Các Hình Thức Giải Quyết Tranh Chấp Thương Mại
Tranh chấp được hiểu là những bất đồng, mâu thuẫn về quyền lợi, nghĩa vụ giữa các bên trong một quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh. Hiện nay, các tranh chấp về hoạt động kinh doanh thương mại ngày càng gia tăng mạnh mẽ khi hoạt động thương mại diễn ra sôi nổi hơn nhằm mục đích sinh lợi. Song song với chiến lược phát triển kinh doanh và tăng lợi nhuận, doanh nghiệp cũng cần chú tâm vào việc xây dựng các chiến lược hoạt động sao cho giảm thiểu các tranh chấp thương mại có thể xảy ra và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Đồng thời, khi tranh chấp xảy ra, việc lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp phù hợp là cần thiết cho doannh nghiệp để giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến lợi nhuận, uy tín cũng như các mối quan hệ hợp tác lâu dài. Do đó, bài viết này, Phước và Các Cộng Sự gửi đến quý vị bạn đọc những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại mà doanh nghiệp nên hiểu và áp dụng cho phù hợp.
Tranh chấp thương mại
- Khái niệm tranh chấp thương mại
Tranh chấp thương mại lần đầu tiên được định nghĩa tại Điều 238 của Luật Thương mại 1997, theo đó, “Tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng trong hoạt động thương mại”. Luật Thương mại 2005 không còn khái niệm về tranh chấp thương mại, tuy nhiên có sử dụng thuật ngữ “tranh chấp trong thương mại”, “tranh chấp thương mại” tại Điều 317, Điều 319 của Bộ luật này. Có thể hiểu tranh chấp trong thương mại hay tranh chấp thương mại là những tranh chấp phát sinh liên quan đến hoạt động thương mại – là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác[1]. Bên cạnh đó, Điều 30 của Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng nhắc đến các tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tranh chấp thương mại có thể được phân biệt bởi một số đặc điểm cơ bản như (1) là những bất đồng hay xung đột về quyền và nghĩa vụ giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; (2) chủ yếu phát sinh giữa các thương nhân; (3) thường mang yếu tố vật chất và có giá trị lớn hoặc các quyền và lợi ích có thể quy ra giá trị vật chất lớn.
Căn cứ theo Điều 319 Luật thương mại 2005, thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.
- Phân loại tranh chấp thương mại
Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự chia tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án như sau:
- Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận;
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận;
- Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty;
- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
- Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Luật Trọng tài thương mại 2010 liệt kê các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài bao gồm:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
- Các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại
- Thương lượng
Thương lượng giữa các bên là một trong những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại được quy định tại Điều 317 Luật Thương mại 2005. Theo đó, các bên giải quyết tranh chấp thông qua việc cùng nhau tiếp xúc, tìm hiểu, dàn xếp, nhượng bộ để tháo gỡ những bất đồng phát sinh nhằm loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bên thứ ba.
Đây là phương án nên được các bên ưu tiên nhất khi xảy ra tranh chấp và thường mang lại hiệu quả tốt nhất cũng như hạn chế được tối đa mức độ rủi ro cho doanh nghiệp. Mục tiêu thương lượng đều nhằm hướng tới lợi ích của các bên, đến thiện chí hợp tác lâu dài và xuất phát từ nguyên tắc tự do định đoạt, tự nguyện cam kết thỏa thuận giữa các bên tranh chấp. Hình thức này được sử dụng phổ biến nhất bởi lẽ việc thương lượng không bị ràng buộc bởi các quy định pháp lý phức tạp, không cần phải tốn nhiều thời gian và chi phí để tham gia các thủ tục như khi thực hiện giải quyết tại Trọng tài hay Tòa án. Ngoài ra, hình thức thương lượng cũng là phao cứu sinh cho doanh nghiệp trong trường hợp thời hiệu khởi kiện của tranh chấp đã hết bởi lẽ thông qua thương lượng, bên vi phạm nghĩa vụ thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ là cơ sở để bắt đầu tính lại thời hiệu khởi kiện[2].
Việc thương lượng phụ thuộc vào ý chí của hai bên, vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm của hình thức này bởi nó đòi hỏi các bên phải thiện chí, trung thực, hợp tác. Hơn thế nữa, thỏa thuận đạt được trong phương thức này không có tính cưỡng chế thi hành mà phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp. Trường hợp một trong các bên không có thiện chí tham gia thương lượng, đưa ra các yêu cầu không hợp lý hay không có ý thức tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận thì việc thương lượng sẽ không đạt được và ưu điểm tiết kiệm thời gian của hình thức này không còn.
Luật sư tham gia thương lượng cần có sự nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch, chiến lược trước khi tham gia thương lượng. Thông thường, khi việc thương lượng dường như trở nên quá khó khăn để đạt được, các bên mới tìm đến những hình thức giải quyết tranh chấp dưới đây.
