nhà đầu tư quyết định doanh nghiệp phù hợp với định hướng và mục đích của mình.
Bước 2. Báo cáo thẩm định
Sau khi tiếp cận đối tượng, doanh nghiệp thường tự mình hoặc thuê các đơn vị tư vấn pháp lý, tư vấn tài chính để đánh giá mức độ phù hợp với chính sách và các quy định về sáp nhập và mua lại cổ phần dựa trên các hồ sơ, tài liệu mà doanh nghiệp bị sáp nhập/mua lại cổ phần cung cấp. Các bên sẽ ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin và tiếp tục các bước tiếp theo sau khi có báo cáo thẩm định pháp lý và tài chính.
Bước 3. Đàm phán và ký kết thương vụ sáp nhập, mua lại cổ phần
Sau khi thu thập được các thông tin chi tiết, doanh nghiệp cần quyết định hình thức sáp nhập hay mua lại cổ phần cho phù hợp. Ở giai đoạn này, các bên tập trung đàm phán về các vấn đề như: giá giao dịch, hình thức giao dịch, quyền và nghĩa vụ của các bên, điều khoản giải quyết tranh chấp và một số vấn đề khác.
Bước 4. Hoàn thành thủ tục pháp lý
Xin lưu ý rằng, một thương vụ sáp nhập, mua bán cổ phần chỉ được pháp luật Việt Nam công nhận khi các bên liên quan hoàn thành thủ tục pháp lý theo đúng quy định. Cụ thể, một số vấn đề doanh nghiệp cần phải xem xét và thực hiện như: thay đổi thành viên, thay đổi ngành nghề kinh doanh, chuyển nhượng cổ phần,…
Bước 5. Giải quyết các vấn đề sau khi thực hiện hoạt động sáp nhập, mua lại cổ phần
Đây được xem là giai đoạn thử thách và khó khăn của doanh nghiệp khi gia nhập thị trường Việt Nam. Theo đó, bên sáp nhập/mua lại cổ phần phải giải quyết các bất cập về nhân sự, mâu thuẫn trong chính sách quản lý nội bộ doanh nghiệp, khác biệt về văn hóa doanh nghiệp,… Điều này đòi hỏi bên sáp nhập/mua lại cổ phần phải có đủ năng lực và kinh nghiệm để đem lại quyền và lợi ích cho mình, phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh, sản xuất chung của doanh nghiệp.
CHÍNH SÁCH VÀ QUY ĐỊNH VỀ SÁP NHẬP, MUA LẠI CỔ PHẦN
Dưới góc độ pháp lý, hoạt động sáp nhập, mua lại cổ phần là một hoạt động phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Như đã đề cập, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa hay quy trình cụ thể về chính sách và các quy định về sáp nhập, mua lại cổ phần. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể tham khảo một số quy định sau đây khi tiến hành hoạt động sáp nhập, mua lại cổ phần tại Việt Nam.
- Theo Luật Doanh nghiệp
Theo Điều 4.31 Luật Doanh nghiệp 2020, việc sáp nhập được xem là một trong những hình thức tổ chức lại doanh nghiệp. Sáp nhập doanh nghiệp là hình thức kết hợp một hoặc một số công ty (công ty bị sáp nhập) vào một công ty khác (công ty nhận sáp nhập) trên cơ sở chuyển toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty bị sáp nhập vào công ty nhận sáp nhập. Công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại, công ty nhận sáp nhập vẫn tồn tại và kế thừa toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty bị sáp nhập.[1] So với Luật Doanh nghiệp cũ, pháp luật Việt Nam đã bỏ cụm từ “cùng loại” trong đoạn “Hai hoặc một số công ty cùng loại…” cho phép các doanh nghiệp khác loại có thể thực hiện việc sáp nhập. Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp được quy định tại Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 và các thủ tục đăng ký doanh nghiệp được hợp nhất, chấm dứt doanh nghiệp bị sáp nhập được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp.
Trong khi đó, mua lại cổ phần là hình thức mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần đã phát hành của thành viên hoặc cổ đông của công ty. Không giống như hình thức góp vốn trực tiếp vào doanh nghiệp, đây là hình thức đầu tư không làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp nhưng có thể làm thay đổi cơ cấu sở hữu vốn góp/cổ phần của doanh nghiệp.
Các tổ chức, cá nhân có quyền mua lại cổ phần công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ một số đối tượng nhất định.[2] Theo đó, doanh nghiệp cần tuân thủ về quy định bán cổ phần và chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần lần lượt theo Điều 126, Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo các quy định này, doanh nghiệp phải lưu ý về quyền chuyển nhượng cổ phần của cổ đông, loại cổ phần, hạn chế về chuyển nhượng cổ phần, phương thức chuyển nhượng cổ phần (hợp đồng chuyển nhượng hay giao dịch trên thị trường chứng khoán), những công việc pháp lý có thể phát sinh sau khi mua lại, chuyển nhượng cổ phần (nghĩa vụ thuế,…) và các vấn đề khác.
- Theo Luật Cạnh tranh
Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.[3] Luật Cạnh tranh quy định việc sáp nhập là hành vi tập trung kinh tế. Do đó, việc sáp nhập bị cấm trong trường hợp việc sáp nhập tạo ra thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế, gây tác động hoặc khả năng tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.[4] Mục đích của pháp luật cạnh tranh là tạo khung pháp lý để các doanh nghiệp cố điều kiện và cơ hội tự do cạnh tranh theo nguyên tắc công bằng, lành mạnh.
- Theo Luật Chứng khoán
Pháp luật chứng khoán cho phép tổ chức lại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.[5] Đối với lĩnh vực đặc thù này, doanh nghiệp cần phải được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi thực hiện, hay công bố thông tin cho khách hàng.
- Theo Luật Các tổ chức tín dụng
Tổ chức tín dụng được tổ chức lại doanh nghiệp dưới hình thức sáp nhập sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.[6] Tuy nhiên, liên quan đến các chính sách và quy định về sáp nhập và mua lại cổ phần, doanh nghiệp cần lưu ý có những điểm hạn chế nhất định được quy định cụ thể tại Thông tư số 04/2010/TT-NHNN quy định việc sáp nhập tổ chức tín dụng, Thông tư số 36/2015/TT-NHNN quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.
- Theo Luật Đầu tư
Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh. Việc kinh doanh có thể được thực hiện thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.[7] Theo đó, mua lại cổ phần được xem là một trong những hình thức đầu tư theo Điều 21.2 Luật Đầu tư 2020. Nhà đầu tư có quyền mua cổ phần vào tổ chức kinh tế.[8] Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế nhưng phải đáp ứng các quy định, điều kiện theo pháp luật.
KẾT LUẬN
Mỗi chính sách và quy định về việc sáp nhập, mua lại cổ phần đều có những quy định riêng đối với từng loại hình doanh nghiệp. Vì vậy, trước khi thực hiện bất cứ một hoạt động nào, bên sáp nhập/mua lại cổ phần cần tìm hiểu kỹ hồ sơ pháp lý doanh nghiệp bị sáp nhập/được mua lại cổ phần, các quy định của pháp luật để xác định các điều kiện cần thiết.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến các chính sách và quy định về sáp nhập, mua lại cổ phần mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020
[2] Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020
[3] Điều 29.2 Luật Cạnh tranh 2018
[4] Điều 30 Luật Cạnh tranh 2018
[5] Điều 93.1 Luật Chứng khoán 2019
[6] Điều 153.1 Luật Các tổ chức tín dụng 2010
[7] Điều 3.8 Luật Đầu tư 2020
[8] Điều 24 Luật Đầu tư 2020