Chế Tài Nào Dành Cho Nghệ Sĩ, Kol Khi Quảng Cáo Sai Sự Thật?
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok, Youtube, v.v…, đã làm thay đổi nhận thức và cách kết nối với thế giới của con người, trở thành công cụ đắc lực để con người tiếp nhận kiến thức mới, trong đó không thể không kể đến việc quảng cáo sản phẩm. Ưu điểm của các phương tiện truyền thông này là nhanh chóng, linh hoạt và liên tục cập nhật xu hướng, cho nên các KOL (được hiểu là những người có tầm ảnh hưởng và có chuyên môn trong lĩnh vực mà họ hoạt động, họ được xem như là chuyên gia trong lĩnh vực họ đang làm) và influencer (những người có tầm ảnh hưởng trên cộng đồng trực tuyến, thường là nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, người mẫu được mến mộ hay các blogger, vlogger, MC có đến hàng triệu người theo dõi) đã tận dụng triệt để các phương tiện này để thể hiện bản thân, quảng cáo sản phẩm, bán hàng nhằm tạo ra nguồn thu nhập cho bản thân. Tuy nhiên, theo thống kê hằng năm và báo chí liên tục báo động về tình trạng nghệ sĩ, KOL đã lợi dụng sự nổi tiếng của mình đưa ra những thông tin quảng cáo sai sự thật. Người tiêu dùng vì lòng tin và sự yêu mến những người nghệ sĩ, KOL này, nghe những lời quảng cáo có cánh để rồi mua hàng kém chất lượng dẫn đến việc tiền mất tật mang, hậu quả trong lĩnh vực đầu tư nghiêm trọng đến mức “trắng tay” hay “mang nợ”. Dẫu vậy, trên thực tế việc quản lý nội dung, chất lượng sản phẩm quảng cáo từ những đối tượng này của cơ quan nhà nước là rất khó khăn và còn lỏng lẻo, thậm chí việc xử phạt cũng không mang tính chất răn đe nên việc vi phạm và tái phạm ngày càng phổ biến. Trong bài viết này, tác giả sẽ đề cập đến các chế tài dành cho nghệ sĩ, KOL khi quảng cáo sai sự thật như gióng lên một hồi chuông cảnh báo.
Vấn nạn đáng lo ngại về quảng cáo sai sự thật của nghệ sĩ, KOL
Gần đây trên mạng xã hội có video truyền tải hình ảnh nghệ sĩ quảng cáo một loại thực phẩm chức năng có khả năng điều trị tận gốc bệnh tiểu đường, nhưng sau đó, có chuyên gia cho rằng sản phẩm này không có chức năng “thần kỳ” như được quảng cáo, thậm chí còn chưa được cấp chứng nhận từ tổ chức y tế. Người nghệ sĩ thì nói anh là nạn nhân của những video cắt ghép hình ảnh và âm thanh. Cùng lúc cũng xuất hiện nhiều video quảng cáo một người tự xưng là bác sĩ quân y giới thiệu bài thuốc chữa dạ dày khỏi ngay trong vòng 7 ngày; hoặc một lương y tự xưng nói có thể chữa khỏi bệnh với các loại thuốc mà không cần thăm khám trực tiếp; hay cũng có những ca sĩ, nghệ sĩ chia sẻ công dụng thần kỳ của các loại thuốc viêm xoang, giảm cân, v.v… với hiệu quả điều trị nhanh chóng. Tuy nhiên, theo Cục An toàn thực phẩm, các loại này chỉ là thực phẩm chức năng, hoàn toàn không phải là thuốc, không có công dụng chữa bệnh như được quảng cáo. Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, 60% quảng cáo thực phẩm chức năng trên các mạng xã hội là gian lận. Năm 2020 có 48 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 2,2 tỉ đồng; năm 2021 có 28 cơ sở bị phạt với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng; năm 2022 là 28 cơ sở với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng. Thực tế này đã đủ gióng hồi chuông báo động về tình trạng quảng cáo sai sự thật. Trong khi đó, Luật Quảng cáo và các văn bản pháp luật liên quan hiện vẫn chưa điều chỉnh một cách chi tiết đối với vấn nạn này, và cũng không được áp dụng sâu rộng vào thực tiễn. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin phép chưa bàn việc sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép, mà chỉ đề cập những nội dung quảng cáo sai sự thật.