- Hòa giải
Ngoài các phương án tài phán, hòa giải cũng là phương án giúp các bên hóa giải mâu thuẫn và có một thỏa thuận mới giúp cho các bên có thể tiếp tục thực hiện giao dịch của mình. Thông thường có hai phương án hòa giải chính, với cùng mục đích giúp các bên giải quyết được tranh chấp của mình. Hòa giải đánh giá là trường hợp hòa giải viên đánh giá các vấn đề mang tính cốt yếu đối với tranh chấp và tìm cách định hướng và dẫn dắt các bên đến kết quả thỏa thuận hòa giải thành. Ngược lại, hòa giải hỗ trợ là khi hòa giải viên không đánh giá các vấn đề cốt yếu của tranh chấp mà thay vào đó sẽ chỉ hỗ trợ giúp các bên hiểu rõ nhau hơn, xóa bỏ các hiểu lầm, các yếu tố bất lợi trong quá trình đàm phán nhằm tự mình tìm đến kết quả hòa giải thành công. Về tâm trí, hòa giải viên cần phải giữ mình không định kiến, không giả định về bất cứ điều gì trước khi được các bên trình bày nội dung tranh chấp.
Nghị định 22/2017/NĐ-CP định nghĩa về hòa giải thương mại tại Điều 3.1 như sau: “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.”. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp. Hòa giải thành công sẽ dẫn đến thỏa thuận hòa giải thành, phải được lập thành văn bản[3], có giá trị pháp lý ràng buộc như hợp đồng và ràng buộc các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Khi đó, các bên có thể đem kết quả hòa giải thành yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Tòa án thông qua thủ tục việc dân sự.
Bên cạnh đó, hòa giải còn được thực hiện trong tố tụng tại Tòa án và Trọng tài. Hòa giải trong tố tụng dân sự là một thủ tục bắt buộc theo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Khi đó, Thẩm phán chính là hòa giải viên và kết quả hòa giải sẽ được Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Hòa giải trong tố tụng trọng tài thì không phải là thủ tục bắt buộc, tuy nhiên trọng tài viên và Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp sẽ luôn khuyến khích các bên hòa giải và kết quả hòa giải cũng được công nhận và có hiệu lực cưỡng chế thi hành.
- Trọng tài
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại[4]. Hình thức này được thực hiện thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt xung đột bằng việc đưa ra một phán quyết buộc các bên tranh chấp phải thực hiện.
Tuy nhiên, để lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên phải có (i) sự tồn tại của một thỏa thuận trọng tại mà thỏa thuận đó (ii) phải có giá trị pháp lý và (iii) có hiệu lực trên thực tế, tức là có thể thực hiện được[5]. Khi có thỏa thuận trọng tài, Tòa án phải từ chối thụ lý vụ án.
Các bên có thể lựa chọn trọng tài vụ việc (ad hoc) hoặc trọng tài quy chế để giải quyết tranh chấp phát sinh. Ở Việt Nam, các bên có thể lựa chọn các trung tâm trọng tài quốc tế như Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC), Trung tâm trọng tài quốc tế Hong Kong (HKIAC), Hiệp hội trọng tài Nhật Bản (JCAA), Tòa án trọng tài quốc tế của Phòng thương mại quốc tế (ICC) hoặc trọng tài trong nước như Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương (PIAC). Phán quyết của Hội đồng trọng tài mang tính chung thẩm và không thể kháng cáo, có tính ràng buộc và yêu cầu các bên phải tuân thủ, thực hiện nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên, hình thức này thường tiết kiệm thời gian cho các bên, do đó chi phí cho trọng tài khá cao. Dù vậy, tính bảo mật của hình thức trọng tài cao do không được công khai.
- Tòa án
Hình thức giải quyết tranh chấp thương mại cuối cùng là tiến hành khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Ưu điểm của hình thức này là phán quyết của Tòa án mang tính cưỡng chế cao nhất trong các hình thức, chi phí cho Tòa án cũng không lớn như khi giải quyết thông qua trọng tài. Ngược lại, việc giải quyết tranh chấp bằng hình thức khởi kiện tại Tòa án cũng có những nhược điểm như thời gian tố tụng kéo dài do phải tuân theo đầy đủ các thủ tục luật định, việc thực hiện kháng cáo, kháng nghị. Ngoài ra, việc xét xử các vụ tranh chấp thường được thực hiện công khai, trừ những trường hợp ngoại lệ, điều này có nguy cơ gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường trong trường hợp doanh nghiệp được kết luận là bên có hành vi vi phạm.
Doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu và hiểu rõ về đối tượng tranh chấp, các bên trong tranh chấp và tùy vào trường hợp cụ thể để lựa chọn hình thức giải quyết sao cho phù hợp và giảm thiểu tối đa chi phí cũng như thời gian dành ra cho việc giải quyết, đồng thời đảm bảo được hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp mình.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Điều 3.1. Luật Thương mại 2005
[2] Điều 157.1(a) Bộ luật Dân sự 2015
[3] Điều 11.2 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[4] Điều 3.1 Luật Trọng tài thương mại 2010
[5] Điều 5 và Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010