Mới đây nhất trên nền tảng giải trí Tiktok, một KOL nổi tiếng là “hot tiktoker” với hơn 800.000 người theo dõi đã đăng tải một clip tiktok hài hước nhằm quảng cáo cho sản phẩm viên sủi giảm cân với thông điệp uống 1 viên, ăn thoải mái vẫn cứ giảm. Ngay sau đó, một chuyên gia dinh dưỡng đã ‘bóc trần” việc quảng cáo sai sự thật này. Tuy nhiên, nàng KOL đã dùng lý do vì muốn thời lượng clip ngắn nên đã cắt bỏ phần thông tin quan trọng nhất (tức là uống phải kèm theo chế độ tập luyện mới có hiệu quả) để biện minh cho việc quảng cáo sai của bản thân.
Không chỉ quảng cáo về các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc giảm cân,…mà tiền ảo cũng được các nghệ sĩ, KOL quảng cáo tràn lan. Gần đây, trang cá nhân của một số nghệ sĩ đồng loạt đăng bài viết nhắc đến tiền ảo như Dogecoin, Shiba Inu, FXT Token cùng nhiều loại tiền ảo khác nhằm thu hút đầu tư. Đây là các loại tiền ảo chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận, nguyên tắc đầu tư là “lời ăn lỗ chịu”. Vậy cớ sao những nghệ sĩ, những người có tầm ảnh hưởng đối với xã hội lại có thể hùng hồn tuyên bố “cam kết sinh lời”?
Điểm qua một số trường hợp quảng cáo sai sự thật từ nghệ sĩ cho đến KOL có thể thấy bức tranh toàn cảnh về vấn nạn quảng cáo sai sự thật đáng báo động, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản và niềm tin của người tiêu dùng.
Chế tài nào dành cho nghệ sĩ, KOL khi quảng cáo sai sự thật
Quảng cáo sai sự thật được hiểu và việc đưa ra những thông tin về một trong các nội dung như số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ một cách sai lệch. Đây là một trong các hành vi quảng cáo thương mại bị cấm được quy định tại Điều 109.7 Luật Thương mại 2005.
Bên cạnh đó, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn cũng là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo được quy định tại Điều 8.9 Luật Quảng cáo 2012. Vậy khi nghệ sĩ, KOL quảng cáo sai sự thật thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Liên quan đến hành vi trên, ở mức độ nhẹ nhất, nghệ sĩ, KOL có thể bị áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 34.5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP cụ thể, bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại Điều 51.4, Điều 52.4(b), Điều 60.1, và Điều 61.1(c) của Nghị định này.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng và buộc tháo gỡ, xóa/thu hồi, tháo dỡ quảng cáo sai sự thật như trên, nếu vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.
Ngoài ra, hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Lời kết
Nghệ sĩ hay KOL là những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng. Chính vì vậy, hậu quả của hành động quảng cáo sai sự thật của họ có tác động rất lớn đối với xã hội. Tuy nhiên, quy định pháp luật về chế tài hiện nay vẫn chưa đủ nghiêm khắc và chưa đủ tính răn đe nên họ sẵn sàng vì lợi nhuận mà bất chấp việc bị xử phạt. Do đó, yêu cầu cấp bách được đặt ra là các cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung, ban hành kịp thời các quy định liên quan đến hành vi quảng cáo sai sự thật của nhóm người này, cần có các chế tài thật nghiêm khắc để hoàn thiện pháp luật và ngăn chặn việc quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội.
Trong khi chờ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật và xử lý việc quảng cáo sai sự thật tràn làn trên mạng xã hội hiện nay, tác giả mong rằng mỗi người dân phải luôn sáng suốt, phải là người tiêu dùng thông minh, đừng vội tin vào những lời quảng cáo của những người nổi tiếng mà phải tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định chọn mua bất kỳ loại sản phẩm nào. Thông qua đó, chúng ta mới có thể tự bảo vệ mình trước vấn nạn quảng cáo sai sự thật đang diễn ra hiện nay.